Thế giới đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên công nghệ mới, nơi các dịch vụ đám mây lên ngôi giúp giảm sự phụ thuộc vào phần cứng.
Một trong những cụm từ nổi tiếng nhất trong giới công nghệ trong gần một thập kỷ qua chính là lời tuyên bố của Steve Jobs về cái gọi là “kỷ nguyên hậu PC”. Huyền thoại Apple đưa ra khái niệm đó vào đầu tháng 6/2010, như lời nhận định về thành công của cuộc cách mạng mà iPad dự kiến mang lại.
Steve Jobs đã tạo ra “kỷ nguyên” của iPhone và iPad.
Cứ thế, cụm từ được biết đến rộng rãi và biểu thị cho quá trình chuyển mình của làng công nghệ, từ máy tính cá nhân sang thiết bị cầm tay như smartphone và tablet. Khi đưa ra lời bình luận, Steve Jobs không có ý nói PC sẽ biến mất (dù nhiều người vẫn diễn đạt theo cách đó), nhưng ám chỉ chúng đơn giản sẽ chuyển hẳn sang vai trò chuyên biệt, giống như xe tải đã làm trong ngành giao thông vận tải. Dùng cách lập luận tương tự, chúng ta có thể dự đoán thế giới đang bước vào kỷ nguyên “hậu tablet” và thậm chí là “hậu smartphone”.
Thế giới đang bước vào thời kỳ “hậu phần cứng”
Nhận định của Steve Jobs không phải là thiếu cơ sở bởi thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường PC bắt đầu chậm lại và được sự đoán sẽ giảm sút. Trên thực tế, điều này đã trở thành hiện thực khi toàn ngành máy tính đạt đỉnh tăng trưởng trong quý IV năm 2011, từ đó bắt đầu đà giảm cho tới bây giờ.
Điều tương tự cũng đã xảy ra với máy tính bảng. Trong khi một số người ngây thơ dự đoán tablet sẽ thay thế máy tính cá nhân, thiết bị này chưa bao giờ đạt được mức độ phổ biến như người anh em của mình. Với những gì đã có, rất ít cơ sở để máy tính bảng trở thành phương tiện đa dụng như những kỳ vọng trước đó. Ngược lại, thị trường tablet đã chạm đỉnh trong quý IV năm 2013, rồi từ từ giảm dần.
Giờ đây, chúng ta có thể dự đoán hiện tượng tương tự xảy ra đối với thị trường điện thoại thông minh. Vẫn còn quá sớm để đưa ra lời tuyên bố chắc chắn, nhưng cần ít nhất 12-18 tháng nữa để biết liệu doanh số “khủng” của smartphone có đạt đỉnh vào quý IV năm 2015 hay không.
Những con số biết nói phần nào củng cố thêm nhận định kể trên. Tổng các lô hàng điện thoại thông minh trên toàn thế giới thấp hơn dự kiến ban đầu, trong khi mọi bản kế hoạch kinh doanh phản ảnh tương lai ảm đạm, từ các nhà sản xuất linh kiện, thiết bị cho đến những tên tuổi lớn.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa smartphone sẽ sụt giảm thê thảm. Bởi tại nhiều nơi trên thế giới, thiết bị này trở thành công cụ hữu hiệu, hội tụ đủ tính năng cơ bản của máy tính cá nhân và tablet, phục vụ nhóm đối tượng nhất định. Nhưng dù thu hút nhiều nền tảng khác nhau và đa dạng tính năng nhờ kho ứng dụng khổng lồ, smartphone vẫn không thể trở thành thiết bị cá nhân hoàn hảo, đảm trách mọi công việc.
Đáng nói hơn, nó chưa tìm thấy người thừa kế tiềm năng. Có một vài thiết bị mới xuất hiện, nhưng tất cả đều không hội tụ đầy đủ yếu tố (hoặc chí ít đạt doanh số hàng triệu thiết bị mỗi năm) giống như PC, tablet và smartphone từng sở hữu để lấn át người tiền nhiệm.
Liệu thiết bị đeo thông minh có tạo dựng kỷ nguyên riêng của mình? Hay đó là thời kỳ của thực tế ảo (VR) và thực tại ảo tăng cường (AR)? Chúng đều rất hấp dẫn nhưng khó tạo được cuộc cách mạng thực sự, chí ít là trong thời gian ngắn sắp tới. Thậm chí IoT, nơi thế giới kết nối thông minh, từ các vật dụng trong nhà cho đến xe tự hành, đều chưa thể đạt tầm vóc như “kỷ nguyên Steve Jobs” đã từng làm.
Thay vào đó, tương lai công nghệ có thể là tập hợp các nền tảng và dịch vụ độc lập. Cụ thể, tương tác dựa trên giọng nói, được thúc đẩy bởi hệ thống máy chủ điện toán đám mây vận hành nhờ thuật toán thông minh có khả năng học sâu.
Đây là mô hình điện toán không dựa vào các nguồn lực truyền thống từng vận hành. Dựa vào đó, việc truy cập dịch vụ trở nên dễ dàng nhờ tương tác giọng nói đơn giản trên thiết bị, chỉ bằng bộ thu nhận và phát âm thanh, đi kèm kết nối không dây.
Rõ ràng, không phải bất kỳ những gì người dùng muốn trên thiết bị thông minh đều có thể thực hiện trên mô hình mới, nhưng khả năng truyền tải thông tin và các tác vụ đơn giản dựa vào giọng nói là điều khả thi, qua đó tạo ra kỷ nguyên mới ít phụ thuộc vào nền tảng phần cứng hơn.
Những tác động của sự thay đổi là vô cùng sâu sắc. Kỷ nguyên hậu smartphone sẽ trở thành cơn ác mộng cho Apple. Công ty luôn cố gắng tạo ra các thiết bị tốt nhất, hoàn thiện từ thiết kế cho đến tính năng, nhưng chẳng còn nhiều ý nghĩa khi khách hàng không quan tâm tới yếu tố phần cứng.
Những nhà sản xuất phần cứng khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự, thậm chí còn thê thảm hơn. Họ đang gồng mình để tồn tại từ việc tạo ra những mẫu thiết bị mới. Tập trung vào dịch vụ sẽ cho cơ hội tồn tại và thành công, dù đó là tự sáng tạo, mua lại hoặc hợp tác với các bên.
Kỷ nguyên điện toán đám mây không đồng nghĩa đặt dấu chấm hết đối với thiết bị truyền thống. Chúng vẫn rất cần thiết để các dịch vụ hoạt động. Tuy nhiên, phần cứng sẽ đóng vai trò thứ yếu để nhường chỗ cho phần mềm. Bước chuyển tiếp này tất nhiên sẽ tạo ra nhiều thách thức bất ngờ, nhưng đồng thời cũng mang lại rất nhiều cơ hội cho những ai biết nắm bắt.
Theo Genk.vn