Trong bài viết trên Ipwatchdog, James Pooley – chuyên gia luật và các vụ kiện liên quan tới bí mật thương mại tại Silicon Valley – làm rõ thông tin cuộc cách mạng công nghiệp Mỹ bắt nguồn từ một vụ trộm bí mật thương mại. Báo Khoa học và Phát triển lược đăng bài viết.
Từ cậu học trò rời xứ…
Tháng 9/1789, Samuel Slater – một công dân Anh 21 tuổi – đã giấu bố mẹ, bắt tàu thủy từ London để lên đường sang New York với ước mơ đổi đời. Nhìn bề ngoài, Slater giống như một người lao động nghèo khổ với đôi bàn tay chai sần. Tuy nhiên, ẩn sâu trong túi áo khoác của anh là giấy tờ chứng minh Slater vừa hoàn thành khóa thực tập nghề cơ khí ở nhà máy bông sợi.
Thực tế, Slater đã có tới 7 năm học nghề trước khi gặp Jadediah Strutt – một người bạn của cha, đang điều hành Nhà máy sợi bông Cromford ở Derbyshire, Anh – “thung lũng Silicon” của ngành sợi thời bấy giờ. Nhà máy sợi bông này sử dụng công nghệ mà Richard Arkwright sáng chế năm 1770, sử dụng sức nước để quay liên tục con quay, cho phép kéo hàng chục sợi chỉ cùng lúc. Cậu học trò Slater lúc đó đã thể hiện khả năng bảo dưỡng và sửa chữa máy móc dạng này một cách xuất sắc nên được ông chủ vô cùng yêu mến.
Đầu năm 1789, Slater nghe được thông tin các nhà máy dệt ở Mỹ đang gặp khủng hoảng. Nước Mỹ khi đó là nhà cung cấp bông sợi dẫn đầu thế giới, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở nguyên liệu thô. Nước Anh mới là trung tâm sản xuất, mang lại lợi nhuận cao trong ngành dệt và cũng là nơi giúp ông Arkwright kiếm được vô số tiền từ phát minh của mình. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nhà độc quyền khác, nhà máy của Arkwright luôn rơi vào tầm ngắm của những đối thủ cạnh tranh.
Là một người không đơn giản, có tham vọng và có một trí nhớ vô cùng tốt, Slater đã quyết định thử vận may của mình tại Mỹ.
… tới người khai phá công nghiệp dệt ở Mỹ
Sang Mỹ, Slater tìm tới xin việc tại một nhà máy dệt với chứng chỉ học việc của mình và vô cùng thất vọng khi vào làm vì máy móc ở đây vẫn sử dụng công nghệ cũ, đòi hỏi công nhân phải dùng tay. Vài tuần sau, nghe tin một nhà máy ở Providence đã cố gắng bắt chước chế tạo lại máy xe sợi bằng sức nước của Arkwright nhưng thất bại, Slater quyết định thử vận may bằng cách viết thư gửi nhà máy xin được tiếp tục công việc này, đồng thời nhấn mạnh rằng mình từng vận hành một cỗ máy tương tự tại nhà máy của chính Arkwright.
Slater được nhận việc với vai trò là đối tác của chủ sở hữu nhà máy – Moses Brown. Với những kiến thức có được từ hồi còn làm ở Anh, ông mày mò tạo ra những công cụ cần thiết và tự mình làm ra những chi tiết có sự điều chỉnh so với phiên bản máy của Arkwright. Sau 1 năm, chiếc máy dệt tự động đầu tiên của Mỹ ra đời, đem lại cho nhà máy những thành công vang dội.
Công nghệ của Slater sau đó được lan truyền nhanh chóng. Tới năm 1815, trong vòng bán kính hơn 48km đã có tới 140 nhà máy dệt mọc lên. Đây được coi là sự khởi đầu cho ngành công nghiệp dệt của Mỹ và cũng là sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp Mỹ, giúp thay đổi mối quan hệ chủ – khách giữa một nước Mỹ nông nghiệp và một nước Anh công nghiệp. Ở Mỹ, Samuel Slater được vinh danh bằng nhiều mỹ từ như “cha đẻ của nền sản xuất Mỹ”. Tuy nhiên ở quê nhà, ông bị coi là kẻ phản bội.
Vậy có thể coi cuộc cách mạng công nghiệp Mỹ có khởi nguồn từ vụ trộm cắp bí mật thương mại của Slater? Chuyên gia luật James Pooley khẳng định là không phải! Ông giải thích trong bài viết trên Ipwatchdog: “Gián điệp công nghiệp đã thịnh hành ở châu Âu từ suốt thế kỷ 18, trong đó Anh và Pháp là hai nước điển hình. Nước Anh – giống như nhiều quốc gia châu Âu khác – thậm chí còn cho phép nộp đơn bảo hộ sáng chế ngay cả khi người nộp đơn không phải là nhà sáng chế”.
“Quay trở lại trường hợp của Samuel Slater, chúng ta khó có thể kết luận chính xác liệu hành động của ông có thể coi là ứng xử không phù hợp với quy định về bí mật thương mại theo luật hiện đại hay không, bởi chúng ta không biết thành quả mà ông tạo ra có bao nhiêu phần được đúc kết từ kỹ năng, kiến thức vật lý thông thường về xe sợi, từ kỹ thuật cơ học vốn có ở thời điểm đó. Chúng ta cũng không biết thành công của nhà máy do Slater đồng sở hữu có bao nhiêu phần nhờ những cải tiến mà ông nghĩ ra” – Pooley nhận định.
Nguồn khoahocphattrien.vn