5G – cuộc chiến khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc
Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc đua để trở thành nhà lãnh đạo 5G, công nghệ được coi là xương sống trong mọi thứ từ những chiếc xe không người lái đến các thành phố tương lai.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ đã bùng nổ vào hôm 6.7 sau nhiều tháng đe dọa áp thuế lên hàng tỉ USD giá trị hàng hóa của nhau. Mặc dù các sản phẩm như đậu nành và ô tô có thể nhận được nhiều sự chú ý, nhưng công nghệ chủ chốt 5G mới thực sự là một trong những động lực chính để Mỹ và Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến thương mại
5G không chỉ đơn giản là thế hệ tiếp theo của mạng di động, mà còn là công nghệ có khả năng hỗ trợ cho cở sở hạ tầng, các thành phố thông minh và xe hơi không người lái. 5G có thể cũng là chìa khóa cho cam kết “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump và là bước đệm giúp Trung Quốc đạt được tham vọng lãnh đạo thế giới về trí thông minh nhân tạo (AI) vào năm 2030.
Yếu tố nào đang bị đe dọa?
Internet di động yêu cầu những “tiêu chuẩn” được thống nhất trên toàn cầu để các công ty sản xuất thiết bị viễn thông, cũng như mạng di động, có thể triển khai công nghệ trên toàn thế giới. Thông số kỹ thuật cho 5G đã được thỏa thuận trong tháng 12.2017. Nhưng bây giờ cuộc đua thực sự đang nổi lên vì những hãng thiết bị viễn thông, di động như ZTE và Huawei, cùng các công ty châu Âu như Nokia và Ericsson đang hành động để đi đầu trong 5G. Các nhà sản xuất chip của Mỹ, bao gồm Qualcomm, Intel và các nhà mạng cũng tham gia vào cuộc đua này. Và đó là một phần của cuộc chiến thương mại, theo ông Declan Ganley, giám đốc điều hành công ty truyền thông Rivada Networks.
“Đây sẽ là cuộc chiến về việc ai sẽ là người xác định, kiểm soát mô hình, kiến trúc và chương trình hoạt động của 5G. Nó quan trọng bởi vì 5G là công nghệ tiên tiến nhất trong thời điểm này của không gian mạng. Vì vậy, sẽ có một cuộc chơi chiến lược lớn ở đây”, ông Ganley nói với CNBC trong một buổi phỏng vấn vào đầu tuần qua.
Hiện hàng nghìn tỉ USD giá trị kinh tế đang phải đối mặt với không ít rủi ro. Vào năm 2035, 5G dự kiến sẽ kích hoạt 12.300 tỉ USD đầu ra kinh tế toàn cầu, theo HIS Markit.
Mỹ cần “lật ngược ván bài”
Theo ông Ganley, mô hình hiện tại về cách băng tần được phân bổ cho các mạng di động đang có vấn đề. Hiện tại, các công ty viễn thông ở Mỹ sẽ đấu thầu quang phổ thông qua quy trình đấu giá do Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) tổ chức. Trong khi đó, ở những nước khác, cơ quan điều tiết thích hợp sẽ kiểm soát cách đấu giá. Điều này thường dẫn đến sự thống trị từ những người chơi lớn hơn, những người có nhiều tiền hơn để chi tiêu, và nó cũng đã giết chết sự đổi mới, đặc biệt là giữa các công ty châu Âu vốn đã dẫn dắt những thế hệ di động trước đó.
Ông Ganley nói rằng mô hình này phù hợp với Trung Quốc vì bản chất cấu trúc từ trên xuống dưới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong đấu giá, các công ty của Mỹ phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành khách hàng. Điều đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ và buộc họ phải tập trung đầu tư vào sự đổi mới. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có hai hoặc ba mạng lưới nhà nước lớn thống trị thị trường.
Ngay cả khi nhiều hãng viễn thông châu Âu và Mỹ đã chết, họ vẫn có thể tiếp tục hoạt động, đầu tư lâu hơn trong vài năm vì nhận được sự ủng hộ của chính phủ Bắc Kinh. Và thực tế này sẽ tạo điều kiện cho phép họ vượt qua các công ty viễn thông của Mỹ vốn phải vật lộn để cạnh tranh với nhau khi tung ra công nghệ 5G.
