Đúng như nhận định của các hãng công nghệ, xu hướng kết nối vạn vận (Internet of Things – IoT) đang có mặt ở gần như tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Thật bất ngờ nông nghiệp lại là lĩnh vực đang tiên phong trong việc ứng dụng IoT.
Nông nghiệp: mảnh đất màu mỡ để thử nghiệm IoT
Từ trước tới nay nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ít được áp dụng công nghệ nhất. Đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, nông nghiệp gần như chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm của những người nông dân về đặc tính của cây trồng, về thời tiết… Chính vì vậy, năng suất và hiệu suất canh tác gần như được để ngỏ, mang tính “may, rủi”.
Trong khi đó, trước những thách thức về biến đổi khí hậu, gia tăng dân số nhanh chóng, vấn đề đảm bảo đủ lương thực là một trong những thách thức mang tính toàn cầu. Ngành nông nghiệp phải tìm kiếm những phương thức tốt hơn để gia tăng hiệu quả sản xuất. Cách duy nhất chính là áp dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, canh tác.
Chính vì vậy, việc đưa các ứng dụng IoT vào ngành nông nghiệp sẽ giúp minh chứng rõ nhất cho việc IoT đem lại hiệu quả to lớn như thế nào. Đó chính là lý do mà nông nghiệp là lĩnh vực đang được quan tâm đầu tư và được nhiều startup lựa chọn để gọi vốn.
IoT mang lại những gì cho ngành nông nghiệp?
IoT sẽ biến nông nghiệp từ một lĩnh vực sản xuất định tính thành một lĩnh vực sản xuất chính xác dựa vào những số liệu thu thập, tổng hợp và phân tích thống kê. Từ việc phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu…, người nông dân có thể tự chủ, điều chỉnh mọi thứ để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tăng hiệu suất canh tác:
Những hệ thống thiết bị cảm biến, đo đạc sẽ được kết nối với nhau, tích hợp GPS và các công nghệ theo dõi để thu thập dữ liệu, kết nối với hạ tầng đám mây để truy xuất dữ liệu, phân tích đưa ra quyết định tối ưu hóa lượng nước, lượng phân bón, tự động hóa các hoạt động nông nghiệp hàng ngày và cung cấp giải pháp theo dõi thời gian thực. Nhờ đó, các điều kiện dinh dưỡng đối với cây trồng sẽ được tối ưu, cho mức sinh trưởng tốt nhất.
Quản lý dịch bệnh:
Giảm thiểu dịch bệnh cũng là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất canh tác. Thêm vào đó, hiện người dùng đang có xu hướng chuộng các sản phẩm hữu cơ nên ngành nông nghiệp phải bắt đầu chú trọng tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu dịch bệnh cho cây trồng mà không sử dụng thuốc trừ sâu.
Hiện đã có không ít giải pháp ứng dụng IoT giúp giám sát số lượng sâu bệnh, khi phát hiện số lượng sâu bệnh trở nên quá cao, hệ thống tự động kích hoạt và ngăn cản quá trình kết đôi của sâu bệnh để giảm thiểu sự gia tăng, kèm theo đó sẽ cảnh báo để nông dân lựa chọn phương thức xử lý nhân công, sinh học hay thuốc trừ sâu.
Nông nghiệp Việt Nam theo kịp xu hướng
Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ. Công nghệ trong nông nghiệp là một trong những từ khóa được nhắc tới khá nhiều trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Một vài trong số đó đã nhận được tài trợ để tiếp tục phát triển, nổi bật là hệ thống giải pháp của Mimosa TEK. Giải pháp này đã giải nhất của chương trình Go Live! Vietnam Venture Cup và nhận được ngay 15.000 USD vốn đầu tư.
Hệ thống của Mimosa TEK hiện bao gồm: các hệ thống thiết bị cảm biến đo các thông số như nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất, ánh sáng, cường độ gió, mưa để giám sát toàn bộ khu vực trồng trọt; nền tảng đám mây IoT nhận tất cả các dữ liệu mà thiết bị giám sát gửi về; phần mềm quản lý tưới chính xác chạy trên đám mây phân tích dữ liệu lớn và đưa ra khuyến nghị, cảnh báo và thống kê, báo cáo hàng ngày về việc tưới và điều kiện môi trường; Ứng dụng trên thiết bị đầu cuối để người dùng tự điều khiển việc tưới nước…
Ngoài giải pháp dành cho trồng trọt, vừa qua Mimosa TEK đã cùng hợp tác với một số đối tác thử nghiệm thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng IoT cho sản xuất nuôi tôm với các chức năng đo nhiệt độ nước, đo độ pH và nồng độ oxy trong nước, kết nối đưa dữ liệu về trung tâm để phân tích và ra quyết định tư vấn gửi lại máy tính của người dân.
Không chỉ Mimosa TEK, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng có những giải pháp toàn diện tương tự, hoặc giải pháp riêng cho từng khâu nào đó trong hoạt động nuôi trồng. Chúng thực sự đang đem lại hiệu quả trông thấy cho ngành nông nghiệp (tăng từ 25% – 30% năng suất các sản phẩm cây trồng). Chính vì vậy, số lượng đơn vị đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, nhanh hơn bất kỳ ngành nghề nào khác.
Theo Xahoithongtin.com.vn