5 ngộ nhận chủ yếu về Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

5 ngộ nhận chủ yếu về Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Trong quá trình làm dịch vụ Trí tuệ nhân tạo (TTNT) ở Việt Nam, được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, chúng tôi nhận ra rằng đây là một thị trường cực kì tiềm năng nhưng cũng đầy thử thách. Để minh họa cho đánh giá này, tôi xin được liệt kê ra đây 5 xu hướng chủ đạo về TTNT tại Việt Nam (VN).

1. TTNT là Máy Học

Đây có lẽ là cách giải thích theo hướng học thuật được nhắc tới nhiều nhất không chỉ ở VN mà còn trên thế giới. Hàng loạt các hội thảo, khóa học, sự kiện về những ứng dụng của Máy Học với sự tham gia của các công ty, chuyên gia trong và ngoài nước được tổ chức với mật độ dày đặc từ Bắc chí Nam thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành phần, độ tuổi trong xã hội. Rất nhiều khả năng thuyết phục về việc ứng dụng Máy Học được nhắc tới thông qua các ví dụ thực tế: Từ nhận dạng khuôn mặt, camera giao thông thông minh, phân loại nông sản tới nhận dạng chữ viết tay, biển số xe, chứng minh thư nhân dân (CMTND), nhận dạng giọng nói, xe tự lái…

Trên lý thuyết tiềm năng là vậy, thế nhưng trong thực tế những ứng dụng này hầu như chưa đi được vào các doanh nghiệp do chưa tạo ra được đủ độ tin cậy và ổn định. Có thể kể đến việc camera và phần mềm nhận dạng khuôn mặt phục vụ cho việc check in/check out công sở đến từ một cường quốc trên thế giới là Trung Quốc hiện chưa tạo ra được sự hài lòng cho các doanh nghiệp sử dụng. Khi nhận được các yêu cầu làm tốt hơn các sản phẩm sẵn có trên thị trường về nhận dạng khuôn mặt, phản xạ ngay lập tức của chúng tôi là từ chối. Đây là một bài toán mang tầm thế giới và đòi hỏi rất nhiều năm nghiên cứu bền bỉ với sự đầu tư về nhân vật lực khổng lồ.

Ngoài ra còn có thể kể đến một bài toán tiêu biểu, nhập môn về Máy Học cho việc nhận dạng chữ viết tay, biển số xe hay CMTND. Hiện tại theo hiểu biết hạn hẹp của mình, chúng tôi chưa thấy được bất kì phần mềm nào trên thị trường có thể đáp ứng được yêu cầu với hệ thống chữ viết, biển số xe hay CMTND VN. Có hai lý do cho vấn đề này: thứ nhất việc nhận dạng chữ viêt biển số xe hay CMTND VN chưa được đầu tư phát triển nhiều như tiếng Anh; Thứ hai, yêu cầu của các DN có nhu cầu về phần mềm này thường rất cao, họ thường đòi hỏi việc nhận chính xác 100% hoặc chấp nhận sai số cực thấp trong khi không có đủ khả năng chi trả và không kiên trì đầu tư dài hạn (như các DN nước ngoài – mà Nhật là một ví dụ tiêu biểu).

Nói như vậy không có nghĩa là vơ đũa cả nắm tất cả các DN VN, khi làm việc với các tập đoàn lớn, chúng tôi nhận thấy sự cầu thị và sự trân trọng của họ đối với các chuyên gia. Chúng tôi hiểu được sự đầu tư tốn kém của các tập đoàn lớn với kinh nghiệm đau thương khi làm TTNT với hầu hết các tập đoàn khổng lồ trên thế giới từ Google, IBM, Oracle đến các công ty mới nổi từ khắp nơi trên thế giới đến tư vấn và chào bán sản phẩm. Tôi xin phép được phân tích các lí do dẫn đến sự thiếu hiệu quả này trong phần sau.

2. TTNT là Xử lí Ngôn ngữ Tự nhiên

Cách giải thích này thực sự đã tạo ra một cơn lũ các công ty làm phần mềm về Chatbot – trả lời khách hàng tự động cho 70-80% các công hỏi thông dụng nhất trong việc chăm sóc khách hàng, giảm thiểu nhân lực con người. Có hai lý do tạo nên làn sóng Chatbot này: Thứ nhất, việc tạo ra các sản phẩm Chatbot là công nghệ ít thách thức nhất trong TTNT; Thứ hai, Chatbot là một công nghệ chuẩn thế giới. Rất nhiều thư viện mã nguồn mở sẵn sàng và miễn phí cho phép các công ty tùy chỉnh và áp dụng hiệu quả cho các khách hàng của mình trong một thời gian ngắn. Đây cũng là một yêu cầu mà chúng tôi thường xuyên từ chối.

Bên cạnh việc không có lợi thế cạnh tranh, việc có quá nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước, cùng với giá nhân công thấp dẫn đến việc Chatbot không được đánh giá cao.

3. TTNT như Mì ăn liền

Đây là tên của một bài trình bày quảng bá cho Google API (các dịch vụ có sẵn cho Máy Học của Google) xuyên suốt từ Bắc chí Nam. Ý tưởng của Google là các DN công nghệ thậm chí không cần có năng lực Máy Học cũng có thể tạo ra các phần mềm TTNT một cách dễ dàng thông qua việc sử dụng các dịch vụ có sẵn từ Google và trả tiền cho mỗi lần gọi dịch vụ.

Chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau là các dịch vụ này của Google giống bào ngư, vây cá chứ không giống mì ăn liền như họ quảng bá. Lí do hết sức đơn giản là khi áp dụng thực tế cho các DN, việc gọi dịch vụ của Google hàng ngàn, hàng triệu lần một ngày sẽ tạo ra chi phí khổng lồ cho các DN VN, trong khi hiệu quả thực tế vẫn là một dấu hỏi lớn. Ngoài Google, các gã khổng lồ khác trên thế giới như IBM, Amazon, Microsoft cũng đang chạy đua vũ trang quyết liệt cho miếng bánh thị trường màu mỡ này.

4. TTNT là tất cả mọi thứ khác Blockchain, IoT, Siri, …

Cùng với cuộc CMCN 4.0, TTNT đang là thứ trang sức được hầu hết các DN VN và cả thế giới ưa chuộng để đánh bóng hình ảnh của mình. Mọi thứ đều là TTNT, mọi thứ đều tự động hóa, mọi thứ đều màu hồng.

5. TTNT phục vụ cho Tối ưu

Khi gặp gỡ các DN VN, chúng tôi thường bắt đầu bằng các vấn đề cần tối ưu khi nguồn lực hạn hẹp dù đối có các công ty nhỏ hay các tập đoàn với doanh thu hàng nghìn tỉ mỗi năm. Bắt đầu vấn đề với cách tiếp cận cầu thị và trung thực với mong muốn hiểu các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, chúng tôi luôn giữ được uy tín, quan hệ và hình ảnh tốt dù có đi tới được hợp đồng hay không.

Bằng cách hiểu vấn đề và nghiên cứu độ khả thi của các giải pháp trong một thời gian không quá dài, chúng tôi luôn tư vấn giúp cho các khách hàng đưa ra các quyết định ngay từ ban đầu về việc nên làm hay không làm để tránh được sự lãng phí về thời gian, nhân vật lực và tiền bạc. Đối với các tập đoàn lớn, đôi khi họ phải chấp nhận một mặt sử dụng các hệ thống lớn với giá cao, mặt khác xử lí một cách thủ công, kinh nghiệm với các tác vụ đặc thù không theo bất cứ một chuẩn nào trên thế giới của doanh nghiệp mình.

Lật lại vấn đề, tại sao các gã khổng lồ về TTNT không muốn giải quyết các vấn đề đặc thù tại VN? Câu trả lời theo logic là vì chúng không đáng để đầu tư nghiên cứu với kinh phí quá cao, trong khi vấn đề đặc thù của DN này lại khác xa vấn đề của các DN khác ngay tại thị trường VN. Trong kinh doanh, không có chuyện đầu tư lớn để tạo ra sản phẩm phục vụ cho duy nhất một DN với giá rẻ mà không có khả năng nhân rộng và bán được trên toàn VN, châu Á hay thậm chí thế giới.

Muốn vậy cần sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các DN VN, từ việc cung cấp đầy đủ các dữ liệu chân thực, nghiệp vụ đặc thù, cho tới việc chuẩn bị một đội ngũ hỗ trợ các chuyên gia trong quá trình dài hơi tạo ra các sản phẩm TTNT mang thương hiệu thuần Việt.

Nguồn khoahocphattrien.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với