“Cục Tin học hóa cần mạnh dạn và chủ động hơn nữa”

Tại buổi làm việc chiều 13/5, Cục Tin học hóa đã kiến nghị tới Bộ trưởng Trương Minh Tuấn 6 điểm trong hoạt động của mình.

Đại diện Cục Tin học hóa, ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng – đã báo cáo với Bộ trưởng về hoạt động của Cục Tin học hóa, những thành tích đạt được cũng như những khó khăn, thử thách của Cục trong thời gian tới.

20160513171821-bo-truong-truong-minh-tuan-2
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (phải) và Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng (trái) làm việc chiều 13/5. Ảnh: Lê Văn.

Từ đó, ông Phúc cũng kiến nghị lên Bộ trưởng 6 vấn đề liên quan tới hoạt động của Cục trong thời gian tới:

Đầu tiên, Cục Tin học hóa mong muốn thúc đẩy ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, ngày 30/9/2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký tờ trình số 56/TTr-BTTTT trình Chính phủ về Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Tới ngày 31/12/2015, sau nhiều lần góp ý, sửa đổi, bổ sung, Bộ TT&TT gửi văn bản cho Văn phòng Chính phủ dự thảo Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng vốn nhà nước đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, đến nay, dự thảo Nghị định vẫn chưa được Chính phủ xử lý trình Thủ tướng để ký ban hành. Do đó, Cục Tin học hóa đề nghị lãnh đạo Bộ có buổi làm việc với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy việc ban hành nghị định trên.

Thứ 2, Cục Tin học hóa mong muốn lãnh đạo Bộ quan tâm thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Cục Tin học hóa kiến nghị Bộ trưởng quan tâm kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan ưu tiên bố trí kinh phí cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước 2016-2020.

Thứ 3, Cục Tin học hóa đề nghị sửa đổi Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông. Theo đó, Cục Tin học hóa được giao nhiệm vụ tham mưu cho Bộ TT&TT xây dựng hướng dẫn về công bố hợp quy để triển khai Quy chuẩn số 102:2016/BTTTT có hiệu lực từ tháng 10/2016.

Tuy nhiên, Cục Tin học hóa cho rằng, văn bản hướng dẫn này tương tự như Thông tư 30/2011/TT-BTTTT, do đó cần xem xét chỉnh sửa Thông tư 30 để bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy là các sản phẩm phần mềm thuộc loại phần mềm ứng dụng, phần mềm nền tảng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu chứ không cần xây dựng thông tư mới. Đồng thời giao cho Cục tin học hóa thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chứng nhận và công bố hợp quy đối với các phần mềm ứng dụng CNTT.

Thứ 4, Cục Tin học hóa kiến nghị lãnh đạo Bộ giao cho Cục xây dựng Đề án thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử.

Thứ 5, Cục Tin học hóa cũng đề nghị sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP được ban hành, sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về đánh giá hiệu quả đầu tư dự án ứng dụng CNTT trong đó quy định về phương pháp đánh giá, công cụ đánh giá và điều kiện năng lực của tổ chức cá nhân tham gia đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT. Theo ông Phúc, Cục Tin học hóa đã triển khai nghiên cứu một số phương pháp phân tích, đánh giá hiệu quả đầu tư định lượng được sử dụng trên thế giới để đề xuất phương pháp phù hợp áp dụng tại Việt Nam.

Cuối cùng, Cục tin học hóa kiến nghị Bộ trưởng giao cho Vụ Hợp tác quốc tế hỗ trợ Cục Tin học hóa tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của quốc tế và cử chuyên gia nước ngoài hỗ trợ Cục Tin học hóa xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về thành phố thông minh (smart city) và Internet vạn vật (Internet of Things).

Cục Tin học hóa cần chủ động và mạnh dạn

Sau khi nghe báo cáo và các kiến nghị của Cục Tin học hóa, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trao đổi về các kiến nghị của Cục. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng trao đổi các vấn đề liên quan tới kiến nghị của Cục Tin học hóa với tư cách là Thứ trưởng phụ trách.

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Nghị định 102 trong thời gian vừa qua chưa đáp ứng hết được yêu cầu, đặc biệt là khi ban hành các Luật mới thì càng lộ rõ bất cập. Do đó, từ cách đây hơn 1 năm, Bộ đã dự thảo Nghị định mới thay cho Nghị định 102 nhưng tới nay vẫn chưa thấy Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ban hành. Do đó, Thứ trưởng Hưng cho biết sẽ tích cực làm việc với Văn phòng Chính phủ để thúc đẩy việc này.

Trong chỉ đạo sau đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng khẳng định, Cục Tin học hóa cũng như các đơn vị khác của Bộ cần phải tập trung nguồn lực, bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan (đặc biệt là Văn phòng Chính phủ) để kịp thời hoàn thiện, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xây dựng chính sách.

Về vấn đề thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Hưng cũng yêu cầu Cục Tin học hóa có văn bản gửi Bộ báo cáo về kết quả ứng dụng CNTT trong giai đoạn trước cũng như tình hình giai đoạn 2016-2020, từ đó đề nghị Chính phủ đưa khoản chi cho ứng dụng CNTT và chi ngân sách.

Về kiến nghị sửa đổi Thông tư 30, Thứ trưởng Hưng cho rằng, vấn đề là phải triển khai được quy chuẩn 102. Do vậy, thứ trưởng cho rằng không cần thiết phải sửa Thông tư 30. Thứ trưởng cũng yêu cầu 2 Cục là Cục Tin học hóa và Cục Viễn thông làm việc với nhau để thống nhất.

Về kiến nghị đề án chia sẻ dữ liệu, Thứ trưởng Hưng cho biết, ông chưa rõ đề án mà Cục Tin học hóa muốn xây dựng cụ thể như thế nào, nhưng trong vấn đề này, nhiệm vụ của Bộ là phải hướng dẫn để đưa ra quy định, quy chuẩn để các cơ quan, bộ ban ngành theo đó thực hiện việc kết nối các cơ sở dữ liệu với nhau. Do đó, Thứ trưởng Hưng đề nghị các đơn vị liên quan tới IT quan tâm hơn tới vấn đề tiêu chuẩn này.

Về vấn đề đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư ứng dụng CNTT, Thứ trưởng Hưng cho biết, Cục Tin học hóa cần phải mạnh dạn và chủ động hơn trong vấn đề đánh giá. Chẳng hạn, hiện tại các sở đang yêu cầu Bộ đề xuất mô hình Chính phủ điện tử chuẩn để áp dụng. Do đó, một việc rất cần thiết hiện nay là đánh giá các mô hình đang được áp dụng tại một số tỉnh thì Cục Tin học hóa nên chủ động thực hiện.

Về vấn đề nghiên cứu đô thị thông minh và Internet vạn vật, Thứ trưởng Hưng cho rằng, trách trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải đi tắt đón đầu. Khi áp dụng công nghệ mới như Internet of Things thì vấn đề công nghệ không khó mà quan trọng hơn là phải lo vấn đề pháp lý để “đón đầu”. Thứ trưởng Hưng cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ phối hợp với Viện Chiến lược để làm công tác “đón đầu” chính sách này.

Theo VietNamnet.vn

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị