Cơ điện tử và Công nghệ cảm biến, Kỹ thuật và Quản lý sản xuất toàn cầu… là những ngành học tiềm năng trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số. Nó thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những đột phá lớn trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là công nghệ: ứng dụng của kỹ thuật tính toán và mô phỏng trên máy tính, tối ưu hóa quy trình và kỹ thuật trong các nhà máy sản xuất, tận dụng sức mạnh của các hệ thống thông tin quản lý với nguồn dữ liệu lớn…
Mặc dù tạo ra các lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất, cuộc cách mạng này cũng tạo ra những thách thức lớn trong việc phân phối thị trường nhân lực và nhu cầu cải thiện kỹ năng cho nhân lực.
Theo Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch diễn đàn Kinh tế thế giới, 2016: “Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, những dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua”.
Nắm bắt được tầm quan trọng của vấn đề, trường Đại học Việt Đức – VGU tổ chức buổi hội thảo “Doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” vào 8h30, ngày 11/6 tại Belgo, 159 Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP HCM.
Chương trình sẽ giới thiệu đến khách mời các ngành học tiềm năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực trước Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chủ yếu vào bậc sau đại học.
Buổi hội thảo có sự tham dự của đại diện Bosch Rexroth (Công ty toàn cầu về truyền động và điều khiển chính xác, an toàn và tiết kiệm năng lượng), Adidas (Nhà sản xuất dụng cụ và trang phục thể thao hàng đầu thế giới).
Nguồn vnexpress.net