Báo chí thời đại công nghệ: Trí thông minh nhân tạo lên ngôi
Trong những năm gần đây, những tác động từ cuộc cách mạng công nghệ đã dần định hình lại mọi lĩnh vực trong cuộc sống, cũng như vẽ ra viễn cảnh tương lai mới. Trong đó, ngành truyền thông đã chịu những tác động lớn và phải tự chuyển biến để thích nghi với những thay đổi của hoàn cảnh.
Tòa soạn với toàn kỹ sư công nghệ
Tháng 2 năm ngoái, sự kiện người được cho là ông Kim Jong – Nam bị sát hại tại sân bay Malaysia diễn ra khiến giới truyền thông trên toàn cầu phải để ý tới cái tên JX Press Corp. Nguyên nhân xuất phát từ việc, thông tin về sự kiện này được công bố tại Nhật Bản bởi JX Press nhanh hơn 30 phút so với các tờ báo có tên tuổi, các hãng truyền thông lớn khác. Trong khi đó, JX Press Corp không hề sở hữu phóng viên, biên tập viên, cũng như văn phòng đại diện nào tại nước ngoài.
Làm thế nào để JX Press, công ty được thành lập năm 2008 bởi Katsuhiro Yoneshige, khi vị doanh nhân trẻ này đang là sinh viên đại học, có thể làm được điều này? Hóa ra, bí kíp chính là cách làm việc thông thường tại JX Press. Cụ thể, tòa soạn này dựa vào sự kết hợp của trí thông minh nhân tạo (AI) và mạng xã hội để tìm kiếm và đưa tin.
Yoneshige, hiện tại 29 tuổi, cùng đội ngũ của mình phát triển các công cụ, sử dụng máy học (machine learning) để tìm kiếm tin tức từ hàng triệu nội dung được đăng trên các trang mạng xã hội và viết lại thành bản tin. Thực tế, đây là một tòa soạn với toàn kỹ sư công nghệ. Cụ thể, JX Press sở hữu 24 nhân viên, độ tuổi trung bình là 29 tuổi, 2/3 trong số này có bằng kỹ sư. Doanh nghiệp này có 2 sản phẩm chính: dịch vụ cung cấp các thông tin nóng hổi Fast Alert tới khách hàng và một ứng dụng tin tức miễn phí trên điện thoại mang tên NewsDigest.
Có thể nói, JX Press là ví dụ điển hình về việc các doanh nhân thế hệ millennial (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) đang khai thác mạng xã hội để tạo nên sự nghiệp kinh doanh của riêng mình tại những lĩnh vực ít người nghĩ có thể thành công.
Trả lời phỏng vấn, Yoneshige thẳng thắn bày tỏ, ngay từ khi còn học trung học, anh đã nhận ra tình trạng của giới truyền thông Nhật Bản. Đó là ngành công nghiệp này có đội ngũ nhân sự quá nặng nề, trong khi không kiếm đủ tiền để tất cả có thể sống tốt.
Thay vì sử dụng con người, JX Press dùng AI để rà soát mọi nội dung trên mạng xã hội, từ chữ viết, ảnh, video cho tới các hashtag để tìm kiếm tin tức. Sau khi phát hiện thông tin, thuật toán tự động sẽ viết bài.
Koichiro Nishi, Tổng biên tập TV Asahi nhận định: “Dịch vụ Fast Alert là không thể thiếu kể từ khi chúng tôi bắt đầu sử dụng nó vào tháng 11/2016. Chẳng hạn, nó cho phép tòa soạn xác định thông tin về tai nạn, cháy nổ mà không cần đợi tin tức từ phía cảnh sát hay cứu hỏa. Thực tế, với công nghệ này, các tòa soạn sẽ có hàng trăm triệu phóng viên tại mọi nơi trên thế giới”.
Không chỉ nhanh, công nghệ còn giúp JX Press hoàn toàn tự tin về độ chính xác. Yoneshige cho biết, Fast Alert có thể lọc 99% các tin giả trước khi viết bài. Chẳng hạn, khi một vụ động đất xảy ra tại Kumamoto vào tháng 4/2016, ngay sau đó trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một con sư tử tại vườn thú địa phương xổng chuồng. Tuy nhiên, Fast Alert đã ngay lập tức tìm được nguồn gốc của bức ảnh là tại châu Phi.
