Các nhà nghiên cứu tìm đến AI trong cuộc chiến chống lại ICO lừa đảo
Nhóm dự án hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của AI, những vụ ICO lừa đảo sẽ trở thành thiểu số, thậm chí có thể lùi hẳn vào dĩ vãng.
Mới đây, một startup công nghệ đến từ Trung Quốc mang tên Shannon.AI đã tung ra một báo cáo về việc thiết kế AI chuyên dụng để tìm kiếm và cảnh báo những phi vụ lừa đảo thông qua hình thức ICO (gọi vốn thông qua tiền mã hóa).
Với sự bùng nổ của cơn sốt tiền mã hóa vào năm ngoái, hình thức ICO cũng trở nên phổ biến hơn, và các dự án ICO mọc lên hàng loạt như nấm sau mưa. Tuy nhiên, giữa một rừng các dự án ICO như vậy, “nhân sâm thì ít mà rễ tre thì nhiều”, 59% dự án ICO đã chính thức thất bại hoặc dừng hoạt động, kéo theo 104 triệu USD tan vào mây khói, hoặc là đã về túi ai đó.
“Mặc dù ICO có thể tạo ra các cơ hội đầu tư công bằng và hợp pháp, tuy nhiên chính sự dễ dàng ‘kiếm tiền’ từ hình thức crowdfunding đã khiến những kẻ vô đạo đức lợi dụng ICO để lừa đảo theo kiểu ‘ôm tiền chạy mất’, hoặc để những đồng tiền bị đẩy xuống giá trị cực thấp khiến chúng trở thành rác.”
Vậy thì giữa một rừng các dự án ICO như vậy, làm sao để có thể phân biệt được những dự án kinh doanh chân chính với những kẻ lừa đảo?
Thông thường, những kẻ lừa đảo sẽ dựa vào thực tế về những nhà đầu tư, rằng họ không dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng về những đồng tiền được đưa ra ICO, khiến cho những kẻ lừa đảo này có thể dễ dàng làm giả các bản cáo bạch, cũng như bỏ chút công sức đầu tư vào trang web của dự án là có thể lừa được kha khá nhà đầu tư.
Chính bởi vậy, dự án của Shannon.AI hy vọng có thể sử dụng Machine learning và AI để phân loại các dự án ICO, từ đó giúp các nhà đầu tư không bị mất tiền vào tay của những kẻ lừa đảo:
“Bằng việc phân tích 2251 dự án ICO, chúng tôi sẽ đánh giá tương quan giữa vòng đời và sự thay đổi giá trị của các đồng tiền mã hóa với các thông tin liên quan đến ICO như bản cáo bạch, các thành viên dự án, kho trên GitHub, trang web, v…v… Trong điều kiện hoàn hảo, hệ thống sẽ có thể xác định các ICO lừa đảo với độ chính xác 0,83, và điểm F1 là 0,80.
Trên thực tế, cơ sở của dự án này dựa trên việc ‘tự động hóa’ quy trình đánh giá ICO của các nhà đầu tư sành sỏi: đó là tìm những thông tin được công bố và phân tích chúng để tạo ra một bức tranh toàn thể về đồng tiền mã hóa trong dự án ICO. Theo như nhóm dự án, việc sử dụng AI và Machine learning sẽ có một vài điểm lợi như sau:
“So với các hệ thống đánh giá mà các nhà đầu tư lập ra, ICORATING có hai lợi thế nổi bật. Thứ nhất, việc đánh giá thông qua Machine Learning sẽ dựa hoàn toàn vào số liệu chứ không bị yếu tố cảm tính xen vào. Bên cạnh đó, những đánh giá của hệ thống sẽ không chịu ảnh hưởng hay thao túng từ bên ngoài.”
Thông thường, khi các nhà nghiên cứu chỉ ra những vấn đề của các dự án ICO lừa đảo, ngay lập tức họ sẽ bị “tấn công” bởi chính những nhà đầu tư, rằng họ được trả tiền để tìm cách phá hoại dự án ICO, tìm cách kéo sập dự án – kể cả khi những nhà nghiên cứu này đến từ các trang tin có tiếng hay có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nếu những kết quả tương tự được đưa ra bởi AI, dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu thực tế, mức độ tin cậy sẽ cao hơn rất nhiều. Những gì mà thuật toán của AI ICORATING đến từ Shannon.AI làm được cũng giống như những gì mà các nhà nghiên cứu tiền mã hóa có thể phân tích ra, tuy nhiên AI sẽ cho ra kết quả nhanh hơn rất nhiều với độ chính xác cao hơn.
Chính vì lý do này, nhóm dự án hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của AI, những vụ ICO lừa đảo sẽ trở thành thiểu số, thậm chí có thể lùi hẳn vào dĩ vãng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trước khi hệ thống mới này chính thức đi vào hoạt động, chúng ta hãy cố gắng một nhà đầu tư thông minh: Luôn đầu tư một cách khôn ngoan và cẩn thận, cũng như không để những lời hứa hẹn lợi nhuận x5, x10 làm lóa mắt mà mù quáng lao đầu vào.
Nguồn genk.vn