“Quốc gia nào đứng đầu về trí thông minh nhân tạo (AI) thì quốc gia đó sẽ trở thành bá chủ thế giới”-Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định như vậy trước các em học sinh trong chương trình “Nước Nga hướng đến tương lai” tại thành phố Yaroslavl…
“Con dao hai lưỡi”
Mới đây, học sinh trên mọi miền nước Nga đã có cơ hội được nói chuyện với Tổng thống V.Putin thông qua một chương trình trên cầu truyền hình tại thành phố Yaroslavl, đông bắc Moskva. Đây là dịp để các em học sinh có cơ hội chia sẻ với Tổng thống những mong muốn của mình và tìm hiểu những lĩnh vực có triển vọng tốt nhất, được quan tâm nhất tại Nga.
Theo RIA Novosti, phát biểu trong chương trình “Nước Nga hướng đến tương lai” tại thành phố Yaroslavl, ông chủ Điện Kremli nói rằng, quốc gia nào đứng đầu về AI sẽ trở thành bá chủ thế giới. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, trí thông minh nhân tạo giống như “con dao hai lưỡi”, vừa tạo ra cơ hội, vừa kéo theo rủi ro. “Trí thông minh nhân tạo không chỉ là tương lai của nước Nga, mà còn là tương lai của toàn thể nhân loại. Nó chứa đựng cả những cơ hội to lớn lẫn những hiểm nguy không thể lường trước được. Bất cứ ai dẫn đầu lĩnh vực này đều có thể trở thành bá chủ của thế giới”-Tổng thống V.Putin nhận định.
Ông V.Putin cũng nhấn mạnh về việc ngăn chặn sự độc quyền trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. “Tôi thực sự không muốn sự độc quyền này tập trung vào tay ai đó, do đó, nếu Nga đứng đầu về công nghệ AI, chúng ta chắc chắn sẽ chia sẻ công nghệ của mình với toàn thế giới, giống như cách chúng ta chia sẻ công nghệ nguyên tử và hạt nhân vậy”-ông nói thêm. Ngoài ra, Tổng thống V.Putin cũng khẳng định rằng, Moskva cần tập trung vào lĩnh vực này ngay bây giờ để nước Nga không bị tụt hậu trong tương lai.
Cuộc đua tam mã
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, người phụ trách chiến lược của công ty phần mềm Cognizant Malcolm Frank cho rằng, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đang là ba cường quốc về AI. Hiện nay, Mỹ đang sở hữu hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ như Facebook, Amazon, Google, Tesla. Những công ty này đang đầu tư hàng tỷ USD để khai thác sức mạnh của máy tính nhằm thay thế một số công việc của con người.
Về phía Trung Quốc, các công ty công nghệ hàng đầu của nước này như Tencent và Baidu đang cạnh tranh cùng với những doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon trong việc phát triển các ứng dụng cho AI. Tỷ phú số một Trung Quốc Jack Ma còn đưa ra nhận định rằng, trong tương lai, AI thậm chí có thể thay thế cho cả các giám đốc điều hành. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đặt ra kế hoạch đầy tham vọng cho ngành công nghiệp AI với mong muốn nước này trở thành “trung tâm sáng tạo AI” vào năm 2030.
Với Ấn Độ, sự góp mặt của công nghệ AI tạo ra một ngành công nghiệp trị giá 143 tỷ USD. Ngành công nghiệp này cũng đem lại cho Ấn Độ khoảng 4 triệu việc làm. Các công ty hàng đầu Ấn Độ như Infosys, Tata Consultancy Services và Wipro là địa chỉ cung cấp các dịch vụ công nghệ cho những tập đoàn tên tuổi hàng đầu thế giới như Deutsche Bank, Lockheed Martin, IBM hay Microsoft.
Châm ngòi Chiến tranh thế giới thứ ba
Trong khi toàn thế giới đang hướng mối quan tâm đến Triều Tiên và vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này, Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla và SpaceX, Elon Musk cảnh báo rằng, cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo cấp quốc gia có nhiều khả năng gây ra Chiến tranh thế giới thứ ba. Trước nhận định của Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, nước nào dẫn đầu trong việc phát triển AI sẽ trở thành nước cai trị thế giới, Elon Musk đã bày tỏ quan điểm của mình trên Twitter: “Trung Quốc, Nga, và sớm thôi, tất cả các quốc gia đều sẽ nắm trong tay công nghệ này. Lúc này, sự cạnh tranh về AI ở cấp độ quốc gia sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ ba”.
Hồi tháng 7 vừa qua, Elon Musk cũng từng cảnh báo rằng, AI nên được điều tiết tốt hơn trước khi quá muộn. Ông nhận định, trí tuệ nhân tạo là “nguy cơ căn bản đối với sự tồn tại của nền văn minh nhân loại” và cần phải có sự giám sát và quản lý nghiêm ngặt. Ông thậm chí còn cho rằng, AI là mối nguy hiểm tiềm ẩn cao hơn cả vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đó là lý do tại sao ông đã triển khai một dự án có tên Neuralink có thể làm thay đổi vượt bậc trí thông minh của nhân loại. Dự án này sẽ tạo ra các thiết bị giúp vỏ não người có thể kết nối với máy tính. Việc này ban đầu sẽ hỗ trợ não người như giúp cải thiện trí nhớ, điều trị các căn bệnh thần kinh… Cuối cùng là để não có thể kết nối dữ liệu với các phần mềm, bắt kịp trí thông minh nhân tạo và sở hữu siêu trí tuệ giống như AI. Đây được xem là một dự án đầy tham vọng của Elon Musk giúp con người giành chiến thắng trong cuộc đua với trí thông minh nhân tạo.
Trí thông minh nhân tạo đã trở thành tâm điểm của cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của công nghệ AI làm dấy lên những mối lo lắng nhất định trên toàn cầu. Giới khoa học hiện đang xem xét những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tương lai nhân loại tiềm ẩn đằng sau những công nghệ siêu thông minh đang lũ lượt chào đời.
Nguồn qdnd.vn