Chọn mua vòng tay theo dõi sức khỏe hay smartwatch tốt hơn?
Việc chọn lựa một thiết bị thông minh phục vụ luyện tập thể dục, thể thao giữa vòng tay theo dõi sức khỏe (Fitness Tracker) và Smartwatch dường như là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều người. Nhưng cách lựa chọn không có gì khó nếu bạn nắm được các ưu, nhược điểm và tính chất của mỗi loại thiết bị.
Khi thiết bị đeo ngày càng phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng, điều này làm nảy sinh tâm lý băn khoăn không biết nên chọn giữa một chiếc vòng tay theo dõi sức khỏe (Fitness Tracker) hay một chiếc smartwatch.
Thực tế, câu hỏi này không hề khó trả lời vì người dùng chỉ cần nắm được ưu, nhược điểm và tính chất của mỗi thiết bị là đã có thể đưa ra quyết định chọn mua sản phẩm nào.
Công ty nghiên cứu thị trường NPD cho biết, ngày càng có nhiều người muốn theo dõi sức khỏe bằng smartwatch. Bởi lẽ, họ có thể vừa đếm bước chân, theo dõi nhịp tim và thực hiện được các chức năng khác thông qua ứng dụng di động.
Nếu số liệu của NPD trong Q1/2015 cho thấy, chỉ có 17% người trưởng thành tại Mỹ sử dụng smartwatch để theo dõi sức khỏe và tập luyện thể dục, ngược lại có tới 83% người dùng lựa chọn Fitness Tracker. Nhưng tính tới Q4/2017, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi lượng người sử dụng smartwatch đã tăng lên tới 38%. Dự báo tới cuối năm nay, thị phần sẽ tăng tới 48%.
Tưởng chừng Fitness Tracker đang dần đánh mất lợi thế nhưng không. Các thiết bị Fitness Tracker vẫn có những cải tiến nổi bật, ví dụ như tính năng thông báo và các chức năng khác để thu hút người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, để lựa chọn được chính xác thiết bị nào phù hợp với bản thân, hãy cùng xem xét cụ thể ưu, nhược điểm của cả hai loại hình thiết bị đeo này dưới đây:
Vòng tay theo dõi sức khỏe (Fitness Tracker): Thiết bị chuyên dành cho người yêu thể dục, thể thao
Những chiếc vòng tay theo dõi sức khỏe luôn có thiết kế nhỏ gọn và rẻ hơn so với smartwatch. Consumer Reportsước tính, giá bán của các thiết bị Fitness Tracker thường thấp hơn 200 USD. Trong khi, một chiếc smartwatch sẽ có giá từ 300 USD trở lên.
Với đặc thù là các thiết bị tập trung cho theo dõi quá trình tập luyện, Fitness Tracker cung cấp gần như chính xác các thông số về bước đi và chỉ số nhịp tim của người dùng. Đây đều là hai trong số những chỉ số quan trọng để đánh giá thể lực tổng thể của mỗi người.
Thậm chí, một số thiết bị Fitness Tracker cao cấp còn cung cấp thêm nhiều tính năng thông minh như tích hợp bộ nhớ trong để lưu nhạc, GPS, cuộc gọi, email và thông báo văn bản. Ví dụ dễ thấy nhất là chiếc Garmin 35, tích hợp GPS và hỗ trợ thông báo. Giá bán cho thiết bị này chỉ khoảng 160 USD.
Hơn hết, một thiết bị Fitness Tracker sẽ đơn giản và dễ sử dụng hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người không am hiểu nhiều về công nghệ.
Dani Arigo, trợ lý giáo sư bộ môn tâm lý tại ĐH. Scranton đã nghiên cứu cách mọi đồ vật gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hành vi con người. Arigo cho rằng, các tính năng bổ sung sẽ chẳng có ích lợi gì khi mà bạn không biết dùng chúng đúng cách.
Arigo cho biết: “Mọi người thường nghĩ Fitness Tracker là một thứ gì đó kỳ diệu và họ thường đeo lên cổ tay và xem chúng thay đổi hành vi của họ như thế nào. Nhưng nếu bạn không hiểu thiết bị có thể làm được những gì, bạn sẽ rất khó để tận dụng được chúng”.
Thậm chí, Arigo cho rằng, ngay cả với những thiết bị Fitness Tracker hoặc các ứng dụng tập luyện đơn giản, chúng vẫn sẽ gây khó khăn cho một vài người khi sử dụng.
Fitness Tracker có thể theo dõi giấc ngủ và hơn hết chứa đủ pin dùng trong một thời gian dài. Nhiều thiết bị có thời gian chờ lên tới 1 tháng sẽ giúp người dùng chẳng cần lo khi sử dụng bên ngoài.
