Để các tập đoàn công nghệ toàn cầu có sức mạnh như ngày nay rất nhiều tiền bạc cũng như công sức đã được đổ vào các trung tâm dữ liệu.
Đây là điều mà Scott Noteboom hiểu rõ hơn ai hết.
Từ năm 2005 tới 2011, Noteboom phụ trách các hoạt động của trung tâm dữ liệu Yahoo, giúp họ tăng quy mô từ 22.000 máy chủ trên toàn cầu lên 350.000. Sau đó, Noteboom tới Apple giúp hãng này xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu cần thiết cho các dịch vụ ngày càng yêu cầu nhiều năng lượng như Siri và iCloud.
Năm 2013, Noteboom rời Apple để thành lập công ty riêng của ông có tên LitBit. Mới đây, LitBit vừa huy động được khoản vốn lên tới 7 triệu USD từ các nhà đầu tư như Storm Ventures, Illuminate Ventures, Correlation Ventures, và Yang’s AME Cloud Ventures.
Bên cạnh việc chia sẻ thông tin về khoản vốn mới huy động được, Noteboom cũng đã sẵn sàng chia sẻ những gì LitBit đang nghiên cứu sau gần ba năm hoạt động bí mật. Nói ngắn gọn, tại LitBit, Noteboom sẽ sử dụng những gì ông học được sau nhiều năm làm việc tại Yahoo và Apple để giúp đỡ các doanh nghiệp lớn quản lý tất cả các thiết bị và máy móc thông minh của họ.
Tại sao NoteBoom giữ kín mọi thứ về LitBit? Ông nói rằng văn hóa của Apple đã ảnh hưởng tới ông.
“Khi bạn làm việc tại Apple, một số thứ sẽ ăn sâu vào bạn”, Noteboom nói. “Nếu bạn đã dành hai năm làm việc với một dự án, bạn chỉ nói về nó khi nó đã sẵn sàng”.
Cũ và mới
Khi bạn làm việc tại một trung tâm dữ liệu điều đầu tiên bạn nhận ra đó là Nest của Alphabet (Google) không hề phát minh ra các thiết bị tự điều chỉnh nhiệt độ thông minh, Noteboom nói. Từ nhiều năm trước, các trung tâm dữ liệu đã có rất nhiều thiết bị tự động, từ kiểm soát nhiệt độ tới bảo mật và ánh sáng nhằm tối đa hóa hiệu quả.
Những hệ thống này đã trải qua một thời kỳ phục hưng trong nhiều năm qua: Sự xuất hiện của vi xử lý máy tính giá rẻ và dịch vụ điện toán đám mây giá rẻ cho xử lý dữ liệu, cộng với smartphone có thể kết nối từ xa với chúng, đã tạo ra một phong trào chậm nhưng ổn định theo hướng làm cho tất cả mọi thứ, mọi lĩnh vực trở nên thông minh hơn.
Trong các ngôi nhà, phong trào này khiến Amazon Echo và camera Canary trở nên nổi bật. Trong doanh nghiệp, nhiều robot hơn xuất hiện trong các nhà máy và nhà kho, nhiều cảm biến có thể theo dõi và phát hiện thời điểm các linh kiện phức tạp của máy móc cần bảo trì và nhiều kết nối hiện đại hơn xuất hiện trên tất cả mọi thứ.
Vấn đề là, theo quan sát của Noteboom, gần như các hệ thống này, cả mới và cũ, không nói cùng một ngôn ngữ. Để kết nối với hệ thống điều hòa không khí thông minh cũ, Noteboom nói, bạn vẫn phải sử dụng modem dial-up cũ. Và chúng không dễ hoặc không rẻ để thay thế.
“Những hệ thống này được thiết kế để không bao giờ thay đổi”, Noteboom nói. “Chúng hoàn toàn bị cô lập với nhau”.
Điều đó khiến bộ phận IT hiện đại trong các tập đoàn khó quản lý hơn do vậy họ phó mặc cho hệ thống tự hoạt động. Rất khó để tạo ra một hệ thống doanh nghiệp vừa dễ sử dụng vừa tích hợp những tính năng như bạn thấy trên Amazon Echo và thiết bị điều chỉnh nhiệt độ Nest.
Gần đây, Google cho rằng một trung tâm dữ liệu không tự động hóa đồng nghĩa với việc duy trì sự hoạt động của máy móc bằng mồ hôi, máu và nước mắt của con người. Và đó từng là cơn đau đầu khủng khiếp nhất của Noteboom khi phụ trách hoạt động tại các trung tâm dữ liệu của Apple và Yahoo.
Nhịp điệu và tâm trạng
Noteboom và nhóm của ông đã xây dựng được là một hệ điều hành có thể kết nối với tất cả các hệ thống thông minh, bất kể chúng được tạo ra khi nào. Hệ điều hành RhythmOS có thể dịch những ngôn ngữ cũ kỹ của hệ thống cổ sang ngôn ngữ giao tiếp hiện đại hơn, phổ quát hơn.
“Internet of Things không phải là một cái gì đó mới mẻ, nó kết hợp những thứ mới với những thứ cũ kỹ và thách thức đặt ra là phải kết hợp chúng lại với nhau”, Noteboom nói.
Giao diện RhythmOS trên iPhone
Bạn có thể sử dụng hoặc xây dựng ứng dụng trên RhythmOS. Đầu tiên, LitBit cung cấp sẵn ba ứng dụng kèm theo RhythmOS gồm Maestro, một hệ thống giúp bạn dễ dàng lập trình tùy chỉnh hệ thống tự động và lịch trình hoạt động cho các thiết bị kết nối; Vitals, ứng dụng giúp bạn tạo các thiết lập và thông báo tùy chỉnh; và cuối cùng là Intellect, được dùng để kiểm tra và phân tích dữ liệu của bạn. Khách hàng của LitBit hoàn toàn có thể tự xây dựng ứng dụng riêng.
Noteboom học được từ Apple, rằng giao diện người dùng quan trọng ngang với các công nghệ cơ bản.
Ngoài việc giúp các thiết bị kết nối hoạt động hiệu quản hơn, Noteboom cho rằng RhythmOS còn giúp những người không biết nhiều về kỹ thuật có thể làm việc với hệ thống này.
Đây là một vấn đề rất quan trọng khi mà tất cả mọi thứ và mọi nơi đều trở nên thông minh hơn. Chẳng sớm thì muộn các nhân viên văn phòng và nhân viên bán hàng sẽ phải tìm cách quản lý các thiết bị thông minh giống như những gì mà các nhân viên điều hành trung tâm dữ liệu đang phải làm ngày nay.
Ngay bây giờ, Noteboom cho biết hầu hết khách hàng của LitBit đều trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu bởi hãng này khởi nguồn từ đó. Nhưng ông cho rằng công ty của ông chẳng sớm thì muộn sẽ có khách hàng từ mọi lĩnh vực.
Noteboom cho rằng sự gia tăng của các hệ thống thông minh có khả năng châm ngòi cho một cuộc cách mạng công nghiệp tổng thể giống như các máy móc, điện giá rẻ và World Wide Web đã làm để tạo ra nền kinh tế mới trong thế kỷ vừa qua.
“Tôi nghĩ rằng tới năm 2020, mọi người sẽ hiểu rằng điều này mang tính cách mạng tương tự như những thứ khác bao gồm cả internet”, Noteboom nói.
Theo Genk.vn/ BI