Ba chàng trai ươm mầm trí tuệ nhân tạo Việt
Bỏ việc ổn định ở công ty công nghệ, Nguyễn Minh Đức (27 tuổi), Phạm Quốc Huy (27 tuổi) và Dương Phước Thiện (25 tuổi) khởi nghiệp với công nghệ robot tự động trò chuyện trên các nền tảng tin nhắn (chatbot), trở thành “hạt giống” đầu tiên về trí tuệ nhân tạo của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.
“Ươm mầm” trí tuệ nhân tạo
Đức, Huy và Thiện là bạn thân hồi học đại học. Cùng chung đam mê công nghệ, cùng sáng tạo nhiều sản phẩm công nghệ khi ngồi trên giảng đường. Đầu năm 2016, một lần dự hội nghị của các nhà phát triển Microsoft, ba chàng trai được giới thiệu về công nghệ chatbot. “CEO của Microsoft là Satya Nadella cho biết, chatbot là kiểu ứng dụng mới kết hợp trí thông minh nhân tạo, là cách mạng về hành vi của người dùng điện thoại. “Máu công nghệ” có sẵn, chúng mình đã cùng bắt tay vào nghiên cứu công nghệ chatbot”, Minh Đức kể.
Sau đó, nhóm bắt tay phát triển chatbot trợ lý ảo Sumi chạy trên ứng dụng Skype. Sumi biết tán gẫu, trò chuyện, giải đáp thắc mắc giúp mọi người về mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, Sumi còn tích hợp nhiều ứng dụng: đọc báo, xem tử vi, chỉnh sửa ảnh… “Trong ngày đầu tiên giới thiệu trên các diễn đàn về Marketing, Sumi nhanh chóng tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, hơn 1.000 người tham gia trò chuyện với Sumi. Nhiều người tưởng Sumi là người thật”, Minh Đức nhớ lại.
Tháng 4/2016, tại sự kiện trực tuyến Facebook Conference 8, Mark Zuckerberg giới thiệu tích hợp chatbot mua sắm vào Messenger. Từ đó, nhóm quyết định “mang” Sumi vào ứng dụng Messenger và chỉ 1 tháng đã tiếp cận được hơn 40 nghìn người. Đến nay, hơn 1 triệu người dùng đang tương tác với Sumi thông qua Skype và Messenger. Từ thành công ban đầu chatbot Sumi, cuối 2016, ba bạn trẻ quyết định nghỉ việc để thành lập công ty công nghệ chuyên về chatbot mang tên Hekate.
“Giới trẻ hiện nay rất thích tương tác qua tin nhắn và tương tác một chiều trên mạng xã hội. Vì vậy, đây sẽ là xu hướng phát triển mới cho các startup toàn cầu. Ngoài ra, chatbot có thể hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trong khâu chăm sóc khách hàng với sự tương tác nhanh, liên tục, giảm thiểu chi phí nhân viên… Vì vậy, không dừng lại ở Sumi, nhóm tiếp tục tạo ra những chatbot ứng dụng đa lĩnh vực như: kinh doanh, dịch vụ, tài chính, quản lý khách hàng…”, Phước Thiện cho biết.
Tự tạo chatbot miễn phí trong 5 phút
Trong chương trình ươm tạo khóa 3 của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), Hekate trở thành dự án đầu tiên về trí tuệ nhân tạo của DNES. Chatbot Cá chuồn của Hekate từng được đưa vào sử dụng tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2017 và tới đây là SURF 2018 nhằm giải đáp những thắc mắc của khách dự triển lãm.
Trong tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng cuối năm 2017, thành phố đã lựa chọn chatbot của Hekate phục vụ du lịch. Singapore và Đà Nẵng là hai thành phố đầu tiên tại Đông Nam Á ứng dụng công nghệ chatbot. Singapore ứng dụng thành công chatbot vào tự động hoá hành chính công, Đà Nẵng tiên phong ứng dụng vào lĩnh vực du lịch theo xu hướng du lịch thông minh (4.0).
“Thông qua chatbot Danang Fantasticity, khách du lịch có thể được giải đáp mọi điều về Đà Nẵng: Thắc mắc về thời tiết, giao thông… đến gợi ý các địa điểm du lịch, vui chơi, ăn uống…”, Minh Đức nói. 6 tháng thí điểm, gần 10.000 người đến từ 12 quốc gia sử dụng chatbot này, tổng số lần hỗ trợ là trên 121.347 (trung bình 674 lần hỗ trợ/ngày). Cuối tháng 4/2018, chatbot Danang Fantasticity trở thành kênh tra cứu thông tin du lịch tự động chính thức của Đà Nẵng.
Ngoài phát triển công nghệ chatbot cho các công ty, doanh nghiệp lớn, Hekate mong muốn phổ biến công nghệ chatbot trong đời sống để trí tuệ nhân tạo mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người. Giữa tháng 6/2017, cả nhóm tiếp tục phát triển Messnow – nền tảng tạo chatbot không cần lập trình. Messnow có sẵn các giao diện phù hợp với mục đích của từng người dùng như: mua hàng, đặt bàn, bình chọn… Chỉ qua vài cú click chuột, bất kì ai cũng có thể tạo ra 1 chatbot để tự động trả lời tin nhắn trên Facebook Messenger. “Với nền tảng này, tất cả mọi người, dù không biết về lập trình, đều có thể dễ dàng tạo ra 1 chatbot phù hợp với mục đích sử dụng chỉ mất… 5 phút. Trên Messnow có sẵn các “mẫu” chatbot phù hợp với lĩnh vực kinh doanh khác nhau như khách sạn, nhà hàng, quán cafe, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ…”, Quốc Huy giới thiệu.
Sau khoảng 6 tháng triển khai, từ nền tảng Messnow, đã có hơn 5.000 chatbot được tạo ra, những chatbot này đã giao tiếp với hơn 2 triệu người. Các chatbot này hầu hết được ứng dụng để chăm sóc khách hàng, marketing và bán hàng. “So với nền tảng nước ngoài, một nền tảng thuần Việt dễ dàng tương tác và hỗ trợ khách hàng hơn. Hiện, nhiều chatbot được tạo ra, nhưng lượng người dùng tương tác với chatbot lại rất thấp. Chatbot từ Messnow thì ngược lại, bởi chúng được phát triển đa ngôn ngữ (hiện có 30 ngôn ngữ) và có khả năng tự học các câu trả lời thông qua cách hỏi của khách hàng: càng tương tác nhiều, câu trả lời của chatbot sẽ càng “đời” hơn, thật hơn. Với Messnow, chúng mình tự tin giúp doanh nghiệp “trả lời mọi câu hỏi” của khách hàng”, Minh Đức nói.
Theo tienphong.vn