Với xu thế công nghệ Internet of Things (IoT) đang bùng nổ thì các thiết bị trong nhà ngày càng trở nên thông minh (smart devices) do được trang bị khả năng tính toán (computing power), khả năng cảm biến môi trường (sensor), và khả năng kết nối mạng (networking, internet connected). Các thiết bị khi được áp dụng công nghệ IoT thường được gọi là thiết bị thông minh (smart devices).
Thị trường thiết bị thông minh trong gia đình (Smart Home) là thị trường đầy hứa hẹn; theo ước tính của Business Insider, đến năm 2020 sẽ có 13 tỷ thiết được gọi là thiết bị Smart Home. Các thiết bị này rất đa dạng: camera an ninh, thiết bị báo cháy, khóa cửa, nhiệt kế, tủ lạnh, đèn chiếu sáng… Trong một hộ gia đình (ước tính ở thị trường Bắc Mỹ) có khoảng 100 đồ vật có thể áp dụng được công nghệ IoT để trở thành thiết bị thông minh.
Figure 1- Thiết bị thông minh có khả năng tính toán, sensor, và kết nối. |
Tuy tiềm năng như vậy, nhưng đây là thị trường chưa định hình sân chơi từ công nghệ, đến sản phẩm, và thói quen của người tiêu dùng. Ví dụ, hiện nay chưa có một chuẩn chung cho việc kết nối các thiết bị thông minh trong gia đình (smart home networking); Wi-fi, Bluetooth, Z-Wave và Zigbee là các chuẩn kết nối thông dụng mà thiết bị thông minh hiện tại đang sử dụng; mỗi công nghệ có ưu và nhược điểm riêng.
Figure 2 – Có khoảng 100 đồ dùng có thể IoT hóa trong một hộ gia đình |
Tất cả các hãng công nghệ lớn như Goolge, Amazon, Apple, và Samsung đều đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường Smart Home này. Đối với những hãng công nghệ lớn thì việc chiếm lĩnh và làm chủ hệ sinh thái của một xu hướng mới là vô cùng quan trọng; việc này có ý nghĩa sống còn với họ. Ví dụ nhãn tiền gần đây là khi xu hướng công nghệ chuyển dịch từ PC/desktop sang hệ sinh thái smartphone (di động), Nokia tuy đã từng là hãng di động hàng đầu thế giới nhưng do không nắm bắt và theo kịp xu hướng smartphone mà giờ đây đã bị xóa sổ. Blackberry là cha đẻ của khái niệm smartphone nhưng do không vào được hệ sinh thái mới mà giờ cũng bị loại khỏi cuộc chơi.
Figure 3 – Các sản phẩm Smart Home. |
Về cơ bản thì các ông lớn đều muốn kiểm soát và chi phối hệ sinh thái Smart Home, tuy vậy, mỗi hãng có những động thái và chiến lược khác nhau, chúng ta sẽ xem xét chiến lược (cho tới thời điểm này) của bốn hãng lớn: Google, Amazon, Samsung, và Appe.
Google đầu tư rất nhiều vào các công nghệ liên quan đến lĩnh vực IoT nói chung và smart home nói riêng: Google beacon platform, Brillo & Weave, OnHub Router, Google Cloud IoT… Tuy vậy để đi vào hộ tiêu dùng thì một chiến lược chính của Google là mua lại công ty Nest trong năm 2014. Nest đến giờ có ba sản phẩm chính khá thành công trên thị trường là hệ thống điều hòa thông minh, hệ thống báo cháy, và camera giám sát gia đình. Doanh thu của Nest năm 2015 là 340 triệu USD, tuy công ty mẹ Google tỏ ra thất vọng với kết quả này, nhưng đây vẫn là con số khá lớn chứng tỏ Google (Nest) bán được một số lượng lớn thiết bị và đã đặt được chân vào thị trường này.