Với các sản phẩm rất ấn tượng, JX Press đang nhận được sự đầu tư từ hàng loạt tên tuổi đình đám, bao gồm các trang tin tức khổng lồ như Nikkei Inc, hay các công ty đầu tư như Mitsubishi UFJ Capital Co, CyberAgent Ventures Inc… Khách hàng của Công ty cũng là những tên tuổi lớn như NHK, TV Asahi, Fuji Televison… Ứng dụng NewsDiget của hãng đứng thứ 8 trong danh sách các ứng dụng được tải trên Apple Store tại Nhật Bản tính tới 25/5/2018. Doanh số bán 2 dịch vụ chính này tăng 613% trong tháng 1/2018 so với năm trước đó.
Câu chuyện của JX Press khiến giới truyền thông một lần nữa phải tự nhắc nhở mình, vì sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang tác động tới công việc của ngành báo. Tuy nhiên, thực tế, không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ, các “ông lớn” trong ngành này đều nhận thức được sự thay đổi mạnh mẽ đến từ công nghệ và đã sớm nhập cuộc.
Đơn giản quy trình làm báo
Năm 2015, The New York Times đưa vào sử dụng dự án AI mang tên Editor với mục tiêu là đơn giản hóa các quy trình làm báo. Cụ thể, khi viết bài, các phóng viên có thể đánh dấu các từ khóa, tít hoặc điểm chính của các đoạn nội dung. Sau một thời gian, công nghệ máy học giúp máy tính có thể nhận ra và phân loại nội dung của đa phần các tin tức, bài viết. Từ đó, tạo nên kho dữ liệu được phân loại gọn gàng theo sự kiện, con người, địa điểm hay thời gian, đơn giản hơn quá trình tìm kiếm thông tin quá khứ và đảm bảo sự chính xác.
Không chỉ đơn giản hóa quá trình viết bài, AI còn hỗ trợ hoạt động kết nối với người đọc khi được giao nhiệm vụ hỗ trợ việc đọc và trả lời bình luận, phản hồi từ độc giả. Được biết tới với diễn đàn đông đảo và nhiệt huyết, Times cần tới 14 nhân sự có nhiệm vụ xem và trả lời khoảng 11.000 bình luận của độc giả mỗi ngày. Tuy nhiên, sức người có hạn, họ chỉ có thể trả lời khoảng 10% tất cả các phản hồi. Với sự trợ giúp của AI thì khác, giải pháp này có thể lọc nội dung bình luận, phân loại và thậm chí tự đưa ra thông tin hồi đáp bằng cách đính kèm link các bài báo.
Robot viết báo
The Washington Post đang thử nghiệm công nghệ viết tin tự động (còn được biết đến với các khái niệm như nhà báo robot hay làm báo tự động) với phần mềm Heliograf. Phần mềm này đã chính thức được sử dụng kể từ mùa hè năm 2016 bằng việc đảm nhận các tin tức về Rio Olympic Games. Theo đó, Heliograf tạo nên tin tức bằng việc phân tích dữ liệu các trận đấu và kết hợp chúng với nhau. Các thông tin phù hợp sẽ được lựa chọn cấu trúc câu thích hợp tại các mẫu tin tức có sẵn, công nghệ tự động sẽ điền dữ liệu mới hoặc máy tính sẽ tường thuật lại theo diễn biến trận đấu và đăng tải tại nhiều nền tảng khác nhau.
Đáng chú ý, phần mềm này có khả năng gửi thông báo tới các nhà báo về bất kỳ hoạt động, diễn biến khác thường nào được tìm thấy nhờ vào phân tích dữ liệu. Điều này có nghĩa, việc theo dõi vốn tốn nhiều thời gian và công sức đã được máy móc phụ trách trong suốt Olympics. Các phóng viên chỉ cần thêm thắt những nội dung sáng tạo.
Đối với việc sử dụng AI để viết tin, The Washington Post không phải cái tên duy nhất. Chẳng hạn, Yahoo! Sports sử dụng Automated Insights để tập hợp các nội dung (bài báo, báo cáo, emails) với số liệu về các đội thể thao được chỉ định. Nhờ sử dụng Automated Insights, Yahoo! Sports có thể một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, công ty này thu hút người đọc nhờ nội dung dày dặn (dựa vào các số liệu thể thao), cập nhật nhanh, liên tục. Thứ hai, các nhãn hàng quảng cáo ưa chuộng các trang tin nơi người đọc dừng lại lâu hơn, chú ý hơn với các thông tin quảng cáo trúng đích.
Theo baodauthau.vn