Tại hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam” mới đây, phó TGĐ Viettel Tống Viết Trung đã đưa ra nhận định nếu không bắt kịp làn sóng công nghệ, tri thức số, Việt Nam sẽ bị bỏ rơi lại phía sau.
Sau động cơ điện, dây chuyền sản xuất và điện toán hoá, là…
Đấy chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay công nghiệp thế hệ 4.0. Nó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối với Internet và các hệ thống kết nối Internet.
Nghĩa là trong tương lai, viễn cảnh được vẽ ra sẽ là những nhà máy, những thành phố thông minh, trong đó, máy móc kết nối với nhau, kết nối với con người, các quy trình sản xuất được tự động hoá… Điều đó cũng có nghĩa là công việc của con người trong tương lai sẽ thay đổi.
“Cuộc cách mạng lần thứ tư sẽ tạo ra những đột phá về công nghệ, dẫn đến những thay đổi lớn về năng suất, hiệu quả, mở ra những ngành nghề với những mô hình kinh doanh mới thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng!”, ông Tống Viết Trung, phó TGĐ Viettel cho biết.
Theo ông, với việc công nghệ được tự động hoá 45% sẽ khiến cho thị trường lao động có sự phân chia sâu sắc, trình độ lao động chất lượng cao sẽ được yêu cầu cao hơn, còn với những lao động có kỹ năng trung bình, công nghệ sẽ thay thế chỗ của họ.
Cuộc cách mạng này cũng làm nảy sinh sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty khởi nghiệp và những công ty tồn tại lâu năm. Bởi lẽ, việc áp dụng các công nghệ mới đang tạo ra những đột phá lớn, nhờ đó sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mới chưa từng có, giúp các công ty mới có cơ hội vượt mặt những công ty cũ không bắt kịp làn sóng thay đổi.
Việt Nam: bắt kịp hay tụt lại?
Theo nhận định của ông Trung, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng cùng với việc hội nhập sâu rộng nên rất thuận lợi để thích ứng với công nghệ số. “Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài xu thế này!”, ông khẳng định.
Do đó, theo ông việc đánh giá tác động ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực của cuộc cách mạng này đối là điều thực sự cần thiết.
Vị phó TGĐ Viettel cho rằng điều đầu tiên Việt Nam phải đối mặt là việc mất đi lợi thế “nhân công giá rẻ” vốn là ưu điểm cạnh tranh bấy lâu nay.
“Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, robot, các tập đoàn đa quốc gia sẽ không còn bị phụ thuộc vào nguồn nhân công giá rẻ và hoàn toàn có thể di dời nhà máy về các quốc gia của họ để phát triển việc làm!”, ông nói.
Trên thực tế, đầu năm 2016, thế giới đã được chứng kiến cuộc cắt giảm hơn một nửa nhân công ở nhà máy Foxconn (Trung Quốc). Nhiều chuyên gia đã coi đây là một ví dụ cho việc, con người dần sẽ bị thay thế bởi máy móc.
Mặt khác, việc áp dụng công nghệ, năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam về năng lượng, tài nguyên (dầu khí, than đá, thuỷ điện). Một ví dụ rõ ràng cho việc này chính là việc Mỹ khai thác được dầu đá phiến đã “ép” được giá dầu trên toàn thế giới.
“Quan trọng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ diễn ra rất nhanh so với các cuộc cách mạng trước đây, thay vì mất hàng trăm nam thì nay chỉ mất từ 10 – 20 năm để thay đổi bộ mặt quốc gia”, ông Trung nói.
Do đó, ông nhấn mạnh nếu không có giải pháp bắt kịp thời làn sóng cách mạng này, Việt Nam sẽ bị mắc kẹt lại, thậm chí bị suy thoái so với thế giới và khu vực.
“Nhận diện các cơ hội ứng dụng công nghệ số sẽ tăng cường hiệu quả tính minh bạch và tăng khả năng kiến tạo trong các lĩnh vực công vốn bị coi là hoạt động kém hiệu quả, đồng thời, tạo điều kiện cởi trói cho các ngành nghề, đặc biệt là kinh tế tư nhân, các DNVVN…”, ông Trung cho biết.
Theo đó, công nghệ kết nối sẽ xoá nhòa các khoảng cách địa lý, rào cản truyền thống. Dữ liệu số xuyên biên giới sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí là rất nhỏ, được biết đến và trở thành một mắt xích cung ứng trong hệ thống toàn cầu.
“Những công ty nhỏ nhất, thậm chí là cá thể cũng có thể tham gia cạnh tranh trực tiếp với các công ty đa quốc gia lớn nhất nhờ tận dụng những nền tảng số phố biến và sẵn có!”, vị phó TGĐ tự tin nói.
Dẫn chứng trong lĩnh vực viễn thông, vị này cho biết các doanh nhiệp cung cấp dịch vụ OTT nhỏ ở Việt Nam đã và đang trực tiếp cạnh tranh và gây sức ép lên thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống.
Do đó, ông đề xuất cần có chương trình quốc gia về kết nối thông tin, coi hạ tầng số là bệ phóng cho mọi ngành nghề khác. “Hạ tầng số đóng vai trò quan trọng như hạ tầng đường xá, cảng biển sân bay ở các giai đoạn trước đây”, ông ví von.
Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo chuyên sâu đẳng cấp quốc tế về trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ sinh học… Cần có chiến lược cấp quốc gia về phát triển chính quyền số, quốc gia số dựa trên cột trụ là công nghệ số, có chính sách thúc đẩy cho khởi nghiệp, nhất là các doanh nghiệp IT.
Theo CafeF.vn