Thị trường đồng hồ thông minh ở Việt Nam không như kỳ vọng

Mặc dù có tăng trưởng nhưng doanh thu của các loại thiết bị đeo ở Việt Nam vẫn chưa cao như kỳ vọng

Hệ thống cửa hàng CellphoneS kinh doanh nhiều loại thiết bị đeo (gồm đồng hồ thông minh và vòng đeo sức khỏe) khác nhau nhưng thị trường chưa đạt được kì vọng, mức tăng trưởng cao nhưng không đem lại nhiều doanh thu vì các thiết bị giá cao khó bán, các thiết bị giá rẻ lại chiếm phần lớn trong số lượng bán ra, anh Nguyễn Lạc Huy – đại diện hệ thống CellphoneS chia sẻ.

thi-truong-dong-ho-thong-minh-o-viet-nam-khong-nhu-ky-vong

Đồng hồ thông minh Samsung Gear S2 – Ảnh: H.Đ

Trong một lần chia sẻ với báo giới về tình hình thiết bị đeo giữa năm 2015, một đại diện IDC khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết thị phần của thiết bị đeo ở khu vực này rất nhỏ, không đáng kể. Trong đó, mặc dù không có số liệu cụ thể của Việt Nam nhưng ông này cho rằng lượng tiêu thụ thiết bị đeo, ít nhất đến thời điểm đó, không cao. Ông cho biết chính mình và vài người khác từng mua các thiết bị đeo nhưng không thường xuyên sử dụng.

Chị Hồ Oanh, quản trị viên diễn đàn công nghệ Techrum, cho rằng thị trường đồng hồ thông minh (smartwatch) tại Việt Nam phát triển không như kỳ vọng là do nhu cầu người dùng và giá thành sản phẩm. Hiện tại, smartphone đa phần đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho công việc cũng như cuộc sống của người dùng. Việc dùng thêm smartwatch vẫn chưa thêm nhiều lợi ích nên người dùng vẫn đắn đo khi mua sản phẩm. Chị Oanh cho rằng, để smartwatch được dùng rộng rãi thì giá thành sản phẩm phải phù hợp, phong phú kho ứng dụng và các ứng dụng được hỗ trợ ra lệnh bằng giọng nói nhiều hơn, đặc biệt là ra lệnh bằng Tiếng Việt.

Đồng ý rằng giá thành đồng hồ thông minh vẫn còn cao, anh Cù Đình Kiên, phóng viên trang công nghệ GenK, cho biết smartwatch sẽ chỉ phù hợp cho người trẻ, đặc biệt nam giới do kích thước còn lớn, sử dụng phức tạp và phải sạc pin nhiều. Anh Kiên cho rằng smartwatch của tương lai cần nhỏ hơn, tăng thời lượng pin nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu năng cao.

Anh Nguyễn Lạc Huy cho biết sử dụng smartwatch rất thích vì có thể xem nhanh các thông báo email, điện thoại, tin nhắn ngay từ màn hình thiết bị và có thể theo dõi việc luyện tập thể thao. Tuy nhiên sau một thời gian dùng, anh Huy rời bỏ smartwatch do thời lượng pin kém dẫn đến việc phải thường xuyên sạc pin, ngoài ra cảm giác đeo vẫn chưa thực sự thoải mái như các đồng hồ bình thường mà khá nặng nề và dày.

Theo anh Huy, thiết bị đeo đang bán chạy nhất tại CellphoneS chính là Miband hay Miband Pulse của Xiaomi do mức giá thấp, từ 320.000 đồng đến 700.000 đồng. Trong khi đó, Apple Watch lại không bán được như kỳ vọng, còn Samsung Gear S2 tiêu thụ khá hơn nhờ chiến lược đầu tư vào marketing của Samsung.

Một nhân viên cửa hàng Giobien.vn – một trang chuyên bán các thiết bị công nghệ cao cấp – cũng cho biết các loại vòng đeo sức khỏe bán tốt hơn đồng hồ thông minh do mức giá rẻ hơn. Các thương hiệu bán tốt ở cửa hàng này là Misfit, Fitbit, Jawbone.

Anh Nguyễn Lạc Huy cho biết đối tượng mua smartwatch thường là những người yêu thích công nghệ còn hầu hết những người dùng bình thường không mua. Riêng Apple Watch thì có một lượng người yêu thích đồ Apple và yêu thích thời trang sẵn sàng bỏ tiền sở hữu. Còn những sản phẩm giá rẻ của Xiaomi thì người mua chủ yếu là người yêu công nghệ và thường là giới sinh viên.

Trong một báo cáo vào tháng trước, IDC cho biết thị trường thiết bị đeo toàn cầu sẽ đạt 111,1 triệu chiếc vào năm 2016, so với năm 2015 khoảng 80 triệu chiếc. Một nhà phân tích của IDC cho biết, trong tương lai, thiết bị đeo sẽ không chỉ là vòng đeo hay đồng hồ như hiện nay, mà sẽ là các thiết bị đeo tai, đeo mắt, hay quần áo thông minh. Một chuyên gia khác cho rằng thiết bị đeo tương lai sẽ hầu như không giống với các thiết bị hiện tại, và sẽ có nhiều chức năng hơn.

IDC cho biết thị trường smartwatch năm 2015 vẫn do Apple thống trị, với 61,3% thị phần, tiếp theo là nền tảng Android Wear của Google chiếm 15,2%, Pepple chiếm 8,6%.

Rõ ràng thị trường thiết bị đeo vẫn có tiềm năng như các nhà phân tích dự báo, nhưng chúng vẫn cần có những thay đổi thiết thực hơn, tiện lợi hơn nhằm vượt qua những thứ smartphone hiện nay làm được. Đồng thời, chúng có thể sẽ thay đổi hình dạng và tham gia nhiều hơn vào hệ sinh thái internet vạn vật để thu hút người sử dụng.

Theo ICTNews

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị