Tại CES 2018 vừa diễn ra ở Mỹ, người dùng có thể thấy trí thông minh nhân tạo ở mọi ngóc ngách của sự kiện. AI giờ đây đã có trên điện thoại, ở TV tới điều hòa không khí, thậm chí len lỏi cả vào thiết bị vệ sinh… Thực tế, những gì diễn ra tại sự kiện hơn 200.000 người tham dự vừa kết thúc cho thấy tương lai công nghệ: nếu một thiết bị không có AI, nó chẳng đáng để mua.
Hiện tại, trí thông minh nhân tạo (AI) vẫn chưa phổ biến và cũng chưa có ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người dùng, nhưng điều này có thể không kéo dài lâu. Trong vài năm tới, khi AI phát triển hơn, chắc chắn người dùng sẽ xem việc có công nghệ này tích hợp với thiết bị sẽ là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng tới quyết định mua sản phẩm.
Mức độ “lây lan” của AI có lẽ bắt đầu từ smartphone – thiết bị di động phổ biến nhất hiện nay. Từ tháng 10/2017, Huawei đã khởi động quá trình này bằng việc tung mẫu Mate 10 với bộ xử lý NPU (Neural Processing Unit), phục vụ tính năng chụp ảnh thông minh và máy dịch, cải thiện chất lượng hình ảnh và dịch văn bản. Trước đó tại Việt Nam, Bkav tung mẫu Bphone 2017 với AI tích hợp camera, tuy nhiên mức hoạt động của tính năng này chưa rõ ràng và sản phẩm cũng không được biết nhiều ở thị trường quốc tế như Mate 10.
Tại CES, Samsung tung ra mẫu TV thông minh có tích hợp AI, có khả năng chuyển đổi các nội dung độ phân giải thấp sang 8K. Tính năng này khá giống với cơ chế nâng độ phân giải hiện nay trên các thiết bị nghe nhìn (upscaling) đang sử dụng thuật toán để nâng độ phân giải hình ảnh. Tuy nhiên, việc xử lý giữa trí thông minh nhân tạo và thuật toán khác nhau, khi AI có khả năng học hỏi để ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Còn thuật toán chỉ làm theo những gì được cài đặt sẵn. Không ít chuyên gia nhận xét việc sử dụng AI trên TV giúp chất lượng hình ảnh được cải thiện rõ rệt so với sử dụng thuật toán.
Cũng tại sự kiện này, người dùng lần đầu được thấy công nghệ AI không chỉ trên robot hay các thiết bị di động mà đã có trên phương tiện giao thông. “Cuộc chiến xe tự hành” đã nổ ra với rất nhiều hãng xe khác nhau, thậm chí cả những tên tuổi từ làng công nghệ không liên quan tới lĩnh vực xe cũng nhảy vào.
Với AI, các xe tự hành đã trình diễn những khả năng ấn tượng, theo dõi sát sao người đi bộ và các phương tiện xung quanh, thay thế hoàn toàn quá trình điều khiển của con người. Phóng viên công nghệ Rory Cellan-Jones của BBC đã phải thốt lên: “Tại Las Vegas, tôi đã hy vọng thêm vào các phương tiện tương lai, với những chiếc taxi không người lái, không bánh xe…”.
Với những gì đã thể hiện tại CES 2018, AI cho thấy viễn cảnh giao thông tự hành có thể bắt đầu sớm.
Qi Lu, lãnh đạo cao cấp mảng AI của Baidu, công ty được ví như “Google của Trung Quốc” đã tự tin khẳng định với trí tuệ nhân tạo, đất nước của ông sẽ sớm thu hẹp khoảng cách khoa học, công nghệ với Mỹ, đối thủ số một hiện nay, đồng thời là quốc gia tiên tiến nhất thế giới về lĩnh vực này. “Trung Quốc có nhiều người hơn, sản sinh lượng dữ liệu lớn hơn”, ông nói. Điều này đồng nghĩa cơ hội phát triển của quốc gia này đang rất lớn và đầy tiềm năng.
Song song với tiện ích, AI cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, kiểm soát, đặc biệt là trong vấn đề tương lai con người. Sinh ra với mục đích phục vụ loài người, nhưng trí thông minh nhân tạo đang cho thấy công nghệ này là con dao hai lưỡi. Hiện tại, AI đã có thể tự phát triển ngôn ngữ riêng để trao đổi với nhau mà các nhà khoa học không hiểu được (trường hợp của Facebook), hay như AI của Google đã tự sản sinh ra một trí thông minh nhân tạo khác.
Nguồn vietnammoi.vn