Figure 4 – Nest có thiết kế và tinh năng ưu việt so với hệ thống điều hòa cũ. |
Thiết bị điều hòa thông minh của Nest đã được thị trường đón nhận rất tốt khi ra đời do có thiết kế đẹp mắt, tính năng thông minh tự học được thói quen của người dùng giúp tiết kiệm điện năng đến 15%.
Chiến lược của Google là bán một sản phẩm rất tốt, người dùng nhận thấy lợi ích của sản phẩm rất rõ ràng, sau khi người dùng mua thiết bị này về thì Google biến nó thành bộ điều khiển trung tâm có thể kết nối và tương tác với các thiết bị thông minh khác trong nhà. Google thực hiện việc này qua chương trình Works with Nest, các sản phẩm của bên thứ ba khi có nhãn “Works with Nest” sẽ tương thích với hệ thống Nest của Google. Ví dụ, khi đèn thông minh Belkin Wemo khi dùng chung với sản phẩm của Nest sẽ tự động tắt đèn khi hệ thống thấy không có người ở nhà (các sản phẩm của Nest có cảm biến để biết được có người trong nhà hay không). Gần đây Google tái cơ cấu lại Nest để thúc đẩy mạnh hơn việc phát triển thị trường theo hướng này.
Amazon
Các tiếp cận thị trường của Amazon tương tự như Google (Nest), tức là bán một sản phẩm thông minh trong nhà rất hấp dẫn (killer product) để người dùng mua, sau đó biến thiết bị này thành một bộ điều khiển (hub) cho các thiết bị thông minh khác. Sản phẩm chiếm lĩnh thị trường Smart Home của Amazon là chiếc loa thông minh điều khiển bằng giọng nói (hands-free speaker), Amazon Echo. Điểm thú vị của chiếc loa này là không có phím điều khiển, mà người dùng giao tiếp với loa qua giọng nói; Amazon Echo hiểu được ngôn ngữ tự nhiên với độ chính xác rất cao. Ngoài việc chơi nhạc, Amazon Echo có thể trả lời người dùng các câu hỏi về thời tiết, đọc chuyện, mua hàng (tích hợp với hệ thống thương mại của Amazon)…
Figure 5 – Echo có giao điện tương tác bằng giọng nói. |
Hệ thống nhận dạng tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên của Amazon rất tốt, phản hồi của người dùng về sản phẩm này luôn đạt 4-5 sao. Tuy không có con số chính thức, nhưng ước tính Amazon bán được khoảng 3 triệu sản phẩm cho tới nay.
Cũng giống như chiến lược của Google, một khi người dùng đặt Amazon Echo trong nhà thì chính thiết bị này sẽ hoạt động như một bộ điều khiển trung tâm (hub) để tương tác với các thiết bị thông minh khác trong gia đình. Amazon mở ra bộ API để lập trình viên (developers) và các nhà phát triển thiết bị khác (OEM) tích hợp vào Echo; Amazon gọi một tính năng tích hợp mới này là “skill”, cho tới nay đã có tới 950 skills được tích hợp vào Amazon Echo. Sản phẩm Amazon Echo này thành công đến mức Google vừa phải nhanh chóng công bố một sản phẩm tương tự gọi là Google Home để cạnh tranh.
Samsung
Samsung cũng rất quan tâm đến thị trường Smart Home, một phần là thị trường thiết bị smartphone đang chững lại, Samsung tuy là nhà sản xuất thiết bị lớn nhưng không làm chủ được hệ sinh thái di động (mobile ecosystem), về phần mềm Samsung phụ thuộc vào Android của Google, về phần cứng các hãng Trung Quốc càng ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Samsung tiến vào thị trường Smart Home bằng cách mua lại công ty SmartThings với giá 200 triệu USD (Google mua Nest với giá 3,2 tỷ USD).
