Không chỉ là lá phổi xanh của Trái đất, rừng Amazon còn là một “kho báu tri thức”. Kho báu đó hứa hẹn nguồn cảm hứng vô tận cho đổi mới sáng tạo, thậm chí có thể tạo ra hệ sinh thái ý tưởng không khác gì thung lũng Silicon (Mỹ) trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Kho báu từ hàng triệu năm tiến hóa
Từ xưa, con người đã biết quan sát và học hỏi thiên nhiên để tồn tại. Khao khát đó cũng được diễn tả trong thần thoại Hy Lạp qua câu chuyện Icarus cố bay như chim. Tưởng chừng trong thời đại công nghệ, con người sẽ không cần học từ tự nhiên.
Nhưng một nghiên cứu mới đã chỉ ra, rừng nhiệt đới Amazon – qua hàng triệu năm tiến hóa – là nơi nắm giữ các chìa khóa khởi động cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0). “Việc gắn tài sản sinh học của Amazon với các đột phá công nghệ đang dẫn đường cho Industry 4.0 – từ trí tuệ nhân tạo, robot, toán lượng tử đến Internet of Things, nghiên cứu gene và in 3D” – Juan Carlos Castilla Rubio – Đại học Cambridge, Anh – nói.
Chẳng hạn, vi sinh vật có tế bào huỳnh quang tạo cảm hứng sản xuất pin nhiên liệu vi sinh. Loài ếch Tungara ở Amazon tiết ra bọt xốp là gợi ý cho công nghệ hấp thụ carbon dioxide. Sự quang hợp của cây gợi mở thiết kế pin năng lượng mặt trời, rẻ hơn công nghệ quang điện dựa trên silicon rất nhiều.
Chất alkaloid spilanthol trong cây Jambu rừng Amazon – gây tê lưỡi khi ăn phải – đã được sử dụng làm thuốc gây mê, khử trùng, chống viêm, chế phẩm chống nhăn da, kem đánh răng. Nhựa cây caosu ở Brazil còn được dùng như một nguồn thay thế chất flo-xylo cho ngành mỹ phẩm và dược phẩm.
“Rừng thường sinh ra các hệ thống sinh học và giải pháp phỏng sinh học phức tạp đối với những vấn đề ở quy mô phân tử nano. Điều đó truyền cảm hứng phát triển các công nghệ ngăn ngừa và khắc phục ô nhiễm, đem lại hiểu biết mới trong thiết kế, dệt – may sinh học và những ứng dụng tiên tiến trong hành vi, nhận thức của robot” – Castilla-Rubio nói.
Biến Amazon thành thung lũng Silicon
Việc gắn tài sản hệ thống sinh học và giải pháp phỏng sinh học của các sinh vật rừng Amazon với Industry 4.0 trong nay mai hứa hẹn đem lại cảm hứng sáng tạo cho mô hình hệ sinh thái công nghệ cao như thung lũng Silicon.
Mô hình đó sẽ cung cấp một nền tảng cơ bản để làm giàu hệ sinh thái đổi mới công nghệ về phỏng sinh học, tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D), quan hệ đối tác giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhân, các doanh nghiệp xã hội và tư nhân, đầu tư liên doanh và các công ty đổi mới sáng tạo – giống như ở thung lũng Silicon.
Với mô hình này, các phòng thí nghiệm R&D, doanh nghiệp tư nhân và xã hội, công ty đổi mới sáng tạo có thể khai thác nguồn lực tự nhiên, tài sản phỏng sinh học, dịch vụ môi trường, sự đa dạng sinh học cho đổi mới và sáng tạo.
Dĩ nhiên, đầu tư cho một hệ sinh thái độc đáo như thế là một khát vọng giống như “con người muốn lên Mặt trăng”, cần sự tham gia của chính phủ và các hãng khởi nghiệp về công nghệ ở giai đoạn đầu tư ban đầu cho những lĩnh vực có độ rủi ro cao. Các chuyên gia tin rằng, đầu tư cho hệ sinh thái công nghệ đổi mới dựa trên rừng Amazon cũng giống như đầu tư cho Internet – mạo hiểm, nhưng sẽ tạo ra nền tảng đổi mới cho toàn thế giới.
“Chúng tôi đang tìm hiểu xem sự vật được tạo ra trong tự nhiên như thế nào và làm thế nào sinh vật cảm nhận được môi trường qua các cảm biến thông minh; chúng phân tích thông tin hoặc di chuyển trong môi trường bằng các nguyên tắc cơ học và động học nào – khi những quá trình đó đã cần hàng triệu triệu năm để phát triển” – Castilla-Rubio nói.
Các nhà khoa học trong đó có Castilla-Rubio cho rằng, rừng Amazon nắm giữ các chìa khóa sinh học để khởi động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu sự đa dạng sinh học của nó được bảo vệ.