Telia, Orange và Verizon thuộc nhóm các doanh nghiệp viễn thông lớn đang tìm kiếm sự thay đổi khi tên của họ được đăng tải trong các bản tin nổi bật tuần qua và đều có một điểm chung là cố gắng thoát ra khỏi sự ràng buộc trong môi trường kinh doanh cũ để đi tìm một tương lai mới trong thế giới số hóa. |
Tại hội nghị thường niên hằng năm vào tuần qua, các cổ đông của công ty Telia đã bỏ phiếu thông qua việc đổi tên doanh nghiệp và công ty đã đưa ra một nhận diện thương hiệu mới để bỏ lại phía sau những liên quan đối với quá khứ. TeliaSonera là tên được sử dụng từ năm 2002 sau khi hợp nhất hai doanh nghiệp viễn thông Telia của Thụy Điển và Sonera của Phần Lan; cả hai vẫn tiếp tục sử dụng tên của mình cho các hoạt động ở thị trường ở từng nước. Với thương hiệu mới, Telia, công ty muốn nhấn mạnh chiến lược của tập đoàn là “mục đích, văn hóa và giá trị chung”. Telia là một trong số ngày càng tăng của các doanh nghiệp viễn thông lớn thay đổi nhận diện thương hiệu trong những năm gần đây trong một nỗ lực thoát khỏi hình ảnh của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại đang dần lạc hậu sang tập trung cung cấp dịch vụ số hóa như TV, nội dung và Internet cho vạn vật (IoT). Orange còn thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Tập đoàn viễn thông của Pháp đã thay đổi nhận diện thương hiệu từ nhiều năm nay, cho dù trong kế hoạch đến năm 2020 của hãng này còn có một số điểm phản ánh trực quan hơn về tập trung vào các dịch cụ số hóa mới như đặt mục tiêu tạo ra thêm một tỷ Euro doanh số từ dịch vụ mới vào năm 2018, bao gồm 400 triệu Euro từ các dịch vụ tài chính. Vào hôm thứ năm vừa qua (ngày 22-4), Orange đã đi một bước quan trọng để đạt mục tiêu này khi mua lại 65% cổ phần của ngân hàng Pháp Groupama Banque để trở thành sáng lập của ngân hàng Orange Bank được bắt đầu chính thức hoạt động vào đầu năm tới. Ngân hàng Orange Bank cũng sẽ cung cấp dịch vụ riêng cho di động bên cạnh các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Sau khi cung cấp dịch vụ ở Pháp, Orange đang có kế hoạch cung cấp các dịch vụ này ở thị trường Tây Ban Nha và Bỉ. Cùng thời gian, Orange cũng đang có quá trình thực hiện tham vọng mở rộng ra ngoài phạm vi châu Âu khi kết thúc việc mua lại mạng di động Tigo của tập đoàn Millicon ở Công-gô để tăng gấp hai số lượng khách hàng ở nước này. Thông báo này đến sau hai tuần khi Orange bước vào thị trường thứ 20 ở khu vực Trung Đông và châu Phi thông qua việc mua lại mạng di động Cellcom ở Liberia. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Verizon đang được xem là nhà mạng dẫn đầu về sự đổi mới đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh số hóa. Theo một số báo cáo được nhiều hãng thông tấn đăng tải thì Verizon đang dẫn đầu cuộc đua để mua lại mảng kinh doanh Internet của Yahoo để bổ sung vào mảng kinh doanh cốt lõi của công ty trong một danh mục kinh doanh đang được mở rộng là tin tức trực tuyến, giải trí, blog và quảng cáo số. Verizon cũng đã bổ sung vào danh mục nội dung khi vào hôm 18-4, hãng này đã mua lại trang thông tin văn hóa nhạc pop Complex thông qua liên doanh 50:50 với Hearst. Và trong thông báo về kết quả kinh doanh quý I năm 2016, Verizon cho biết về tăng trưởng trong doanh số đến từ lĩnh vực IoT khi bổ sung thêm 195 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên đây là một số ví dụ hữu ích khi nhìn về thị trường viễn thông đang chuyển mình, nơi mà các doanh nghiệp viễn thông lớn đang làm một số thứ khác biệt, nhưng nhiều hơn là không còn bị hạn chế bởi phạm vi kinh doanh cũ. Điều này cũng giải thích tại sao Giải thưởng truyền thông toàn cầu (World Communication Awards) năm nay lại bổ sung thêm giải thưởng mới dành cho doanh nghiệp viễn thông tìm kiếm chuyển đổi trong kinh doanh để cho phép họ cạnh tranh tốt hơn trong kỷ nguyên số hóa mới. |
Theo Nhandan.com.vn