Figure 6 – Samsung mua SmartThings để đặt chân vào thị trường nhà thông minh. |
SmartThings bán một bộ hub điều khiển trung tâm (smart-home controller); thế mạnh của thiết bị này là có thể giao tiếp với rất nhiều các thiết bị thông minh có trên thị trường qua các chuẩn giao tiếp (không dây) khác nhau. SmartThings cũng có một chương trình “Works with SmartThings” để chứng nhận các thiết bị tương thích với hệ thống này. Tuy vậy, cách tiếp cận bằng cách bán một bộ điều khiển trung tâm không được thành công lắm, việc thiếu một “killer product” khiến rất khó thuyết phục người tiêu dùng về lợi ích của hệ thống (hoặc người dùng không thấy nhu cầu đó là thiết yếu).
Trong cuộc chơi này, Samsung có một thế mạnh là họ đã đang sản xuất rất nhiều thiết bị gia dụng (home appliances) có tiếng, Samsung có thể thâm nhập thị trường Smart Home qua các sản phẩm này, ví dụ gần đây họ vừa ra mắt chiếc tủ lạnh thông minh, tuy đang còn mang tính thử nghiệm cao, nhưng đây là một chiến lược rất hứa hẹn.
Apple
Apple bước vào thị trường Smart Home có một lợi thế là có nền tảng di động iPhone, với phiên bản iOS 9, Apple đưa ra chuẩn HomeKit để kết nối các thiết bị thông minh trong nhà với hệ điều hành iOS và điện thoại iPhone. Người dùng có thể dùng hệ thống nhận dạng giọng nói Siri trên iPhone để điều khiển các thiết bị trong nhà; một thành tố quan trọng trong bài toán chiếm lĩnh thị trường Smart Home của Apple đó là Apple TV; thiết bị này sẽ hoạt động như một bộ điều khiển trung tâm để kết nối với các thiết bị khác trong gia đình. Apple đã bán được hơn 25 triệu sản phẩm Apple TV cho tới nay.
Kiểm soát hệ sinh tháiCó thể nói sau iPhone và iPad, Apple vẫn chưa đưa ra được một thiết bị nào có tính cách mạng; do vậy Smart Home có thể sẽ là một thị trường Apple mà Apple nhắm tới để đưa ra sản phẩm có tính đột phá.
Một đặc điểm chung trong chiến lược của các hãng là không chỉ nhắm tới việc tạo doanh thu trước mắt mà về lâu dài phải kiểm soát được hệ sinh thái (ecosystem) của thị trường nhà thông minh . Với nền tảng công nghệ hiện nay thì 2 thành tố quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái cho nhà thông minh là: smartphone và smart home hub như được minh họa ở hình dưới. Google và Apple có lợi thế nhất định khi làm chủ hai nền tảng chính cho smartphone là Android và iOS. Họ có thể tích hợp thẳng những công nghệ để giúp họ triển khai dễ dàng các sản phẩm và dịch vụ trong thị trường mới này.
Figure 8 – Hai thành tố chính cho hệ sinh thái nhà thông minh: smartphone và smart home hub. |
Phần quan trọng còn lại của hệ sinh thái là bộ điểu khiển trung tâm (mart home hub) đều được các hãng muốn kiểm soát hoặc có ảnh hưởng tới. Google và Amazon dùng chiến lược go-to-market bằng cách bán một sản phẩm có chức năng rõ ràng và có tính năng vượt trội để thuyết phục khách hàng, sau đó biến chúng thành hub bằng cách mở API để các thiết bị thông minh khách giao tiếp qua nó. Cả hai công ty đều có thành công nhất định bằng hướng đi này.
Tuy vậy, để tạo ra một “killer product” cho thị trường mới không hề dễ. Samsung mua lại công ty SmartThings và bán cho người tiêu dùng một bộ smart home hub đầy đủ, việc bán một hệ thống chung này có khó khăn là người tiêu dùng không thấy được lợi ích một cách rõ rằng (unclear value proposition) hoặc các nhu cầu mà hệ thống giải quyết không thực sự thiết yếu. Đối với thị trường Việt Nam và đối với FPT là công ty mạnh về dịch vụ thì hướng tiếp cận vào thị trường nhà thông minh có thể rất khác, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm trong loạt bài sau.
Theo Chungta.vn