Ở thời buổi vạn vật đều có thể “thông minh” như hiện nay, việc xây dựng một “thành phố thông minh” không còn quá xa vời nhưng cũng đặt ra nhiều nỗi lo về an ninh và quyền riêng tư.
Thành phố thông minh “ngu ngốc” hay “thông minh” cần được đánh giá qua mức độ bảo mật chứ không phải các tiện ích. |
Các tiện ích của một thành phố thông minh có thể chỉ đơn giản là hệ thống WiFi rộng khắp, các kiôt được nối mạng và có màn hình cảm ứng để dân tra cứu thông tin, đặt vé phương tiện công cộng, đến những thứ to tát hơn như hệ thống quản lý giao thông hay cấp nước hoàn toàn tự động.
Tóm lại, như trang tin The Conversation đúc kết: “Bất kỳ tính năng nào sử dụng công nghệ thông tin để làm thành phố hoạt động hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn đều là một phần của thành phố thông minh”.
Tất cả thiết bị, công nghệ được áp dụng đều phải được kết nối, đồng bộ hóa với nhau và liên tục gửi những khối lượng dữ liệu cực lớn theo thời gian thực về trung tâm đầu não để phân tích, giúp nhà quản lý biết cần phải làm gì.
Một chiếc điện thoại thông minh cũng đã có nhiều điểm yếu về bảo mật, vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả một hệ thống khổng lồ, liên quan đến hàng triệu người của một thành phố thông minh cũng dễ bị tấn công như thế?
Phó giáo sư Greg Conti, giám đốc chương trình an ninh mạng Army Cyber Institute tại Học viện Quân sự West Point, cho rằng bởi vì thành phố là “xương sống của sự văn minh và nền kinh tế”, việc nó “ngu ngốc” hay “thông minh” cần được đánh giá qua mức độ bảo mật chứ không phải các tiện ích.
Một trong những mối lo về bảo mật lớn nhất của thành phố thông minh là các thiết bị và cảm biến được sử dụng rất dễ bị tin tặc xâm nhập hoặc gửi thông tin giả. Toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm sẽ tê liệt nếu trung tâm điều hành bị xâm nhập, hay hệ thống cấp nước sẽ không phát đi báo động dù nguồn nước bị ô nhiễm vì cảm biến đã bị can thiệp…
Bởi các thành phần của thành phố đều được kết nối với nhau, tin tặc chỉ cần đánh vào mắt xích yếu và ít được chú trọng nhất là đã đủ để gây ra hiệu ứng domino.
Những hệ quả khủng khiếp của việc hệ thống điều khiển thành phố bị xâm nhập không chỉ có trong phim ảnh, mà đã xảy ra trong thực tế. Tạp chíGovTech ngày 7-6 nhắc lại sự cố năm 2012, khi cả hệ thống tàu điện ngầm ở San Francisco tê liệt vì một lỗi phần mềm khiến nhiều hành khách bị kẹt dưới lòng đất.
Năm 2006, trong một cuộc đình công, hai kỹ sư giao thông Los Angeles bị cáo buộc xâm nhập hệ thống đèn giao thông thông minh của thành phố và khiến kẹt xe xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày. GovTech cũng nêu ra một loạt thử thách cho thành phố thông minh: khi quá trình “thông minh hóa” diễn ra không đồng bộ sẽ có những “điểm mù” trong thành phố, khiến các nhà quản lý có thể bỏ sót một vấn đề nào đó.
Thành phố cũng phải gánh thêm chi phí vì vẫn phải duy trì các hệ thống “không thông minh” chạy song song, phòng khi hệ thống đã số hóa gặp trục trặc. Việc vận hành thành phố hoàn toàn dựa trên các dữ liệu gửi về từ cảm biến và được máy móc phân tích xử lý, tin tưởng 100% vào máy móc không phải lúc nào cũng tốt.
“Tất cả vấn đề này đều có thể xảy ra khi ta sử dụng các phần mềm có lỗi, bảo mật yếu hay có thể bị xâm nhập, vì chúng sẽ khiến các hệ thống hạ tầng tối quan trọng có khả năng bị tấn công có hệ thống” – Rob Kitchin, giáo sư Đại học Maynooth (Ireland) và là chuyên gia về thành phố thông minh, nhận định.
Ngoài ra, quyền riêng tư cũng là một thử thách lớn với các đô thị thông minh. Không mấy cư dân sẽ cảm thấy thoải mái khi đường phố gắn đầy camera ghi lại nhất cử nhất động của họ. Các hệ thống quản lý hạ tầng thông minh cũng có thể kết nối với người dân thông qua smartphone của họ, vốn chứa rất nhiều thông tin cá nhân. Các kết nối này cũng khiến cư dân bị theo dõi thông qua GPS, mà điều này đôi khi còn khó chịu hơn là bị máy quay ghi hình ngoài đường phố.
Theo Tuổi Trẻ