Robot làm gia tăng nạn thất nghiệp trong tương lai

- in Tổng Hợp

Cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão với sự lên ngôi của công nghệ tự động hóa làm dấy lên mối lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trong tương lai, khi con người bị robot thay thế ở nhiều vị trí…

Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, đến năm 2030 sẽ có khoảng 800 triệu người lao động trên toàn thế giới bị mất việc làm. Các robot công nghệ cao sẽ thay thế con người trở thành lao động chính.

Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey đã tiến hành nghiên cứu đối với 800 loại hình nghề nghiệp tại 46 quốc gia trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 1/5 số lao động trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng trước xu thế phát triển của công nghệ tự động hóa. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, tại những quốc gia kém phát triển, do chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho công nghệ tự động hóa sản xuất, mức độ ảnh hưởng tới người lao động cũng ít hơn so với tình hình tại các nước giàu.

robot-lam-gia-tang-nan-that-nghiep-trong-tuong-lai

Các chuyên gia nghiên cứu của McKinsey cho rằng, thế giới sẽ thấy sự chuyển đổi quy mô tương tự như đầu những năm 1900, khi mà nhiều nước trên thế giới chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tuy nhiên, cùng với xu hướng robot chiếm lĩnh công việc của con người thì công nghệ mới cũng sẽ tạo ra những kiểu việc làm mới, cũng tương tự như thời điểm ra đời của máy tính cá nhân vào những năm 1980 đã dần đưa công nghệ tham gia vào quá trình hỗ trợ công việc và hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Các nhân viên điều khiển máy móc và công nhân ngành thực phẩm sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề trong xu hướng phát triển công nghệ này. Báo cáo cũng nêu ra những ngành nghề dễ bị tự động hóa, bao gồm môi giới cầm cố tài sản, kế toán và các vị trí công việc thuộc bộ phận không trực tiếp tạo ra doanh thu tại các doanh nghiệp.

Tại các quốc gia phát triển, nhu cầu giáo dục đại học sẽ tăng vì các công việc đòi hỏi lao động ít chất xám ngày càng giảm bớt. Chỉ tính riêng tại Mỹ, tới năm 2030 sẽ có 39-73 triệu người lao động mất việc làm vào tay robot. Tuy nhiên, sẽ có khoảng 20 triệu người trong số này có thể dễ dàng chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Tại Anh, báo cáo dự đoán tới năm 2030, sẽ có khoảng 20% số việc làm hiện nay bị thay thế bằng công nghệ tự động. Cũng theo báo cáo này, 1/3 lực lượng lao động tại các nước phát triển như Đức và Mỹ sẽ cần phải được đào tạo lại để đảm nhiệm những loại hình công việc khác.

Trong khi đó, những công việc đòi hỏi phải có sự tương tác nhiều của con người như bác sĩ, luật sư, giáo viên và nhân viên pha chế là những việc ít có khả năng tự động hóa. Những công việc có mức thu nhập thấp như làm vườn, sửa đường ống và chăm sóc sức khỏe cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trước công nghệ tự động, báo cáo của McKinsey dự báo.

Mới đây, theo Sputnik, robot sử dụng trí thông minh nhân tạo có tên Xiaoyi đã trở thành robot đầu tiên vượt qua bài thi viết của kỳ thi cấp bằng Y khoa quốc gia của Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm Tsinghua-iFly Teck thuộc Đại học Thanh Hoa và công ty AI hàng đầu của Trung Quốc iFlyTek cho biết, robot Xiaoyi ghi được 456 điểm trong bài thi, vượt qua mức điểm trung bình toàn quốc. Ông Wu Ji, Giám đốc phòng thí nghiệm Tsinghua-iFly Teck tiết lộ, Xiaoyi đã nghiên cứu gần 1 triệu hình ảnh y khoa, 53 cuốn sách y học, 2 triệu hồ sơ bệnh án và 400.000 văn bản y khoa và các báo cáo y tế trước khi làm bài thi.

Tuy nhiên, ông Tao Xiaodong, giám đốc dự án của iFlyTek nhận định: “Robot Xiaoyi không có khả năng thay thế các bác sĩ thực sự. Ông nói thêm rằng, robot không thể dùng kiến thức mình sở hữu một cách linh hoạt và vẫn có những trường hợp không dự đoán trước được trong quá trình chẩn đoán và điều trị”.

Robot Xiaoyi sẽ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc từ tháng 3-2018 trong việc giảng dạy và đào tạo y khoa. Nó cũng sẽ hỗ trợ các bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị lâm sàng để nâng cao độ chính xác và rút ngắn thời gian điều trị.

Thông qua bản báo cáo này, Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey đưa ra lời kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng lên kế hoạch đào tạo lại lực lượng lao động nhằm tránh nguy cơ thất nghiệp diện rộng khi mỗi quốc gia bước vào giai đoạn tự động hóa tất yếu của nhân loại.

Nguồn qdnd.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với