Dù Bitcoin chưa được xem là tiền tệ, tài sản hợp pháp ở Việt Nam, cơn sốt nhập máy tính “khủng” đào tiền ảo vẫn đang nở rộ.
Hiện ở Việt Nam, các nhà đầu tư tìm lợi nhuận với Bitcoin qua hai hình thức, một là lướt sóng, mua đi bán lại (thông qua sàn giao dịch) hoặc đầu tư mua “trâu cày” – những dàn máy tính có cấu hình mạnh để đào Bitcoin. Thực tế Bitcoin chưa được xem là hợp pháp nhưng máy tính lại không phải mặt hàng cấm nhập hoặc nhập khẩu có điều kiện. Vì vậy Tổng cục Hải quan cũng đang lúng túng không biết đúng hay sai khi cho doanh nghiệp nhập dàn máy tính lô lớn về Việt Nam để “đào” Bitcoin.
Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay vẫn bảo lưu quan điểm không công nhận loại tiền ảo, trong đó có Bitcoin, là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, xu hướng “đào” và đầu tư vào các loại tiền ảo Bitcoin, Linecoin, Ethereum… vẫn gia tăng gần đây, đặc biệt sau khi có thông tin Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Một đại diện tham gia ý kiến soạn thảo văn bản này cho biết: “Việc Đề án được ban hành không có nghĩa Bitcoin chắc chắn sẽ được công nhận mà chỉ cho thấy Chính phủ đang giao nhiệm vụ để các Bộ, ngành rà soát lại khung pháp lý nghiên cứu phương án ứng xử mà thôi”.
Bitcoin hiện tăng lên mức kỷ lục hơn 4.700 USD. Không riêng Bitcoin, nhiều nhà đầu tư cũng đang truyền tai nhau chuyển sang Ethereum – loại tiền ảo được giới phân tích nhận định nhiều khả năng sẽ trở thành đồng Bitcoin thứ hai. Trong một năm gần đây, Ethereum đã tăng giá gấp hơn 300 lần, lên đến khoảng 370 USD mỗi đơn vị.
Hiện tại, mỗi “trâu cày” (máy đào Bitcoin) thường được rao bán trên các trang mạng với mức giá trung bình từ 30 đến 60 triệu. Về cơ bản, dàn máy “trâu cày” tiền ảo tận dụng sức mạnh của card đồ họa (VGA). Một dàn máy có từ 4 đến 6 VGA, loại đời mới có 8 chiếc, chạy suốt ngày đêm để giải mã chuỗi khối, tạo ra giá trị quy đổi thành tiền ảo Bitcoin, Ethereum…
Cách đây khoảng hai tháng, nhiều nhà cung cấp linh kiện máy tính tại Việt Nam còn “cháy hàng” card đồ hoạ vì nhu cầu “trâu cày Bitcoin” lên cao. Anh Hải – chủ một cửa hàng linh kiện máy tính tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thừa nhận dù hiện tại nhu cầu đã “hạ nhiệt” nhưng cao điểm có đợt doanh thu cửa hàng trên hai trăm triệu đồng mỗi ngày nhờ khách đặt cả chục dàn máy.
Thực tế, việc sở hữu Bitcoin do “khai thác”, tự “đào” được tại Việt Nam là rất ít mà chủ yếu là mua qua một số sàn giao dịch.
“Do giá Bitcoin liên tiếp lập đỉnh kỷ lục, nhiều khách mua trâu khi chưa hiểu rõ về Bitcoin cũng như quá trình đào phức tạp nên thường bán lại ngay sau vài tháng sử dụng. Cũng có người tiếc số tiền đầu tư nên cho thuê lại vì bán đi bị mất giá nhiều”, anh Hải cho biết thêm.
Thêm vào đó, đào Bitcoin giờ cũng khó hơn trước vì có quá nhiều người tham gia. Ngoài phí đầu tư ban đầu, một “trâu” dạng phổ thông tiêu thụ khoảng hơn 2 triệu đồng tiền điện một tháng. Bên cạnh đó, người đào Bitcoin cũng phải chịu nhiều rủi ro. Máy hoạt động gần như 24/24 nên các linh kiện như main, card màn hình, nguồn… bị nóng, dễ gây chập, cháy.
Tiền ảo Bitcoin được bí mật tạo ra trên Internet năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đồng tiền này chỉ có thể tạo ra thông qua các thuật toán phức tạp. Hiện cả thế giới có khoảng 15 triệu Bitcoin.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia tài chính trên thế giới lo ngại về tình trạng bong bóng giá trị của đồng tiền ảo này. Cuối tháng 5, tổng giá trị Bitcoin trên toàn cầu bốc hơi 4 tỷ USD chỉ trong 4 ngày.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng thời điểm này nhà đầu tư tham gia vào Bitcoin khá phiêu lưu. Theo ông, nếu đầu tư Bitcoin ngay từ đầu hoặc tự “đào” với giá tăng cao hiện tại mới có cơ hội lãi lớn. Ngược lại, giờ mới tham gia có thể đối mặt rủi ro về pháp lý và về giá khi đồng tiền này đang được ví như “bong bóng”.
Ngân hàng Nhà nước cũng từng khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ và giao dịch liên quan đến Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác. “Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi”, Ngân hàng Nhà nước nói.
Theo vnexpress.net