CNTT, ngành Y tế và những điều trăn trở

Với công nghệ đám mây, mạng chia sẻ, IoT, Big Data hiện nay thì giải pháp kỹ thuật cho ứng dụng CNTT đơn giản, hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn nhiều.

Tôi được mời tham dự Hội thảo “Toàn cảnh CNTT Việt Nam năm 2016” diễn ra ngày 24/6/2016 tại Tp HCM do Hội Tin học TP HCM (HCA) tổ chức. Chủ đề của hội thảo lần này tập trung vào một trong những lĩnh vực được xã hội quan tâm nhiều nhất hiện nay là ngành Y tế. Vì thế, nó gây nên sự hứng thú đối với cả diễn giả và người tham dự vì lần đầu tiên, ở quy mô quốc gia, vấn đề ứng dụng CNTT trong ngành Y tế được đề cập một cách cởi mở và tập trung.

Cũng vì thế, tôi đặc biệt quan tâm đến ý kiến của các nhà quản lý ngành Y tế và ý kiến của các chuyên gia CNTT.

vio-2016-01-1
Tọa đàm về ứng dung CNTT trong Y tế tại VIO 2016

Đại diện ngành, bác sỹ Tăng Chí Thượng, phó giám đốc sở Y tế Tp HCM trình bày báo cáo về tình hình ứng dụng CNTT trong ngành Y tế Tp HCM trong những năm qua và kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT từ nay đến 2020. Báo cáo của BS Thượng cho thấy một bức tranh toàn cảnh của việc ứng dụng CNTT trong ngành Y tế Tp HCM với những ứng dụng không đồng đều ở cả hệ thống quản lý lẫn các bệnh viện, trung tâm y tế nên kết quả ứng dụng còn nhiều hạn chế. Trong kế hoạch 2016 – 2020, sở Y tế Tp HCM đưa ra một lộ trình khá cụ thể về việc trang bị hệ thống thiết bị, trung tâm dữ liệu (data center), phát triển các bộ phận chuyên trách CNTT trong toàn bộ hệ thống y tế Tp HCM từ cấp thành phố đến cấp phường/xã. Mong muốn của sở Y tế Tp HCM là việc ứng dụng CNTT sẽ tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, giúp quản lý các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại Tp HCM một cách tốt hơn, khoa học hơn, giúp các đơn vị trong ngành hoạt động hiệu quả hơn.

Đại diện HCA, và cũng đại diện cho giới CNTT, ông Phí Anh Tuấn, phó chủ tịch HCA trình bày tham luận “Đề xuất giải pháp xã hội hóa các ứng dụng CNTT cho Y tế TP HCM”. Dựa trên nghiên cứu tổng thể về các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại TP.HCM, HCA đề xuất cách tiếp cận xã hội hóa ứng dụng CNTT trong ngành Y tế Tp HCM với việc làm đầu tiên là xây dựng khung kiến trúc tổng thể của hệ thống chăm sóc sức khỏe của Tp HCM. Trong khung này, bao trùm trên tất cả là chiến lược phát triển KTXH của Tp HCM, từ đó xác định nhiệm vụ của ngành Y tế thành phố và mối quan hệ của Y tế với các ngành khác của thành phố trong trạng thái phát triển và hoàn thiện không ngừng. Khung kiến trúc tổng thể này mang hình ảnh nguyên lý của khung kiến trúc tổng thể hệ thống chính quyền điện tử mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhúng trong thực tiễn ngành Y tế Tp HCM. Từ khung kiến trúc tổng thể này, các chuyên gia chỉ ra hướng tiếp cận xã hội hóa các ứng dụng CNTT trong ngành Y tế Tp HCM theo mô hình cung cấp các dịch vụ bao gồm cả phần cứng, phần mềm, đào tạo, tư vấn,…

