Tối 13-7, trạm quan trắc và cảnh báo ngập trên cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đã được lắp đặt.
Trạm quan trắc do trung tâm GIS (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) và một đối tác phối hợp lắp đặt có camera, đèn cảnh báo ngập, cảm biến đo ngập, hộp chứa dữ liệu và tấm pin năng lượng mặt trời.
Với mức ngập 20cm, đèn cảnh báo ở đây sẽ báo đỏ liên tục, dữ liệu được truyền về máy chủ và người dân sử dụng ứng dụng có tên canhbaongap sẽ biết được tình trạng ở đây, hệ thống cũng hướng dẫn người dân hướng đi tránh chỗ đang ngập. Đèn tín hiệu sẽ ngưng hoạt động khi nước rút xuống. Một tuyến đường có thể lắp đặt 2 trạm để theo dõi tình trạng ngập.
Đây là một trong các thiết kế của dự án thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập tại TPHCM của tác giả Bùi Hữu Phú (Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Nam Long).
Giải pháp vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS 2018 của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM . Ông Bùi Hữu Phú cho biết, đây là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu phát triển hệ thống IoT (internet of things) tiên tiến và thông minh thực hiện quan trắc, giám sát và cảnh báo ngập hoàn toàn tự động.
Hệ thống đo có độ chính xác cao (sai số thấp 0,5cm) và hoạt động ổn định. Hệ thống thống cũng tự động giám sát tình trạng hoạt động của các trạm quan trắc và tất cả thiết bị ngoại vi. Tự động cảnh báo và khắc phục lỗi thiết bị. Với giải pháp này, các thông tin về ngập sẽ được cung cấp kịp thời đến các đơn vị quản lý và người tham gia giao thông ở TP.HCM.
Nhận thấy tính ứng dụng thực tiễn cao của giải pháp trong việc giải quyết tình trạng ngập hiện nay ở TP.HCM, Sở KH-CN đã tham mưu cho UBND TP.HCM đồng ý cho công ty Nam Long triển khai thí điểm đầu tiên ở cầu Nguyễn Hữu Cảnh . Ông Phạm Quốc Phương – giám đốc trung tâm GIS (Sở KH và CN) cho biết, sau thời gian thực hiện, nếu thấy hoạt động tốt sẽ cho ứng dụng vào các điểm ngập khác của thành phố.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn công năm 2002, là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm TP, là con đường thường xuyên ngập và được xem là “rốn ngập ” của TP.HCM.
Nguồn cafef.vn