Khởi động chương trình robot hóa nông nghiệp tại Nga

- in Tổng Hợp

Chương trình robot hóa nông nghiệp được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả trong nông nghiệp nhờ sử dụng các hệ thống robot hóa và công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Nhóm công ty chế tạo hệ thống trí tuệ nhân tạo cho các phương tiện vận tải không người lái Cognitive Technologies và trường Đại học liên bang Ural (LB Nga) vừa khởi động chương trình quốc tế robot hóa nông nghiệp mang tên “Ural Cognitive Agro”.

Thỏa thuận song phương được ký kết trong khuôn khổ diễn đàn công nghiệp quốc tế “Inoprom-2017” ngày 10/7.

Chương trình “Ural Cognitive Agro” được xây dựng cho đến năm 2022, chính thức khởi động trong các tháng tới tại Nga, Brazil và Argentina. Tổng đầu tư cho chương trình trong vòng ba năm tới đạt khoảng ba tỷ ruble (rúp) lấy từ nguồn tài chính trong nước (khoảng 800 triệu ruble) và từ các nhà đầu tư.

“Ural Cognitive Agro” được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả trong nông nghiệp nhờ sử dụng các hệ thống robot hóa và công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Trong khuôn khổ chương trình sẽ tiến hành xây dựng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, các giải pháp phần cứng trong các ứng dụng robot hóa nông nghiệp (cảm biến, máy tính), xây dựng các hệ thống robot hóa trên mặt đất và trên không.

Hơn 200 chuyên gia trình độ cao sẽ được đào tạo ở các chuyên ngành trí tuệ nhân tạo quan trọng nhất và kỹ thuật robot phục vụ cho ứng dụng nông nghiệp thông minh.

Chủ tịch Cognitive Technologies, Olga Uskova, cho biết một đội chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu của Nga và nước ngoài, cũng như các công ty công nghiệp lớn chuyên về nông nghiệp thông minh sẽ được tập hợp để triển khai chương trình trên.

Các doanh nghiệp nông nghiệp Ural cũng tham gia chương trình, cung cấp mặt bằng để tiến hành các thử nghiệm kỹ thuật không người điều khiển.

Theo dự tính của các tác giả, chương trình Ural Cognitive Agro sẽ đem lại hiệu quả kinh tế ít nhất 20-30 tỷ ruble.

Các chuyên gia phân tích quốc tế của công ty Cognitive Technologies tính toán rằng việc sử dụng kỹ thuật robot hóa trong nông nghiệp sẽ giúp tăng trung bình 50-70% hiệu quả, giảm thất thoát nhiên liệu, chất đốt, lượng nước, điện, tăng chất lượng thu hoạch và tối ưu hóa được các quá trình lao động chính, tăng năng suất thu hoạch thêm 1,5-2 lần, giảm giá gieo trồng đến 80%.

Theo số liệu của công ty tư vấn J’son & Partners Consulting, năng suất lao động trong nông nghiệp của Nga hiện đang thấp hơn của Đức ba lần. Năng suất thu hoạch cũng thấp hơn Đức và Mỹ từ 2,5 lần đến ba lần. Nông nghiệp thông minh được kỳ vọng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này.

Các chuyên gia của chương trình Ural Cognitive Agro cho rằng khi chương trình được thực hiện thì khoảng cách giữa Nga với các nước hàng đầu thế giới về năng suất lao động và năng suất thu hoạch hầu như sẽ được xóa bỏ.

Ngoài ra, Nga có thể vươn lên vị trí thứ tư thế giới về tổng lượng sản xuất ngũ cốc. Hiện Nga đang đứng thứ sáu sau Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Brazil và Ấn Độ./.

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với