Ngược lại, những chiếc smartwatch như Apple Watch chỉ có thể dùng trong vòng một ngày. Ngoài ra, việc có thêm nhiều tính năng tiện ích như màn hình màu, LTE vô tình khiến thiết bị này hao pin nhanh hơn so với Fitness Tracker.
Đồng hồ thông (Smartwatch): Vừa là phụ kiện thời trang vừa là một thiết bị chăm sóc sức khỏe
Khi nhắc đến Fitness Tracker, chúng ta đã được biết đến một số ưu, nhược điểm của smartwatch. Và trong phần này, chúng ta sẽ cùng nhắc đến những lợi ích khi đeo một chiếc smartwatch trên tay so với Fitness Tracker.
Một chiếc smartwatch cao cấp hiện nay như Apple Watch 3 LTE đã có thể thay thế smartphone khi đi ra đường nhờ khả năng kết nối sóng điện thoại. Smartwatch cũng giúp người dùng rảnh tay trong trường hợp không thể cầm và nghe gọi bằng smartphone như thông thường. Một số mẫu smartwatch hỗ trợ tính năng gọi thoại, trong đó có Apple Watch Series 3 và Samsung Gear S3.
Chúng có thể nhận được email, tin nhắn văn bản và có đủ không gian cho phép bạn đọc nội dung. Ngoài ra, không gian rộng rãi cũng giúp smartwatch có thể lưu trữ được nhiều hình ảnh và file nhạc hơn.
Đó mới chỉ là một vài tính năng mà smartwatch có thể làm được. Giờ đây, gần như mọi smartwatch đều có một nền tảng hệ điều hành riêng. Nếu như Apple Watch là watchOS thì Samsung có Tizen OS.
Việc có một nền tảng hệ điều hành và giao diện riêng giúp các nhà lập trình có thể phát triển ứng dụng dự báo thời tiết, tập luyện thể dục, đọc tin tức, phát nhạc hay chơi game.
Nhưng smartwatch không đơn thuần chỉ để xem giờ hay nghe gọi. Các nhà sản xuất khá tinh ý khi tích hợp thêm các tính năng chăm sóc sức khỏe, tập luyện thể dục thể thao cho smartwatch để người dùng tiện sử dụng khi cần thiết.
Fitbit có lẽ là một trong những nhà sản xuất như vậy. Xuất phát điểm là một hãng chuyên sản xuất Fitness Tracker, tuy nhiên hồi năm ngoái Fitbit cũng lần đầu tiên ra mắt chiếc smartwatch đầu tiên Fitbit Ionic.
Dù chưa có một nền tảng rộng lớn như Samsung hay Apple nhưng Ionic lại có nhiều tính năng chăm sóc sức khỏe và tập luyện thể dục tiên tiến, thừa hưởng từ các sản phẩm Fitness Tracker đi trước. Ví dụ như công nghệ Wi-Fi, Bluetooth, GPS, NFC, cảm biến nhịp tim và theo dõi lượng oxi trong máu. Đặc biệt, Ionic trang bị viên pin đủ dùng tới 4 ngày.
Với từng ấy các tính năng thông minh nhồi nhét vào trong một thiết bị nên không khó hiểu khi smartwatch luôn sở hữu mức giá đắt đỏ và không phải ai cũng đủ điều kiện mua. Mức giá thấp nhất cho chiếc Apple Watch 3 đã lên tới 399 USD (khoảng 9 triệu đồng) trong khi Samsung Gear S3 lên tới 350 USD (khoảng 7,9 triệu đồng).
Giá bán đắt là vậy nhưng giá trị đem lại từ một chiếc smartwatch là rất lớn. Chúng chứa rất nhiều tiện ích và có thể coi là một món phụ kiện thời trang bắt mắt.
Charles Davidman, chuyên gia đánh giá sản phẩm thuộc Consumer Reports nhận định: “Nếu bạn chỉ cần theo dõi quá trình luyện tập thể dục, thể thao thì vòng tay theo dõi sức khỏe (Fitness Tracker) sẽ dành cho bạn. Smartwatch có thể làm được hầu hết các nhiệm vụ của Fitness Tracker nhưng giá bán cũng sẽ đắt hơn”.
Như vậy dù là chọn mua sản phẩm nào đi chăng nữa, trên hết người dùng cần nắm được nhu cầu của chính bản thân là tập luyện thể dục, thể thao hay muốn khai thác nhiều tiện ích thông minh.
Sau đó, hãy dựa vào hầu bao cá nhân để lựa chọn đâu là sản phẩm phù hợp và đáp ứng được nhu cầu đã đặt ra. Chúc các bạn lựa chọn được sản phẩm ưng ý.
Nguồn vnreview.vn