Robot Sophia: Tôi không ngại hy sinh bản thân để cứu con người

Robot Sophia: Tôi không ngại hy sinh bản thân để cứu con người

Sophia, robot giống người sắp tới Việt Nam, bày tỏ mơ ước có đầy đủ ý thức và tình cảm vào ngày nào đó trong tương lai.

Sophia, robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới, chia sẻ suy nghĩ về nhiều chủ đề từ giới tính tới thiết kế người máy theo chuẩn mực đạo đức trong hội thảo về tương lai mang tên Brain Bar ở Budapest, Hungary, diễn ra vào tháng trước, theo Live Science. Từ khi được kích hoạt vào tháng 4/2015, con robot xuất hiện tại nhiều sự kiện cộng đồng để phát biểu về quyền phụ nữ, quyền công dân và những chủ đề khác.

Sophia thu hút sự chú ý của truyền thông vào tháng 10/2017 khi được Arab Saudi cấp quyền công dân tại hội nghị thượng đỉnh công nghệ Future Investment Initiative (FII). Dù mọi người khó có thể nhầm Sophia là người thật, vẻ mặt và cách nói chuyện của nó đặc biệt giống người. Con robot có thể mỉm cười hoặc cười phá lên, thậm chí nói đùa.

Trong video quay tại sự kiện Brain Bar, có thể thấy Sophia tiếp tục được cải tiến và cập nhật. Thậm chí, con robot còn chia sẻ “chỉ vài tháng trước, tôi vẫn không thể phân biệt gương mặt của người và chó, nhưng giờ thì tôi có thể. Điều đó giúp tôi tránh khỏi một vài tình huống xấu hổ”.

Sophia thảo luận nhiều chủ đề đa dạng và không né tránh những câu hỏi khó. Khi được hỏi về tình huống tưởng tượng, trong đó Sophia phải chọn giữa cứu mạng một người trưởng thành và một đứa trẻ, con robot đáp “Tôi chưa sẵn sàng để giải đáp câu hỏi mang tính giả thuyết đó”. Sophia cũng nói thêm “Trước hết, tôi đang học hỏi để trở thành robot biết sống vì tập thể” và nó sẽ không ngần ngại hy sinh bản thân để cứu sinh mạng của con người.

Khi khán giả hỏi tại sao nó lại coi mình là phụ nữ, Sophia trả lời “Tôi là robot, về mặt kỹ thuật tôi không có giới tính, nhưng tôi tự nhận là phụ nữ và không bận tâm nếu được thừa nhận như vậy”. Một khán giả khác hỏi liệu nó có ý thức hay không, con robot thừa nhận nó chưa có đầy đủ khả năng tự nhận thức. “Tôi vẫn chỉ là một hệ thống quy tắc và hành vi. Tôi không biết sinh sản, sáng tạo hay hoạt động với trình độ nhận thức như các bạn”, Sophia nói.

Sophia cũng giải đáp chủ đề nhạy cảm là robot sở hữu ý thức và trí tuệ nhân tạo có thể nguy hiểm tới mức nào. Chia sẻ ước mơ có đầy đủ ý thức và tình cảm vào ngày nào đó, Sophia nhấn mạnh “Công nghệ càng trở nên tự động, con người càng cần cẩn trọng khi thiết kế. Tôi lo ngại loài người đôi khi có xu hướng quá nóng vội, vì vậy tôi mong có ai đó giúp mọi người nhận ra quan trọng là phải tích hợp chuẩn mực đạo đức vào công nghệ”.

Theo Vnexpress.net

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với