Băng tần quý hiếm 700MHz được dùng để phát triển di động băng rộng

- in Tổng Hợp

Băng tần quý hiếm 700MHz được dùng để phát triển di động băng rộng

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, việc xây dựng và ban hành Quy hoạch băng tần 700MHz nhằm mở đường cho Việt Nam sử dụng băng tần quý hiếm này cho phát triển di động băng rộng.

Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Tần số Vô tuyến điện quốc gia vào ngày 23/1/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Tần số Vô tuyến điện nhấn mạnh một trong những trọng tâm công tác năm 2018 của Ủy ban Tần số Vô tuyến điện sẽ là xây dựng và ban hành Quy hoạch băng tần 700 MHz nhằm mở đường cho Việt Nam sử dụng băng tần quý hiếm này cho phát triển di động băng rộng.

Đồng thời, sẽ chuẩn bị cho việc đấu giá băng tần 2,6 GHz sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về băng tần phát triển di động 4G, đồng thời tạo tiền đề và các bài học kinh nghiệm để triển khai đấu giá các băng tần giá trị cao trong giai đoạn tiếp theo.

Năm 2018, báo cáo của Cục Tần số Vô tuyến điện cũng cho thấy, nhu cầu độ rộng băng thông phục vụ truy cập vô tuyến băng rộng của Việt Nam sẽ tăng mạnh, do lượng người sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh và kết nối IoT cho thành phố thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh,… sẽ tăng lên nhanh chóng. Xu hướng phát triển đó kết hợp với chủ trương của Chính phủ về giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm trong nhập thiết bị vô tuyến điện sẽ dẫn đến yêu cầu tăng cao về nghiên cứu xây dựng các quy hoạch tần số đáp ứng công nghệ mới, quá trình ấn định cấp phép sử dụng tần số cho các hệ thống thông tin mới cũng như kiểm soát và xử lý can nhiễu, an toàn bức xạ vô tuyến điện.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong quản lý tần số vô tuyến điện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cần tích cực thảo luận, sớm thống nhất các vấn đề để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiện trạng sử dụng phổ tần của các thiết bị phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; làm rõ các bất cập cũng như giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài. Các cơ quan, đơn vị này cũng cần tăng cường phối hợp quản lý chất lượng thiết bị, an toàn bức xạ vô tuyến điện và xử lý can nhiễu.

Ngoài ra, Bộ Công an cần thúc đẩy giải phóng băng tần 800 MHz đang sử dụng cho hệ thống vô tuyến trung kế để Bộ TT&TT quy hoạch băng tần này theo Quyết định 29 của Thủ tướng chính phủ. Bộ TT&TT, Bộ NN&PTNT và Bộ đội biên phòng cần tăng cường sự phối hợp trong quản lý các phương tiện nghề cá.

Trong thời gian tới, Ủy ban Tần số Vô tuyến điện cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất cơ chế quản lý việc sử dụng phao cứu sinh và thiết bị nhận dạng AIS nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động cứu hộ, cứu nạn hàng hải, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn với người và phương tiện hoạt động trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, tại Việt Nam, trong năm 2017, vô tuyến băng rộng di động tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm lớn của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông, các nhà cung cấp thiết bị. Đến nay, Việt Nam có gần 120 triệu thuê bao di động, mạng 4G đã phủ sóng 63/63 tỉnh, thành phố.

Số lượng mạng, đài, thiết bị vô tuyến không ngừng tăng lên, nổi lên là sự gia tăng của các thiết bị công suất thấp, các thiết bị có ứng dụng sóng vô tuyến điện. Trong đó, riêng bộ đàm là 31.108 thiết bị và 5 triệu thiết bị đọc chỉ số công tơ điện. Đây là những thách thức lớn trong quy hoạch, quản lý và xử lý can nhiễu.

Năm 2017, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai giai đoạn II của Đề án số hóa truyền hình mặt đất với số lượng tỉnh, thành phố triển khai Đề án nhiều hơn các năm trước, ngoài ra có thêm 7 tỉnh thuộc giai đoạn III đã đăng ký triển khai số hóa truyền hình trước thời hạn 1 năm so với lộ trình.

Đề án số hóa truyền hình đã đi được một nửa chặng đường nhưng về cơ bản đã hoàn thành giải phóng băng tần 700Mhz, đủ điều kiện để giải phóng toàn bộ băng tần để dành cho băng rộng. Hiện một số doanh nghiệp đề nghị cho thử nghiệm băng tần 700Mhz trước, rồi sau đó sẽ chính thức cấp phép sử dụng sau, quan điểm của Cục Tần số Vô tuyến điện là ủng hộ cho thử nghiệm dịch vụ 4G/LTE ở băng tần 700Mhz.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát, xử lý can nhiễu, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ chuỗi sự kiện APEC-2017, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Nguồn ictnews.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với