Cần chính sách cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Cần chính sách cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã, đang đẩy mạnh đầu tư để đưa ra các ứng dụng AI phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Thực tế trên đòi hỏi cơ quan quản lý cần sớm xây dựng chính sách cho sự phát triển của công nghệ này.

Trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập (tháng 9-2018), lãnh đạo Tập đoàn FPT đã công bố định hướng chiến lược hoạt động trong giai đoạn tới là tập trung phát triển AI. Cùng với đó, FPT công bố nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI phiên bản mới giúp chatbot (giao tiếp tự động) hiểu và tương tác với khách hàng tự nhiên, thân thiết hơn. Ngoài ra, FPT cũng bổ sung cho nền tảng FPT.AI công nghệ nhận dạng giọng nói cho phép các nhà phát triển chuyển đổi âm thanh thành văn bản. FPT đang cung cấp nhiều ứng dụng vận dụng AI, như xử lý ảnh thông qua camera đo tốc độ xe, ứng dụng AI trong ngành năng lượng, robot thông minh, y tế thông minh…

Còn Tập đoàn VNPT cũng đã chủ động đầu tư nhân lực, nguồn lực để làm chủ rất nhiều công nghệ AI. Trong đó, VNPT đã đưa ra mô hình AI hoàn thiện bóc tách toàn bộ thông tin trên giấy chứng minh nhân dân cả cũ và mới, đồng thời có thể so sánh ảnh chân dung và ảnh trên giấy chứng minh nhân dân có độ chính xác rất cao. Công nghệ nhận dạng ảnh này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà mạng quản lý thông tin thuê bao và được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng, coi đó là một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn sim rác, tin nhắn rác. Ngoài ra, VNPT đã đưa ra ứng dụng giúp xây dựng du lịch thông minh, giao thông thông minh; chính phủ điện tử. Trong đó, dùng AI để nhận dạng hướng dẫn viên du lịch giả (đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng áp dụng…).

Dù chưa công bố nhiều ứng dụng từ AI, song mới đây, Tập đoàn Viettel đã giới thiệu đến giới truyền thông ứng dụng AI chuyển đổi âm thanh thành văn bản với độ chính xác rất cao. Tập đoàn CMC đã đầu tư nghiên cứu các ứng dụng AI, trong đó có Voice Analytics – tổng đài thông minh phân tích giọng nói có thể thay thế nhân sự trực tổng đài hoặc đưa ra những gợi ý sản phẩm ngay lập tức cho khách hàng khi bước chân vào cửa hàng…

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn AI làm trọng tâm cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó để xây dựng chiến lược phát triển AI. Việt Nam có những lợi thế lớn trong phát triển AI, đó là nguồn nhân lực với quy mô dân số gần 100 triệu người; có năng khiếu về tư duy toán học. Đáng chú ý, hiện nay lực lượng chuyên gia AI người Việt ở nước ngoài có nhiều người xuất sắc đang làm việc ở các trường đại học, các công ty lớn của Mỹ, Canada, khu vực châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Australia. Vì vậy, chúng ta cần có khát vọng và quyết tâm xây dựng năng lực AI của Việt Nam đứng vào tốp 10 thế giới để có thể thay đổi vị thế, đưa Việt Nam vào nhóm các nước phát triển trong nền kinh tế số toàn cầu.

Song, để phát triển AI cũng như các công nghệ khác của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần hạ tầng dữ liệu và sẻ chia dữ liệu. Vì vậy, bên cạnh giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực AI, thu hút các tài năng AI người Việt trên toàn cầu thì cần nhanh chóng xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia, bắt đầu bằng một số biện pháp như: Tạo lập hệ thống văn bản hướng dẫn các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp xây dựng hạ tầng dữ liệu và khai thác hạ tầng này; phát triển luật về xây dựng và chia sẻ dữ liệu và luật về dữ liệu mở để phát triển và biến nguồn tài nguyên dữ liệu thành sức mạnh thực sự. Tiếp đó là phát triển hạ tầng kết nối, đẩy mạnh sử dụng điện toán đám mây và sớm đầu tư đưa vào sử dụng mạng di động 5G.

Song song với các giải pháp trên, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xây dựng phát triển ngành công nghiệp phần mềm, đưa Việt Nam trở thành “thung lũng phần mềm” của thế giới. Đặc biệt là xây dựng trung tâm nghiên cứu AI và các phòng thí nghiệm AI quốc gia; ưu tiên phát triển ứng dụng AI cho các lĩnh vực trọng yếu.

Hiện cả nước có hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó có những doanh nghiệp công nghệ lớn, có vai trò dẫn dắt như Viettel, VNPT, FPT, CMC… và mới đây là Tập đoàn Vingroup. Các doanh nghiệp này đã, đang triển khai và từng bước làm chủ các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó AI với nhiều ứng dụng và giải pháp phục vụ cho sự phát triển. Vì vậy, đây chính là thời điểm phù hợp để các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chính sách phục vụ cho phát triển và ứng dụng AI.

Theo hanoimoi.com.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với