Những ngôi nhà áp dụng các giải pháp thông minh đang là xu hướng ở các thành phố lớn trên toàn cầu. Nhà thông minh với chi phí phải chăng được dự báo sẽ “bùng nổ” tại Việt Nam trong vài năm tới.
Xuất hiện từ năm 2003-2004, khái niệm nhà thông minh (smarthome) đang ngày càng trở nên phổ biến. Khi xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, con người có xu hướng tự giải phóng mình khỏi những công việc “không tên” như những việc nhà (giặt giũ, dọn dẹp, nấu nướng…). Một thành quả của cuộc cách mạng 4.0 là sự sản sinh của các thiết bị công nghệ có kết nối cao. AI và IoT là những nền tảng quan trọng cho các giải pháp giúp xử lý công việc “không tên” giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho con người. Các giải pháp cho nhà thông minh vì thế ngày càng đa dạng, chẳng hạn như hệ thống đèn, máy lạnh, tivi tự động bật/tắt, rèm tự động, ánh sáng tự điều chỉnh theo cảm xúc của chủ nhà, âm thanh báo động nếu phát hiện người trong nhà gặp nguy hiểm…
Cũng chính vì vậy, nhà thông minh ngày càng được ưa chuộng tại các thành phố lớn. Tại Mỹ, hầu hết những căn nhà mới xây đều sử dụng các thiết bị, giải pháp thông minh đồng bộ để mang lại sự tiện lợi nhất cho chủ nhà. Ở Việt Nam, thị trường nhà thông minh cũng đang phát triển sôi động, nhất là khi sản phẩm ngày càng phong phú với giá thành phải chăng. Việc phát triển các thành phố lớn trên cả nước thành các thành phố sáng tạo, thành phố thông minh sẽ giúp thị trường nhà thông minh ngày càng “bùng nổ” trong thời gian tới. Theo thống kê của Statista, doanh thu từ thị trường nhà thông minh tại Việt Nam vào năm 2019 đạt khoảng 83 triệu USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 437 triệu USD vào năm 2023, tốc độ tăng trưởng dự kiến là 51,7%.
Nhà thông minh, tiết kiệm năng lượng đang trở thành xu thế mới (Ảnh minh họa internet)
Sự phát triển nhà thông minh gắn liền với thế hệ millennials (thế hệ Y, những người sinh trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000). Millennials là nhóm người trẻ có khả năng đón đầu nhanh với công nghệ mới. Sự gia tăng của thế hệ millennials và sự ham hiểu biết về công nghệ của nhóm này là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của nhà thông minh. Họ cũng là nhóm khách hàng tiềm năng của các thiết bị nhà thông minh, căn hộ thông minh. Ngoài ra, nhóm gia đình trẻ, nhóm người cao tuổi cũng sử dụng công nghệ thông minh trên nền tảng IoT để cải thiện cuộc sống, chẳng hạn như bếp thông minh, hệ thống lịch hằng ngày để nhắc lịch uống thuốc hoặc những công việc cần làm.
Sự phát triển của thị trường nhà thông minh giúp kéo giá thành thiết bị giảm xuống. Giờ đây, chỉ khoảng 30-40 triệu đồng, người sử dụng có thể trang bị được một hệ thống nhà thông minh với hệ thống điều khiển ánh sáng, âm thanh, điều hòa nhiệt độ, rèm cửa, tivi, hệ thống an ninh, điều khiển bằng giọng nói… Các giải pháp đồng bộ cũng được các chủ đầu tư tính đến khi xây dựng tòa nhà – khu nhà thông minh, như: sử dụng năng lượng tái tạo như hệ thống điện mặt trời thân thiện với môi trường, thiết kế tiết kiệm điện, nước, hệ thống an toàn, phòng chống cháy nổ… Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp này, ngôi nhà sẽ tiết kiệm năng lượng tối ưu, giảm chi phí vận hành và góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Thị trường nhà thông minh hiện rất sôi động với nhiều công ty danh tiếng cả trong và ngoài nước như Samsung, Apple, Gama, Siemens, Scheinders, Fibaro, BKAV… Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng các giải pháp thông minh vào nhà ở, khu đô thị hay các công ty, kho xưởng, tòa nhà … là một xu hướng tất yếu của tương lai. Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các giải pháp công nghệ nhà thông minh, nhất là trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường cũng đang được Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển để mang lại những giá trị tốt nhất cho người sử dụng.
Nguồn: Tổng hợp