Theo hãng nghiên cứu Gartner, năm 2005, chỉ có 2,5 tỉ thiết bị được kết nối Internet nhưng tới năm 2020, sẽ có 30 tỉ thiết bị được kết nối Internet. 2020 sẽ là năm cuộc cách mạng Internet of Things (IOT- Vạn vật kết nối) bùng nổ mạnh mẽ và toàn diện. Trong đó, ngôi nhà thông minh sẽ là nơi bạn tiếp xúc và cảm nhận rõ nhất những thay đổi của các thiết bị công nghệ từ IOT.
Điều khiển mọi vật dụng trong nhà qua điện thoại thông minh
Hiện nay mỗi thiết bị thông minh trong nhà thường đi kèm với một ứng dụng điều khiển riêng và việc quản lý toàn bộ những ứng dụng này cũng là điều nan giải với các nhà nghiên cứu công nghệ. Trong tương lai, chỉ cần một ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng hay đồng hồ thông minh là có thể điều khiển mọi vật dụng trong nhà. Các thiết bị trong nhà sẽ hoạt động cùng nhau tùy vào từng chế độ cài đặt do gia chủ lựa chọn như “Đi làm”, “Về nhà”, “Đi ngủ”, Giải trí” hay “Tiệc tùng”…. Máy điều hòa, tivi, hệ thống âm thanh, nhà bếp, hệ thống cửa, nhà xe… sẽ tự động phối hợp với nhau trong từng kịch bản cài đặt trong ứng dụng này. Không những thế, khi gia chủ muốn thay đổi, điều chỉnh hoạt động của thiết bị nào hay tạo ra một chế độ hoạt động mới, ngôi nhà sẽ ghi nhớ và lưu giữ các thông số này để tự động phục vụ gia chủ trong lần sử dụng sau.
Thiết bị thay đổi theo thời tiết để tiết kiệm năng lượng hơn
Một ngôi nhà có nhiều thiết bị luôn cho chúng ta có cảm giác không kiểm soát được mức độ tiêu thụ năng lượng. Ngôi nhà thông minh sẽ cài đặt nhiều cảm biến quanh nhà để tự động tắt hay mở các thiết bị ở thời điểm thích hợp nhằm tiết kiệm điện và năng lượng một cách tối đa. Cảm biến chuyển động (hay cảm biến chiếm chỗ) có thể điều khiển đèn, tivi, máy tính, hệ thống âm thanh, lò nướng sẽ tắt khi không có người trong phòng hay ở nhà. Cảm biến ánh sáng có thể điều khiển rèm cửa, màn trang trí nội thất và cửa sổ khi nhận được số liệu thời tiết ngoài trời. Trong khi đó, cảm biến nhiệt độ sẽ điều khiển hoạt động máy điều hòa khi nhiệt độ ngoài trời quá nóng hoặc quá lạnh, vì không máy lạnh nào lại hoạt động khi thời tiết mát mẻ cả.
Vật dụng có thể hiểu và đoán ý của chủ nhân
Ngay khi bạn tỉnh giấc vì âm thanh của chiếc đồng hồ báo thức, các cảm biến ẩn mọi nơi trong phòng sẽ biết bạn đã thức dậy và kích hoạt hàng loạt những thiết bị trong nhà “phục vụ” buổi sáng cho bạn. Đèn sẽ tự động bật sáng, nhiệt độ phòng tắm sẽ tăng dần để bạn không bị lạnh. Cà phê sẽ được ủ nóng, bạn sẽ nhận được thông báo về thời tiết hôm nay thế nào. Tủ lạnh sẽ nhắc nhở bạn những nguyên liệu nào trong tủ lạnh sắp bị hư cần phải xử lý ngay, những nguyên liệu nào có thể chế biến thành món ăn trong bữa tối và thậm chí mách cho bạn biết cần mua thêm những gì trên đường đi làm về.
Xe hơi của bạn sẽ được khởi động sẵn, chỉ cần ra lệnh trên điện thoại hay đồng hồ thông minh, xe của ban sẽ tự lái khỏi nhà xe để đón bạn trước cửa. Kế đến, nhà sẽ tự động khóa cửa sau khi bạn rời nhà. Máy móc, thiết bị gia dụng trong nhà sẽ chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng. Và khi nhận được tín hiệu bạn đang trên đường về nhà, ngôi nhà sẽ tự động kích hoạt chế độ “Chào đón gia chủ”, nhiệt độ trong nhà sẽ ấm lên, cửa nhà xe sẽ mở và bài hát yêu thích của bạn sẽ vang lên khắp nhà.
Chế độ phục vụ riêng biệt cho từng thành viên trong gia đình
Ngôi nhà trong tương lai sẽ đủ thông minh để phân biệt các thành viên trong gia đình, đồng thời có khả năng phục vụ nhu cầu của từng cá nhân dựa trên các dấu hiệu sinh trắc học cá thể như dấu vân tay, nhiệt độ cơ thể và thậm chí là nhịp tim của mỗi người nữa. Thông qua một thiết bị đeo tay, như đồng hồ thông minh chẳng hạn, ngôi nhà sẽ dựa vào nhịp tim và tình trạng của cơ thể bạn để tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ phòng, phát bài hát yêu thích của riêng mình bạn.
Khả năng kết nối giữa các thiết bị công nghệ của các hãng khác nhau
Năm 2014, Samsung đã mua SmartThings – một công ty chuyên sản xuất các thiết bị tự động –chính thức gia nhập vào thị trường nhà thông minh. Công ty SmartThings và Samsung hiện đang phát triển một nền tảng mở cho phép các thiết bị từ các hãng sản xuất khác nhau có thể làm việc cùng nhau. Trong tương lai, tủ lạnh Samsung có thể gửi tin nhắn cho tivi hãng X khi bạn đang xem bộ phim Game of Thrones chẳng hạn, thông báo rằng tủ lạnh của bạn đang mở hoặc đang hỏng hóc gì đó cần bạn sửa chữa.
Cùng với những tài năng đến từ SmartThings, đến nay Samsung đã trở thành trong những cái tên nổi bật trong lĩnh vực nhà thông minh và hứa hẹn sẽ có nhiều phát kiến công nghệ bất ngờ trong tương lai. Với tốc độ phát triển chóng mặt của kỷ nguyên Internet of Things, những ngôi nhà thông minh thế hệ mới có khả năng dự đoán và phục vụ mọi mong muốn của con người hẳn sẽ trở thành hiện thực trong thời gian rất gần.