Có lẽ bạn sẽ không phải đợi lâu nữa mới ‘được’ chứng kiến cảnh robot dần cướp đi việc làm của chúng ta ra sao, bởi vì nó đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta rồi.
Dưới đây là 3 nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới (xét về lượng nhân viên) đã và đang sử dụng robot để thay thế hàng chục ngàn lao động của họ:
– Foxconn: Đối tác chiến lược của Apple, Google và Amazon và cũng là nhà tuyển dụng lớn thứ 10 trên thế giới đã thay thế 60,000 công nhân của mình bằng robot.
– Walmart: Nhà tuyển dụng lớn thứ ba toàn cầu với tổng cộng 2,1 triệu lao động đang muốn thay thế các nhân viên kiểm hàng kho bãi của mình các thiết bị drone có thể bay và scan qua những giá chứa đồ dài hàng dặm trong chớp mắt.
– Bộ Quốc phòng Mỹ: Nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới, đã và đang sử dụng hàng loạt thiết bị bay không người lái, chủ yếu là ở các vùng có chiến sự. Hiện quân đội Mỹ đang sử dụng ít nhất 7.362 máy bay không người lái RQ-11 Ravens.
Mẫu máy bay không người lái RQ-11 Ravens thường được quân đội Mỹ sử dụng tại Trung Đông
Thế nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bảng kê từ CSLA dưới đây cho thấy 10 nhà tuyển dụng lớn nhất thế giới cũng đang không giấu tham vọng cắt giảm đáng kể nhân lực của mình để thay thế bằng máy móc.
Trong số 10 cái tên này, chỉ có Cơ quan Y tế Quốc gia của Anh với một đội ngũ y bác sỹ khổng lồ chuyên thực hiện các hoạt động phức tạp là không có dấu hiệu bị dịch chuyển nhiều bởi robot. Còn lại, các lĩnh vực bao gồm những tác vụ có tính lặp lại đều có thể sử dụng phần mềm với mức năng suất và độ chính xác cao hơn con người.
77% việc làm tại Trung Quốc có thể bị robot chiếm sạch
60.000 robot đang hoạt động tại Foxconn hiện nay mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 1,3 triệu nhân công của hãng. Chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên robot, thế nhưng bạn cũng hãy cẩn thận với tốc độ lan tỏa và tính cách mạng của robot đối với thị trường lao động. Hãy nhìn vào những ghi nhận đáng giật mình dưới đây:
– Ngân hàng Citi và ĐH Oxford (Anh) dự báo 77% lượng việc làm tại Trung Quốc hiện nay có thể sẽ biến mất cùng sự trỗi dậy của tự động hóa. 57% việc làm tại các nước trong nhóm OECD cũng sẽ bị đe dọa bởi tự động hóa.
– Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán cho đến năm 2020, 5 triệu việc làm trên toàn cầu có thể sẽ biến mất.
– IBM khẳng định hãng đã tạo ra một robot có khả năng chẩn đoán ung thư tốt hơn cả con người.
– Ngay cả nhân lực ngành báo chí cũng không tránh khỏi cuộc càn quét của robot: Hãng thông tấn AP đã sử dụng phần mềm AI viết khoảng 3000 bài báo (chủ yếu là các bài tin tức tài chính, chứng khoán) mỗi quý.
Tất nhiên viễn cảnh hàng triệu việc làm bị robot cướp hết cũng không hẳn là chắc chắn xảy ra. Viễn cảnh tươi sáng về tương lai của kỷ nguyên robot là chúng ta có thể rảnh tay và chỉ phải đi làm bằng một nửa thời lượng hiện giờ nhờ các robot giúp việc. Con người có thể dành nhiều thời gian hơn vào thư giãn, giải trí hay làm những công việc tầm cao hơn. Công nghệ mới cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn: robot cũng cần người thiết kế, quản lý và bảo trì.
Một viễn cảnh đen tối hơn là tương lai robot có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo khi cướp hết việc làm của tầng lớp lao động cấp thấp và làm tăng lợi nhuận cho các ông chủ nhà máy đứng đầu chuỗi cung ứng.
Cục thống kê Lao động Mỹ đã thể hiện xu hướng này qua biểu đồ về ngành xuất bản tin tức dưới đây. Internet đã tạo ra rất nhiều việc làm trong ngành xuất bản online thế nhưng cũng cùng lúc cướp đi một lượng việc làm nhiều hơn thế trong ngành báo in.
Biểu đồ phân bố nhân lực ngành xuất bản tin tức (Đường màu xanh dương: Báo giấy; xanh lá cây: Truyền thông online và truyền hình)
Viễn cảnh đen tối nhất chính là khi tốc độ đánh chiếm việc làm của robot còn xảy ra nhanh hơn cả tốc độ chúng ta tạo ra việc làm mới.
Theo một báo cáo của Citi, những ích lợi công nghệ mới đem lại sẽ được chia đều cho tất cả, và cho biết các bước tiến trong tự động hóa và công nghiệp robot sẽ làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa nhóm 1% những người giàu và nhóm 99% còn lại.
Jim Snabe, một thành viên của WEF đã trình bày quan điểm kết hợp giữa cả 2 viễn cảnh trên tại hội nghị DocuSign Momentum, London tuần qua như sau:
“Không còn nghi ngờ gì những cơ hội cho các doanh nghiệp tự cách mạng hóa mình đang đến gần. Thế nhưng những tác động xã hội của chúng chắc chắn sẽ rất khủng khiếp, và tương lai có thể tốt đẹp, cũng có thể tệ hại hơn.”
Viễn cảnh xấu là khi chúng ta đặt cược tất cả mọi thứ của mình vào công nghệ trong khi chúng cũng không thực sự an toàn, và dữ liệu cá nhân của chúng ta cũng không còn gì là riêng tư nữa. Việc làm cũ thì biến mất trước cả khi việc làm mới được tạo ra, kết cục là cuộc cách mạng này cũng chỉ như những cuộc cách mạng trước đây mà thôi. Mọi sẽ dần chán ghét nó.
Ngược lại, một viễn cảnh tươi sáng khác cũng có thể xảy đến là khi chúng ta có thể hướng công nghệ mới vào việc tạo ra những nguồn tài nguyên dồi dào bất tận thay thế thiên nhiên, ngăn chặn biến đổi khí hậu, cứu vớt hàng tỷ người nghèo đói và kết nối cả thế giới lại gần nhau hơn.
Viễn cảnh thứ hai thật sự rất tuyệt, thế nhưng trên thực tế, viễn cảnh tồi tệ lại đang xảy ra nhanh hơn, nhất là tại Trung Quốc.
Hai bài viết gần đây từ CLSA và ngân hàng Merrill Lynch hiện đang thu hút sự chú ý về tốc độ phá bỏ việc làm của robot. Trong bài viết, Merrill Lynch có cho rằng “Trung Quốc là nước đang đi đầu trong việc đưa robot vào thay người và đã mua hơn 57.000 robot công nghiệp các loại chỉ tính riêng trong năm 2014 (chiếm 25% lượng robot tiêu thụ toàn cầu). Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ chính là nơi chứng kiến nhu cầu robot hàng năm tăng tới 25%.”
25% nhu cầu robot toàn cầu! Ngay cả McDonald’s với 1,9 triệu nhân viên cũng có thể sẽ đưa robot vào thay thế con người. CEO McDonald’s Ed Rensi từng chia sẻ với Fox Business rằng nếu mức lương tối thiếu của Mỹ tăng, chuỗi nhà hàng ăn nhanh này sẽ cân nhắc thay người bằng robot. Ông cho biết: “Mua một cánh tay robot khoảng 35.000 USD còn rẻ hơn là thuê nhân viên làm việc thiếu hiệu quả mà vẫn phải trả 15 USD/giờ chỉ để rán khoai tây.”
Sự nổi lên của các Luddites
Nedd Ludd, lãnh đạo các phong trào đập phá máy móc công xưởng thế kỷ 19 tại Anh
Trong các bài viết của mình, chuyên gia Seagrim của CSLA có nhắc đến các Luddites, từ để chỉ những công nhân Anh bảo thủ từng đập phá máy móc trong các công xưởng vào thế kỷ 19 (thời kỳ diễn ra cách mạng công nghiệp tại Anh) vì cho rằng chúng cướp mất việc làm của họ với trích dẫn mô tả rằng “Năm 1811, chính phủ phải điều động nhiều quân đi dẹp Nedd Ludd cùng làn sóng các công nhân dệt may thất nghiệp gây náo loạn miền Bắc nước Anh hơn cả lượng quân chiến đấu chống Napoleon ở Tây Ban Nha!”. Hình ảnh này cũng đủ cho chúng ta thấy nỗi khiếp sợ mà máy móc, robot có thể mang đến trong tương lai.
Dù vậy, Seagrims vẫn tin rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới đây sẽ không mang đến làn sóng bạo lực như thế kỷ 19. “Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và máy móc được MIT thực hiện tại một nhà máy của BMW cho thấy đội ngũ sản xuất bao gồm cả người và máy móc đã phối hợp với nhau rất hiệu quả và mang lại năng suất cao hơn so với đội ngũ chỉ gồm người hoặc robot.”
Tuy nhiên, nhà phân tích Snabe của WEF lại chỉ ra rằng con người cần những nỗ lực thấu đáo và có dự tính với các kế hoạch sản xuất kinh doanh có bao gồm cả robot.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông cho rằng “Các tác động xã hội của tự động hóa là rất lớn và tôi nghĩ đây sẽ vừa là cơ hội vừa là trách nhiệm đòi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp phải lái tầm nhìn theo hướng đó chứ không phải chỉ nghĩ đơn giản là quý tới tối ưu hóa được quy trình nào không. Quan trọng hơn là chúng ta sẽ làm gì để đảm bảo luôn có những việc làm mới được sinh ra.”
Ông cũng nói thêm rằng “Chúng ta đang nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cũng là cuộc cách mạng thứ hai kể từ khi con người có điện. Hiện vẫn còn 1,4 tỷ người trên Trái đất chưa có điện để dùng. Hãy tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu chúng ta có thể tận dụng các đột phá công nghệ trong tương lai để giải quyết vấn đề này cũng như đưa thêm 4 tỷ người khác vào internet, góp phần kiến tạo một tương lai mà chúng ta vẫn kỳ vọng.”
Theo Genk.vn/ Business Insider