Chia sẻ trong buổi gặp gỡ hội viên đầu xuân 2016 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Nguyễn Đình Nam cho hay: “Hiện nay có nhiều công ty đầu tư phát triển phần mềm nhưng lại bán dưới dạng phần cứng, hay còn gọi là ‘cứng hóa phần mềm’. Đây chính là xu hướng Internet of Things (IoT – Internet vạn vật), nơi phần mềm và phần cứng thống nhất và kết hợp làm một. Ngành điện tử Việt Nam cần chú trọng đi theo xu hướng này khi mà phần mềm thuần túy chưa phải thế mạnh, vẫn bán được nhưng việc giành giật thị trường với Ấn Độ, Đông Âu… rất khó khăn”.
Theo CEO của VP9, tương lai của ngành điện tử nằm ở những thiết bị điện tử thông minh có kết nối Internet. IoT là một xu hướng lớn với doanh thu dự kiến đạt 7.100 tỷ USD vào năm 2020, so với 1.900 tỷ USD năm 2013. Ở thị trường IoT, các chuyên môn công nghệ thông tin (phần mềm) và điện tử viễn thông (phần cứng) được pha trộn vào nhau để tạo nên sản phẩm thương mại. Về mặt thương mại, những sản phẩm đó được xếp vào ngành điện tử, nhưng hàm lượng công nghệ thông tin rất cao.
Các kỹ sư phần mềm nên tìm kiếm những giải pháp đi kèm phần cứng, phù hợp xu hướng IoT, thay vì phát triển phần mềm thuần túy. |
Những sản phẩm phần cứng mà phần mềm đóng vai trò chủ đạo này có thể kể đến giải pháp đèn thông minh giúp người dùng điều chỉnh màu sắc và độ sáng từ điện thoại, máy pha cafe được điều khiển qua kết nối Wi-Fi, tủ lạnh tự động mở cửa khi có người tiến đến gần, ổ khóa thông minh… Google là một công ty về dịch vụ Internet nhưng lại tiên phong trong việc phát triển xe hơi không người lái – chiếc xe hơi tự hành nhờ phần mềm, kết nối với smartphone và smartwatch của chủ nhân.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, cho biết VINASA luôn muốn tạo điều kiện cho các startup (công ty khởi nghiệp) có ý tưởng mới, sản phẩm mới để thành công ở quy mô lớn toàn cầu. Trước đó, trao đổi với giới truyền thông, ông Bình cũng nhấn mạnh IoT là xu thế công nghệ đầy tiềm năng và không thể đảo ngược. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các công ty làm về IoT, đặc biệt là cung cấp phần cứng. Đây là “cuộc chơi chung” của toàn cầu và những công ty đứng ngoài xu hướng sẽ khó có thể tồn tại.
Theo phân tích của Gartner, trong năm 2016 thế giới sẽ có 6,4 tỷ thiết bị kết nối Internet và đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 21 tỷ.
Theo VnExpress