Nội dung hội thảo được tô điểm phong phú hơn bởi các báo cáo của đại diện Panasonic System Solutions Asia Pacific, Panasonic System Network và Microsoft giới thiệu các giải pháp phát triển y tế điện tử, y tế thông minh, giải pháp an ninh cho các bệnh viện, đào tạo nhân lực,…

Những điều trăn trở

Nhiều người tham dự hội thảo, dù đã được hưởng một “bữa tiệc” thịch soạn về toàn cảnh ứng dụng CNTT trong ngành Y tế, vẫn thấy thiếu những gì được mong đợi hơn nữa. Ứng dụng CNTT hay bất cứ công nghệ cao nào khác cũng phải phục vụ trực tiếp cho đối tượng trung tâm là người dân. Liệu việc ứng dụng CNTT trong ngành Y tế có làm giảm chi phí và (quá nhiều) thời gian mà người dân phải bỏ ra để được chăm sóc sức khỏe? và cao hơn cả là có giúp làm giảm số lượng bệnh nhân? Theo số liệu trên báo chí, số người mắc bệnh ngày càng tăng cao, hệ miễn dịch của người Việt ngày càng yếu, sức khỏe giống nòi ngày càng sụt giảm. Nguyên nhân chính (theo thống kê là đến 80%) gây ra là thực phẩm không an toàn.

CNTT không phải là vạn năng, không trực tiếp giải quyết được những vấn đề lớn đó nhưng CNTT lại có thể hỗ trợ tích cực cho việc chỉ ra ở đâu, ai sản xuất, buôn bán các thực phẩm không an toàn đó bằng các ứng dụng GIS, truy nguyên nguyên gốc hàng hóa, CSDL quan trắc môi trường, ngân hàng giống,… Tuy nhiên, nếu chỉ có 2 ngành Y tế và CNTT ngồi lại với nhau thì không thể giải các bài toàn lớn của xã hội. Đáng tiếc là không có vị nào đại diện cho Bộ NNPTNT, Công Thương, KHĐT, TNMT,… tham dự hội thảo quan trọng này.

Lắng nghe ý kiến của vị đại diện ngành Y tế Tp HCM và đại diện HCA, tôi nhận thấy có những cách hiểu khác nhau về vai trò của CNTT trong ngành Y tế nói riêng, trong các ngành khác nói chung. Ở nhiều ngành, việc xây dựng các hệ thống kỹ thuật riêng (bao gồm mạng LAN, data center, hệ thống kết nối,…) đã trở thành phổ biến và kèm theo đó là những bộ phận, đơn vị CNTT chuyên trách được lập ra. Đây là cách làm của quá khứ, 15 – 20 năm trước, khi CNTT chưa thật sự phát triển người ta mới tiếp cận theo cách đó, còn bây giờ, với công nghệ đám mây, mạng chia sẻ, Internet của vạn vật, dữ liệu lớn,… thì giải pháp kỹ thuật cho ứng dụng CNTT đơn giản và hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn nhiều: đó là thuê dịch vụ.

Ngày nay, các cơ quan, đơn vị không chuyên về CNTT (bộ, sở, ngành, doanh nghiệp,…) muốn ứng dụng CNTT thì tiện nhất là thuê dịch vụ: thuê hạ tầng kỹ thuật, thuê phần mềm ứng dụng, thuê tư vấn,… Có thể khẳng định là việc tự trang bị vừa tốn kém, không an toàn và hiệu quả ứng dụng thấp hơn nhiều so với đi thuê bởi vì đối với đơn vị không chuyên CNTT thì việc duy trì hệ thống kỹ thuật đã khó mà còn phải thường xuyên nâng cấp trong khi công nghệ lại thay đổi rất nhanh; các ứng dụng trở nên hiệu quả và cao cấp hơn nhiều với môi trường chia sẻ thông tin, điều không thể có được trong một hệ thống bó cứng. Con người hoạt động trong một hệ thống riêng rẽ ngày càng thiếu năng động và tụt hậu do không nắm được những kỹ năng cập nhật,…

Thuê ngoài dịch vụ là “đẩy” những thách thức đó về phía các nhà cung cấp, buộc họ muốn giữ được thị trường thì phải đầu tư nhiều hơn về mọi mặt (hạ tầng, phần mềm, dịch vụ, an toàn,…). Điều này thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp, tạo điều kiện cho mọi nhà cung cấp dù lớn hay nhỏ phát triển, miễn là sản phẩm của họ được thị trường chấp nhận.

Vậy số phận của các đơn vị chuyên CNTT trong các ngành không chuyên về CNTT, trong đó có ngành Y tế, sẽ ra sao? Thực ra, việc thành lập các đơn vị chuyên trách CNTT trong các ngành này xuất phát từ nhận thức chưa chính xác về CNTT. Các ngành không chuyên về CNTT nên xem CNTT là phương tiện để thực hiện những chức năng nghiệp vụ của mình chứ không phải tự mình phát triển CNTT. So sánh một cách thô thiển là người ta ai cũng cần dùng điện thoại thông minh (cũng là một loại máy tính) nhưng không phải ai cũng làm ra được nó. Việc tự phát triển CNTT sẽ dẫn đến hàng loạt hạn chế và tiêu cực:

  • Gần như không bao giờ xây dựng được đơn vị CNTT chuyên nghiệp trong một ngành không chuyên CNTT (trừ trường hợp đặc biệt như an ninh, quốc phòng) vì không đủ kinh phí, thiếu nhân lực giỏi.
  • Khó thu hút nhân lực CNTT chuyên nghiệp vì môi trường phát triển không đủ rộng và sâu để có thể giữ chân họ trong khi những người ở lại dễ rơi vào trạng thái “lụt nghề” do ít được cọ xát.
  • Không bao giờ có đủ chuyên gia CNTT để thực hiện mọi yêu cầu về CNTT của ngành.
  • Lãnh đạo cấp cao hơn trong ngành ngày càng xa CNTT vì ỷ lại đã có đơn vị chuyên trách trong khi những đề xuất tham mưu của đơn vị chuyên trách chưa chắc “lọt tai” các vị lãnh đạo có thẩm quyền vì là đơn vị cấp dưới.
  • Mọi nhu cầu về ứng dụng CNTT đổ lên vai đơn vị chuyên trách và chắc chắn đơn vị này không thể đáp ứng, trong khi đó, các đơn vị khác trong ngành xem ứng dụng CNTT không phải việc của mình.

Điện tử hóa là một quá trình tiến hóa tự nhiên của cả hệ thống, không phải của một bộ phận trong hệ thống. Bây giờ, tính từ “điện tử” trong “chính quyền điện tử”, “hải quan điện tử”, “thương mại điện tử”,… còn là mốt thời thượng chứ chỉ một chục năm nữa, khi hoạt động KTXH nào không nhúng trong môi trường thông tin điện tử mới là không bình thường thì từ “điện tử” trở nên thừa và người ta quay lại với giá trị vốn có của từng hoạt động đó (ví dụ: Hải quan -> Hải quan điện tử -> Hải quan).

Giải pháp đúng đắn nhất, kinh tế nhất và hiệu quả nhất là thuê ngoài dịch vụ, bao gồm cả nhân lực CNTT chuyên nghiệp. Đó là cách vừa khai thác được tiềm lực của cả xã hội vừa kích hoạt sự phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp theo một mô hình phân công lao động khoa học nhất.

Trong bối cảnh đó, các lực lượng tư vấn chuyên nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi họ là chỗ dựa tin cậy của những nhà hoạch định chính sách, của những người đứng đầu ngành, đơn vị. Ở nước ta chưa có nhiều những đơn vị như vậy. Vì thế, bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT khác, ngành CNTT cũng nên chú trọng phát triển lực lượng này.

Theo PCWorld

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị