Trương Đình Anh, cựu Tổng giám đốc FPT từ tháng 3/2011 đến tháng 9/2012, từng suýt nghỉ việc ở công ty này năm 1997, sau 4 năm làm việc, vì cảm thấy không còn gì để làm.
Ngày 23/7, trên trang cá nhân của một người bạn, một nhân viên cũ (hiện giữ chức Chủ tịch một công ty thuộc FPT, nguyên là Phó tướng của cựu CEO FPT) xuất hiện lời chia tay tới ông Trương Đình Anh khi cả gia đình ông sang Mỹ sinh sống, cùng câu ví von: “Cá kình phải bơi ra biển lớn”.
Trong cuốn sách “FOX tự hào có anh” mà các đồng nghiệp dành tặng Trường Đình Anh đã tiết lộ những câu chuyện hậu trường trong quá trình khởi nghiệp đầy khó khăn cho đến lúc trở thành Tổng Giám đốc FPT tháng 3/2011. ICTnews xin trích dẫn những câu chuyện trong cuốn sách này để bạn đọc có thể hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Trương Đình Anh.
Người đầu tiên gặp ở FPT chính là anh Bùi Quang Ngọc
Lúc đó tôi là nhân viên Trung tâm Máy tính – Ngân hàng Công thương VN – một trong các khách hàng rất quan trọng của FPT hồi bấy giờ. Anh Bùi Quang Ngọc (NgọcBQ) cũng không khác nay là mấy, quần áo khi đó xộc xệch hơn và anh xách một cái cặp diplomát cũ mà sau này các đội FPT Service hay mang theo để đựng đồ nghề sửa chữa máy tính. Anh NgọcBQ được giới thiệu là giáo sư máy tính hàng đầu, thầy dạy của hàng đống nhân tài FPT và nhiều công ty khác. Vài tháng sau, tôi được mời đi dự Đại lễ hội FPT 5 năm –13/9/1993 tổ chức ở Hồ Tây, một tháng sau tôi trở thành nhân viên của anh NgọcBQ. Lúc đầu anh NgọcBQ không dám nhận tôi vì sợ làm mếch lòng khách hàng lớn, sau rồi, thấy tôi lập trình tít, anh nhận tôi để đi làm dự án cho chính Ngân hàng Công thương.Tôi nhập vào đội ISC ở Giảng võ – ăn cơm Hòa (chị Hòa –FAD – FPT) nấu và thi thoảng làm cửu vạn bốc vác máy tính cho các anh kinh doanh ISC. Tôi đã không nhầm, anh NgọcBQ quả là ông sếp hào phóng nhất trong cuộc đời làm nhân viên của tôi, tết năm ấy, anh gọi tôi đến văn phòng, đưa cho tôi phong bì tiền thưởng dày mà những năm tiếp theo, mặc dù tự thấy mình đóng góp nhiều hơn cho công ty nhưng chưa bao giờ tôi đếm được nhiều hơn phần nửa năm ấy.Sau này tôi mới biết, đó là năm cuối cùng của Trung tâm Dịch vụ Tin học ISC – cái nôi của hầu hết các giám đốc FPT ngày nay, còn tôi được maymắn tham gia vào sự kiện thanh lý tài sản “Liên Xô”.
Một năm sau nữa, tôi cùng năm đồng sự phát triển Trí Tuệ Việt Nam thành mạng thông tin có nhiều người dùng nhất ở Việt Nam. Ngày 31/01/1997, chúng tôi, bốn người, trở thành những nhân viên đầu tiên của FPT Online Exchange – FOX (tiền thâncủa FPT Telecom).
FOX (tiền thân của FPT Telecom) ra đời ngày 31/1/1997 với 4 thành viên đầu tiên.
Năm đầu tiên lỗ 50 ngàn USD
Tháng 8 năm 1997, dự đoán Nhà nước sẽ cho phép cung cấp dịch vụ Internet và FPT sẽ được cấp phép, tôi trình Ban tổng giám đốc FPT đề án xin đầu tư thiết bị để cung cấp dịch vụ Internet. Số tiền rất khiêm tốn – khoảng 70 ngàn USD. Sau nhiều vòng thẩm định, anh Bình vẫn không hài lòng với đề án trong khi tôi cảm giác cơ hội đang rất gần.Tôi đi đến quyết định, sẽ rời khỏi FPT để tìm cơ hội mới cho mình. Trong 4 năm làm việc tại FPT, tôi chưa từng nghỉ phép. 8 giờ sáng, tôi nộp đơn xin nghỉ phép gộp 4 tuần, dự định sau khi đi chơi, khi về sẽ chính thức xin nghỉ việc – vì ở đây có còn gì để làm đâu? 9:00 sáng, anh Bình triệu tập tôi lên và đồng ý cho đầu tư số tiền 70 ngàn USD để khởi động việc chuẩn bị cung cấp dịch vụ Internet. Tôi rút lại đơn xin nghỉ phép. Một tháng sau, 9 giờ sáng, ngày 13 tháng 9 năm 1997, , tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Mai Linh – GĐ Trung tâm Tin học Bộ Văn hóa Thông tin,lúc đó đang thụ lý hồ sơ xin giấy phép của chúng tôi – thông báo là Bộ đã ký giấy phép ICP cho FPT, một ngày định mệnh. 17 giờ ngày14 tháng 11 năm 1997, ngày sinh nhật lần thứ 27 của tôi, đang thu dọn giấy tờ để rời văn phòng, tôi nhận được cuộc điện thoại định mệnh thứ hai của anh Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ BCVT khi đó Anh Hồng là chuyên viên Vụ Viễn thông – thông báo Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trựcvừa ký giấy phép ISP cho FPT.
Ngày 20 tháng 11 năm 1997, FOX dọn về văn phòng mới – 75 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Đối với chúng tôi, 75 Trần Hưng Đạo là đất khởi phát và góp phần cực kỳ quan trong đối với sự thành công sau này của FOX. Ngôi nhà quả là một thế giới bao la với khuôn viên 432m2, tôi tự hỏi không biết bao giờ mới dùng hết khi FOX có vẻn vẹn 17 nhân viên. Ngôi nhà ngốn hết một khoản ngân sách khổng lồ khi đó – 2.900 USD/tháng + thuế. Đó là cái giá mà tôi đã vô cùng vất vả thuyết phục cả chủ nhà lẫn Ban lãnh đạo FPT. Trước khủng hoảng kinh tế Châu Á, chủ nhà vẫn nhận 8 – 10 ngàn USD/tháng.Còn FPT, oai như anh Đỗ Cao Bảo (BảoĐC –TGĐ FIS) khi đấy cùng chỉ thường thuê văn phòng giá dưới 2 ngàn USD/tháng. Nhiều người khi đến thăm 75 Trần Hưng Đạo cho rằng chúng tôi sẽ toi sau vài tháng trả tiền thuê nhà, chúng tôi cho rằng chết một cách lịch sự thì cùng là một lựa chọn tốt. Năm 1997, FOX lỗ khoảng 50 ngàn USD.
1 trong 10 thanh niên xuất sắc Việt Nam năm 1998
Tháng 12 năm 1997, FOX bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet. Chúng tôi xin đổi tên thành FPT Internet nhưng vẫn giữ nick-name là FOX. Tháng đầu tiên, chúng tôi thu được 97 triệu đồng hóa đơn tiền cước. Nói là hóa đơn vì thì thực sự chúng tôi đâu đã biết cách thu tiền và quản lý tài chính. Tháng 2 năm 1998, cuối cùng chúng tôi nối được kênh Bắc Nam tốc độ 128 Kbps qua Công ty Viễn thông Điện lực với giá 36 triệu đồng/tháng. FOX HCM bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet trễ hơn VDC khoảng 3 tháng – hậu quả là những khách hàng béo nhất đã dùng dịch vụ của Bưu điện – đúng là trâu chậm uống nước đục. Cái khó bó cái khôn, chúng tôi xuất phát từ cái lỗ năm 1997 nên làm gì cùng chỉ nghĩ đến tiền – chính điều đó đã cản trở những suy nghĩ xa hơn – hay phải có vision – như anh Bình thường nói.
Theo Trương Đình Anh, để đẩy nhanh số lượng khách hàng năm 1998, FOX đã gửi hàng tấn bom thư , rải hàng chục tờ rơi… Kết quả cuối năm 1998, FOX bắt đầu có lãi.
Cả năm 1998, suốt ngày chúng tôi chỉ nghĩ cách đẩy nhanh số lượng khách hàng. Chúng tôi đã gửi hàng tấn bom thư đến khắp các khách hàng dùng email, rải hàng chục ngàn tờ rơi…Đỉnh điểm của đợt khuyến mại là việc chúng tôi tặng modem cho khách hàng – sự kiện gây chấn động thị trường Internet năm 1998 mà báo Sài gòn Tiếp thị chạy tít “Net – lưới nào bắt được nhiều cá?”. Sự năng nổ phát triển Internet đã biến tôi thành một nhân vật được giới truyền thông ưa chuộng. Với sự nổi tiếng này tôi được báo Thanh Niên giới thiệu và được bầu chọn là 1 trong 10 thanh niên Việt Nam xuất sắc năm 1998.Tôi được nhận bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải, bằng khen của Trung ương Đoàn và số tiền thưởng 6 triệu đồng. Cuối năm 1998, FOX kết thúc năm đầu tiên thực sự kinh doanh với doanh thu 540 ngàn USD và quan trọng nhất – chúng tôi có lãi.
Viết về bản thân mình, Trương Đình Anh khẳng định: “Từ nhỏ tôi được gia đình giáo dục tinh thần tự chủ và độc lập suy nghĩ. Ba má tôi coi những người con của mình là người bạn chứ không phải là một sinh vật do mình tuỳ ý nhào nặn. Những quyết định lớn nhất trong đời như học gì, làm gì, đổi việc làm là do tôi quyết định. Ba má cho tôi kinh nghiệm sống chứ không bảo tôi phải làm gì. Tôi luôn được các thầy cô giá đánh giá là sáng dạ nhưng rất cứng đầu. Điều tôi khó chịu nhất là những khuôn phép ngăn cản sự sáng tạo và cá tính của con người.
Theo ICTNews