Đó cũng là lý do tại sao ông Ganley ủng hộ một mô hình bán buôn để phân bổ quang phổ tương tự như cách thị trường điện hoạt động. Về mặt lý thuyết, mô hình này sẽ cho phép thêm nhiều người đặt giá thầu cho quang phổ, và khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu, nó sẽ đưa đến cách định giá năng động hơn.
“Những gì cần làm là hoàn toàn lật ngược ván bài. Điều này sẽ cho phép Mỹ vượt lên trước Trung Quốc trong 5G”, ông Ganley nói.
Điều thú vị là chính quyền ông Trump cũng đã ám chỉ đến một chính sách như vậy. Kelsey Guyselman, cố vấn chính sách tại Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng, cho biết trong một sự kiện gần đây rằng chính phủ thừa nhận “chia sẻ” quang phổ là một cách để đưa thế hệ mạng di động tiếp theo ra thị trường, gợi ý sẽ hướng tới một mô hình bán buôn.
Trung Quốc đang làm gì?
Ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng nhận ra mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra trong lĩnh vực công nghệ. Trong một sự kiện gần đây, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng các công ty công nghệ Trung Quốc có khả năng sẽ vượt Mỹ.
Quốc gia châu Á đang tìm cách để lại dấu ấn của họ về 5G ở các nước khác, trong khi vướng phải không ít hạn chế từ phía Mỹ trong thời gian gần đây. Cụ thể, Huawei đã vận động hành lang các chính trị gia Úc. Tờ Financial Times tháng trước cho biết gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất các chuyến đi nước ngoài cho chính trị gia Úc. Hôm 5.7, công ty viễn thông Bồ Đào Nha Altice đã hợp tác với Huawei để tung ra mạng 5G.
Joe Madden, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Mobile Experts LLC, lưu ý rằng Trung Quốc đang bắt đầu tăng sản xuất các thành phần chính với nhà cung cấp của họ để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng cường triển khai 5G ở những nơi khác.
“Đặc biệt, chúng tôi đã nghe từ ít nhất 10 nhà cung cấp khác nhau rằng Trung Quốc dự kiến sẽ ra mắt 5G vào đầu năm 2019, chứ không phải vào tháng 7.2019 như đã được lên lịch trước đó”, ông Madden cho hay.
Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), hồ sơ xin cấp bằng sáng chế từ các công ty Trung Quốc tăng 13,4% so với mức tăng 0,1% của các công ty Mỹ trong cùng khoảng thời gian. Nổi bật trong số hồ sơ nói trên là Huawei và ZTE, điều đó cho thấy cách mà các đại gia công nghệ nước này đang xây dựng kho tài sản trí tuệ.
Ai sẽ thắng?
Với tình hình này, không có gì ngạc nhiên khi một số hãng viễn thông và di động lớn của Trung Quốc gặp khó khăn do rào cản của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Đầu năm nay, giới quan chức tình báo Mỹ cảnh báo người dùng Mỹ không nên mua điện thoại thông minh do Huawei sản xuất vì nghi ngờ có thể bị gián điệp bởi chính phủ Bắc Kinh. ZTE cũng đã bị cấm mua thiết bị từ các công ty Mỹ trong bảy năm. Hiện lệnh cấm này đã được tạm thời dỡ bỏ. Đầu tuần trước, chính quyền ông Trump đã nỗ lực ngăn China Mobile cung cấp dịch vụ cho thị trường Mỹ. Viễn thông và 5G được coi là ưu tiên an ninh quốc gia lớn đối với Nhà Trắng.
Vậy ai sẽ thắng? Đây là câu hỏi nhiều tỉ USD trong trường hợp này. Trung Quốc đã đẩy mạnh tham vọng 5G, trong khi đó việc thúc đẩy thương mại công bằng của ông Trump cũng có thể được xem như một nỗ lực nhằm tìm ra cách tiến lên trong cuộc đua viễn thông.
5G rõ ràng quan trọng hơn tất cả những gì đã đến trước nó. Nhưng để nêu tên người thắng cuộc duy nhất thật sự là điều khó có thể rõ ràng trong lúc này, đặc biệt khi cả châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đều đã cùng tồn tại trong công nghệ 4G.
“Đây là cuộc đua chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ. Tôi thật sự không biết như thế nào là chiến thắng, và tôi thật sự không biết nó sẽ trông như thế nào đối với Mỹ hay Trung Quốc”, Shaun Collins, giám đốc điều hành công ty phân tích truyền thông và công nghệ viễn thông CCS Insight, nói với CNBC.
Theo thanhnien.vn