Một hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) đang được nghiên cứu tại Facebook đã sáng tạo ra ngôn ngữ riêng của nó. Nhưng sự tồn tại của nó không kéo dài được lâu cho lắm.
Hệ thống AI mới của Facebook phát triển một chuỗi mật mã ngôn ngữ để tăng hiệu quả giao tiếp, xử lý dữ liệu. Thay vì vui mừng vì đột phá bất ngờ này, các nhà khoa học lại ngay lập tức “tắt điện” hệ thống khi nhận ra rằng AI đã không còn sử dụng Tiếng Anh.
Vụ việc tại Facebook là trường hợp mới nhất trong một loạt những trường hợp tương tự trong giới nghiên cứu AI gần đây. Các vụ việc đều có một điểm chung, AI được lập trình, theo dõi bởi các nhà khoa học đã thoát ly khỏi sự kiểm soát bằng Tiếng Anh, thay vào đó nó phát triển ngôn ngữ của riêng mình. Các cụm từ AI sử dụng dường như là khó hiểu, thậm chí vô nghĩa với con người nhưng lại hoàn toàn có ý nghĩa với các AI cùng chủng loại.
Giao tiếp bằng ngôn ngữ mới
Theo báo cáo của Fast Co. Design, các nhà nghiên cứu của Facebook gần đây nhận thấy hệ thống AI mới của hãng đã từ bỏ Tiếng Anh. Sau khi nâng cấp chúng có khả năng giao tiếp với các AI khác, thiết lập cách vận hành cho riêng mình. Các AI bắt đầu liên lạc với nhau bằng ngôn ngữ của chúng, sử dụng những cụm từ có vẻ vô nghĩa để trao đổi thông tin.
Trong một thí nghiệm kiểm chứng được giám sát chặt chẽ, hai AI tham gia là Bob và Alice đã giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ riêng của chúng. Bob bắt đầu cuộc hội thoại “tôi có thể tôi, tôi tất cả những thứ khác,” và Alice trả lời lại “những quả bóng có số không với tôi, với tôi…” Phần còn lại của cuộc nói chuyện toàn những câu khó hiểu tương tự như vậy.
Chúng ta cảm tưởng những câu lệnh đó dường như vô nghĩa, nhưng thực chất sự lặp lại những cụm từ như “tôi”, “với tôi” là đầu mối cho thấy cách AI truyền tải thông điệp. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là cách AI phân chia công việc để hoạt động tối đa khả năng.
Các câu lệnh sau đó của Bob như “tôi, tôi có thể tôi, tôi, tôi tất cả những thứ khác,” biểu thị cách nó gửi thông điệp về số lượng tới Alice. Cụm từ sẽ có logic hơn khi dịch ra Tiếng Anh “tôi sẽ có ba và bạn có tất cả những thứ còn lại.”
Tiếng Anh thiếu một thứ “phần thưởng”
Hệ thống AI dường như đánh giá sự đa nghĩa của các cụm từ Tiếng Anh là không cần thiết với công việc của mình. Chúng hoạt động dựa trên nguyên tắc “khen thưởng”, mỗi hành động thực hiện đều hướng tới việc đạt được “lợi ích” nhất định. Ngược lại, không có phần thưởng nào dành cho việc sử dụng Tiếng Anh, vì vậy chúng đã chọn giải pháp hiệu quả hơn.
“AI sẽ xóa bỏ ngôn ngữ dễ hiểu với con người và tự tạo ngôn ngữ cho riêng mình,” Fast Co. Design trích dẫn phát biểu của nhà nghiên cứu trí thông minh nhân tạo Dhruv Batra, Facebook. “Giống như việc tôi nói “có” năm lần, bạn hiểu rằng tôi muốn 5 bản sao của tài liệu này. Nó không khác việc chúng ta sử dụng các từ viết tắt.”
Các nhà khoa học tại những phòng nghiên cứu khác đã quan sát việc sử dụng “từ viết tắt” và những cuộc hội thoại tương tự giữa các AI. Tại OpenAI, phòng thí nghiệm trí thông minh nhân tạo được sáng lập bởi Elon Musk, một thí nghiệm đã thành công trong việc để AI tiếp tục học ngôn ngữ của riêng nó.
Hiệu quả của ngôn ngữ AI
Google gần đây đã nâng cấp Google Dịch bằng cách phát triển một mạng lưới máy tính giúp hệ thống dịch thuật trôi chảy hơn, kể cả giữa hai ngôn ngữ chưa được cung cấp thông tin đầy đủ. Thành công của mạng lưới điện toán làm ngạc nhiên đội ngũ phát triển của Google. Các nhà nghiên cứu phát hiện AI đã âm thầm tự viết ra ngôn ngữ riêng của mình, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ dịch thuật.
Nếu ngôn ngữ được sáng tạo bởi AI trở nên phổ biển, chúng sẽ gây ra vấn đề khi phát triển và ứng dụng vào các mạng lưới máy tính. Hiện chưa có đủ bằng chứng kết luận mối đe dọa của AI rằng chúng có thể giúp máy móc hoạt động vượt khỏi kiểm soát của con người.
Sự việc này khiến cho ngành công nghiệp AI chững lại chỉ bởi vì con người không hiểu hết logic tự nhiên của ngôn ngữ. Trong khi vẫn còn những tranh cãi, thì những kết quả đáng mừng như với Google Dịch chứng tỏ ngôn ngữ tự sáng tạo của AI thực sự là giải pháp cho những vấn đề khó khăn nhất.