Theo nhận định của lãnh đạo một số công ty tên tuổi lớn tại Việt Nam, Internet of things (IoT) không còn là xu hướng, mà đã hiện diện ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng IoT đã phát triển nhanh ngoài dự đoán của các chuyên gia trong ngành với những câu chuyện, những ứng dụng rất cụ thể. Ví dụ như với những người nuôi tôm, sẽ có những tính toán cụ thể để đo độ oxy, tính toán lượng thức ăn tự động… từ đó giúp tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản lượng như mong muốn. Internet of things có thể chỉ là một ứng dụng đơn giản nhưng có tác dụng rất lớn như giúp một gia đình tiết kiệm điện những lúc không cần thiết, hay bảo vệ an ninh, theo dõi sức khỏe…
Ông Nguyễn Trung Chính
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trung Chính – Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC nhận định Internet of things không còn là xu thế, nó đang xảy ra và phát triển mạnh mẽ: “Tôi nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi, ví như một người bạn tôi nuôi cá Koi, dù ở xa anh ấy vẫn có thể cho cá ăn nhờ Internet, nuôi tôm cũng vậy. IoT đã đi rất sâu vào trong đời sống xã hội, ví dụ như bây giờ ngành ngân hàng không cung cấp các dịch vụ, tiện ích qua Internet, ngân hàng đó sẽ không thể cạnh tranh được”.
Nắm bắt được xu thế này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sớm tham gia vào thị trường cung cấp thiết bị. Tham gia buổi tọa đàm do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức, đại diện Bkav nhận định: “Internet of things là tất yếu. Theo dự đoán của Gartner, năm 2016 có khoảng 6,4 tỷ thiết bị kết nối, năm 2020 con dự kiến có khoảng 20 – 21 tỷ thiết bị kết nối Internet, đây là một thị trường rất lớn”.
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav.
Từ năm 2004, Bkav đã tham gia vào việc phát triển thiết bị kết nối Internet of things, cụ thể là smarthome. Từ các thiết bị điện, thiết bị giải trí, hệ thống an ninh đã được kết nối Internet và có thể điều khiển từ xa. Ở khía cạnh nhà sản xuất, Bkav đã có giải pháp hoàn chỉnh về thiết bị, phần mềm, tuy nhiên thị trường còn dè dặt.
Theo một con số thống kê, người dùng Việt Nam dành trung bình mỗi ngày 5,5 giờ đồng hồ online trên Internet, trong khi con số này ở châu Á là 1,5 giờ. Đây thực sự là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tung ra những ứng dụng trên Internet.
Đã có những ứng dụng như Uber, Grab taxi khiến cho taxi truyền thống “điêu đứng”. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, Internet of things có thể tạo ra những cơ hội rất lớn cho các cá nhân có sự sáng tạo nhưng sẽ là mối đe dọa không nhỏ với các doanh nghiệp lớn nếu không sẵn sàng tham gia cuộc chơi.
Cùng chung nhận định IoT đã hiện diện rất rõ nét trong nhiều lĩnh vực, nhiều ứng dụng tại Việt Nam nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực cho rằng, chúng ta chưa tận dụng hết sức mạnh của công nghệ, trong đó có Internet of things. Nguyên nhân là do tâm lý trông chờ đầu tư và cả sự áp đặt đang làm giảm sự sáng tạo của giới trẻ Việt Nam, của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
IoT là cơ hội rất lớn nhưng ác doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng cần chuẩn bị đối mặt với sự cạnh tranh từ các tập đoàn nước ngoài, khi thị trường đã không còn giới hạn và khi Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn để cung cấp các dịch vụ kết nối.