Theo Cisco, trong kỷ nguyên IoT, để việc kết nối mạng được hiệu quả cao nhất, các giải pháp mạng và thiết bị chuyển mạch phải được thiết kế đáp ứng nhu cầu đối phó với những mối đe dọa an ninh bảo mật, có khả năng nhanh chóng phát hiện, cô lập mối đe dọa.
Theo thông tin được đại diện Cisco đưa ra tại hội thảo Giải pháp mạng thế hệ mới ngày 21/9 tại TP.HCM, nếu cách đây hơn 30 năm, thế giới chỉ có 1000 thiết bị được kết nối thì tới nay con số này đã tăng lên 14 tỷ. Thậm chí dự báo sẽ tăng lên 50 tỷ vào năm 2020, 500 tỷ vào năm 2030, mang lại những cơ hội lớn cho thế giới.
Quá trình số hóa đang được tiếp sức bởi những xu thế công nghệ như di động, Internet vạn vật, điện toán đám mây. Và để nắm bắt được cơ hội, các doanh nghiệp cần phải thích ứng một cách liên tục, có được những thông tin thời gian thực cùng những trải nghiệm được cá nhân hóa, khả năng tự động hóa, đảm bảo an ninh…
“Tuy nhiên hiện nay đa số môi trường mạng CNTT đang được quản lý theo những quy trình truyền thống, không còn phù hợp với kỷ nguyên số mới với mức độ kết nối ngày càng cao và hệ thống mạng CNTT của các doanh nghiệp hiện nay ngày càng phức tạp, phân tán”, bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam nhận định.
Nhằm giúp các doanh nghiệp tìm được lời giải trước thách thức nêu trên, Cisco đã tung ra giải pháp mạng thế hệ mới cho phép doanh nghiệp giải quyết được các thách thức trước đây phải “bó tay”.
Tại sự kiện, phần trình diễn công nghệ so sánh giữa việc quản lý mạng truyền thống và mạng thế hệ mới của Cisco đã thu hút được sự quan tâm nhiều nhất từ phía người tham dự.
Là một phần quan trọng của giải pháp mạng thế hệ mới, kiến trúc mạng số của Cisco (Cisco DNA) là nền tảng mở tích hợp các công nghệ cần thiết để đáp ứng nhu cầu kinh doanh như ảo hóa, tự động hóa, phân tích dữ liệu và điện toán đám mây trong cùng một kiến trúc, cho phép bộ phận nghiệp vụ và bộ phận CNTT xây dựng lộ trình hướng tới môi trường mạng sẵn sàng cho số hóa, đổi mới sáng tạo nhanh hơn, hạ thấp chi phí và rủi ro.
Báo cáo “Giá trị của việc xây dựng Mạng sẵn sàng cho số hóa bằng các giải pháp Cisco DNA” do IDC thực hiện cũng cho thấy, Cisco DNA giúp nâng cao hiệu quả của nhân viên mạng hơn 28%, triển khai các ứng dụng mới nhanh hơn 17%, triển khai mạng WAN/ chi nhánh nhanh hơn 42%, nâng cao tỷ lệ lợi nhuận ròng so với chi phí trong vòng 5 năm lên tới 402%.
Cisco DNA hỗ trợ truy cập mạng trong vòng vài phút cho mọi người dùng, thiết bị vào bất cứ ứng dụng nào mà không ảnh hưởng tới an ninh bảo mật.
Cùng đó, mạng WAN thông minh giúp cho việc triển khai mạng WAN cho các chi nhánh văn phòng được đơn giản hóa trong vòng 10 click chuột, nhanh chóng bằng cách ảo hóa, giúp hạ thấp chi phí.
Ngoài ra, hệ thống Cisco DNA Center và nền tảng dữ liệu mạng Cisco chủ động giám sát mạng, thu thập và xử lý thông tin từ thiết bị, ứng dụng và người dùng.
Đáng chú ý, Cisco Stealthwatch nhanh chóng phát hiện cũng như cô lập các mối đe dọa an ninh; Cisco TrustSec và Engine dịch vụ định danh kiểm soát truy cập mạng, tăng cường các chính sách bảo mật và đáp ứng các yêu cầu tuân thủ quy định…
Theo Cisco, các giải pháp mạng của hãng đã truyền tải lưu lượng cho hơn 80% mạng Internet trong suốt ba thập kỷ qua. Không chỉ dừng ở mức truyền tải lưu lượng mà còn nghiên cứu, phân tích lưu lượng.
Thiết bị chuyển mạch Cisco Catalyst 9000 kết hợp một CPU onboard mới dựa trên kiến trúc x86 với Cisco IOS XE 16 (một hệ điều hành hội tụ theo kiến trúc mở) cung cấp khả năng lập trình tiên tiến, bảo mật mạnh mẽ hơn, mật độ điểm truy cập không dây cao hơn, hỗ trợ kết nối uplink có băng thông rộng hơn và một hệ điều hành tiên tiến hơn.
Với mục tiêu như vậy, thiết bị chuyển mạch Catalyst 9000 Series hỗ trợ hoạt động phân vùng và vi phân vùng mạng, chức năng phân tích lưu lượng mã hóa giúp phát hiện mã độc và nhiều mối đe dọa khác trong các luồng lưu lượng đã mã hóa.
“Với việc xây dựng và phát triển giải pháp mạng thế hệ mới, Cisco muốn tạo ra một nền tảng thông minh với mức độ bảo mật cao, giúp thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, tổ chức”, bà Lương Thị Lệ Thủy cho biết.
Nguồn ictnews.vn