Diễn đàn Kinh tế số hoá sẽ bàn về câu chuyện của Uber, Grab, Facebook…

- in Tổng Hợp

Diễn đàn Kinh tế số hóa (Vietnam Digital Economy Forum) sẽ bàn về nhiều vấn đề nổi trội trong nền kinh tế số, với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng thế giới và Việt Nam.

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông (Facebook, Tencent), giải trí (Netflix, Pinterest), giáo dục đào tạo (Coursera, KHAN Academy) đến giao thông vận tải (Uber, Didi Chungxing), khách sạn (Airbnb), phân phối, bán buôn và bán lẻ (Amazon, Alibaba)…

Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tư nhân giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống như hạ tầng tin học (AWS, Google Cloud), sản xuất xe ôtô (Tesla), hàng không vũ trụ (SpaceX), giao dịch tài chính (Lending Club, TransferWise, Bitcoin)… Các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Việt Nam, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải hay Facebook, Viber trong lĩnh vực thông tin truyền thông đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn với mô hình doanh nghiệp truyền thống.

dien-dan-kinh-te-so-hoa-se-ban-ve-cau-chuyen-cua-uber-grab-facebook

Các vấn đề nêu trên không chỉ là áp lực, thách thức hoặc là cơ hội phát triển cho riêng doanh nghiệp hay một ngành nghề nào tại Việt Nam mà trên hết, đây là bài toán lớn với Chính phủ Việt Nam, là giai đoạn then chốt mà Chính phủ cần có những quyết sách vĩ mô cũng như vi mô để bắt kịp CMCN 4.0 thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị cả về chiến lược cũng như mạnh dạn dấn bước cho một sự chuyển đổi số cấp độ quốc gia.

Trong bối cảnh đó, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xây dựng chuỗi Diễn đàn Kinh tế số hóa hàng năm VDEF (Vietnam Digital Economy Forum) vì một Việt Nam, một khu vực Đông Nam Á và thế giới phát triển mạnh mẽ về tri thức và công nghệ, thông qua việc kết nối các chuyên gia hàng đầu quốc tế, lực lượng trí thức Việt Nam toàn cầu, các tập đoàn, các nhà làm chính sách uy tín trên thế giới.

Diễn đàn Kinh tế Số hóa VDEF 2017, mở màn cho chuỗi diễn đàn, hướng đến ba mục đích chính: Chia sẻ tầm nhìn chiến lược & kinh nghiệm thực tiễn về nền kinh tế số ở những quốc gia đi tiên phong cũng như xu hướng dịch chuyển tất yếu trong nền kinh tế số bởi những chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực; Đánh giá thực trạng, thách thức và cơ hội của Việt Nam; Thảo luận giữa các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp để đưa ra những kiến nghị cụ thể giúp Việt Nam định hướng và triển khai các quyết định chiến lược.

Diễn ra trong hai ngày 23-24 tháng 10 tại Tp. Hồ Chí Minh, VDEF 2017 có sự tham gia của những chuyên gia nổi tiếng thế giới và Việt Nam như Arun Sundararajan (Giáo sư tại Đại học New York, người khởi xướng Kinh tế chia sẻ đang lan tỏa mạnh mẽ ở mọi quốc gia có xu hướng số hóa), Sophie Pène (Phó chủ tịch Hội đồng quốc gia về số hóa của Chính phủ Pháp), Aymeril Hoang (Giám đốc Đổi mới sáng tạo của tập đoàn tài chính quốc tế Société Générale, 150.000 nhân viên trên toàn thế giới), Bertrand Hassini (Trưởng Ban Khoa học dữ liệu của tập đoàn tư vấn toàn cầu Capgemini, 190.000 nhân viên tại hơn 30 quốc gia), Trương Gia Bình (chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, Chủ tịch Vinasa), Nguyễn Đức Khương (phó giám đốc phụ trách nghiên cứu và hợp tác quốc tế Ipag, Paris), Nguyễn Tuấn Anh (chủ tịch Grab Việt Nam).

Nguồn ictnews.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với