Trung Quốc tham vọng “đối đầu ngoại giao” bằng trí tuệ nhân tạo

Trung Quốc tham vọng “đối đầu ngoại giao” bằng trí tuệ nhân tạo

Trung Quốc đang phát triển loại robot mới với trí thông minh nhân tạo (AI) có thể tạo ra những chiến lược làm thay đổi hoàn toàn cục diện quốc tế.

Các nhà hoạch định chính sách nước ngoài sắp tới có thể đối mặt với một đối thủ khó lường đến từ Trung Quốc, đó là một loại robot mới với trí thông minh nhân tạo (AI) có thể tạo ra những chiến lược làm thay đổi hoàn toàn cục diện quốc tế, theo SCMP.

Công nghệ trí thông minh nhân tạo với sự phát triển hiện nay đang cho thấy ưu thế vượt trội hơn so với tầm suy nghĩ của con người. Thông thường, khi bước vào một cuộc chơi, AI sẽ phân tích các các bài học kinh nghiệm từ thất bại trước đó và tìm ra những giải pháp, chiến lược mới mà con người chưa bao giờ từng nghĩ tới để giành chiến thắng trong cuộc chơi mới.

AI đã từng đánh bại các nhà vô địch thế giới trong bộ môn đòi hỏi trí tuệ cao như cờ vua và gần đây thậm chí là một bộ môn đầy may rủi như Texas Hold’em poker.

Với tiềm năng đầy triển vọng nói trên, một số robot sử dụng trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực ngoại giao đang được phát triển ở Trung Quốc. Trong đó một phiên bản đầu tiên được chế tạo bởi viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã được bộ Ngoại giao nước này sử dụng.

Xác nhận với tờ SCMP, cơ quan ngoại giao của Trung Quốc nói rằng họ đang thực sự có kế hoạch sử dụng AI trong lĩnh vực ngoại giao.

“Các công nghệ tiên tiến, bao gồm trí thông minh nhân tạo và khai thác dữ liệu quy mô lớn đang tạo ra những thay đổi sâu sắc đối với cách con người làm việc và sinh sống. Ứng dụng của AI trong nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực đang gia tăng từng ngày”, một phát ngôn viên Bộ cho biết tháng trước.

Bộ “sẽ tích cực thích nghi với xu hướng và khám phá việc sử dụng các công nghệ mới nổi để cải thiện và tăng cường hiệu quả trong công việc”.

Tham vọng của Trung Quốc để trở thành cường quốc lãnh đạo toàn cầu đã tăng đáng kể gánh nặng và thách thức cho giới chức trách ngoại giao. Trong đó “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” là một dự án kết nối tới 70 quốc gia với 65% dân số thế giới.

Chiến lược phát triển chưa từng có này đòi hỏi khoản đầu tư lên tới 900 tỷ USD trong nhiều năm để xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số khu vực có rủi ro cao về chính trị, kinh tế và môi trường.

Các nhà nghiên cứu cho biết “hoạch định chính sách” AI sẽ là một hệ thống hỗ trợ các quyết định mang tính chiến lược, nhưng nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng vẫn sẽ thuộc về con người.

Hệ thống AI sẽ nghiên cứu chiến lược trong lĩnh vực chính trị quốc tế bằng cách phân tích trên khối lượng dữ liệu khổng lồ với nhiều thông tin khác nhau từ tin đồn cho đến hình ảnh được chụp bởi các vệ tinh gián điệp.

Nếu một nhà hoạch định chính sách cần đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác để đạt được mục tiêu cụ thể trong một tình huống phức tạp, khẩn cấp, hệ thống có thể cung cấp một loạt các tùy chọn với các khuyến nghị để thực hiện tốt nhất, đôi khi là chỉ trong chớp mắt.

Công nghệ AI đang được nhiều cường quốc theo đuổi.

Tiến sĩ Feng Shuai, thành viên cao cấp của viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, chuyên nghiên cứu tập trung vào các ứng dụng AI, cho biết công nghệ của hệ thống hoạch định chính sách AI đã thu hút sự chú ý của giới chức trách nước này mặc dù vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu.

“Một số nhóm nghiên cứu đã phát triển các hệ thống này”, Feng nhấn mạnh. Một hội thảo thảo luận về tác động của AI đối với ngoại giao cũng đã được tổ chức bởi đại học Kinh tế Quốc tế và Kinh tế Trung Quốc hồi tháng trước tại Bắc Kinh, trong đó các nhà nghiên cứu chia sẻ một số tiến bộ gần đây.

Feng cho biết: “Hệ thống trí thông minh nhân tạo có thể sử dụng sức mạnh khoa học công nghệ để đọc và phân tích dữ liệu theo cách mà con người không thể làm được”.

Không những vậy, hệ thống hoạch định chính sách AI sẽ hoàn toàn loại bỏ cảm xúc chi phối của con người như giận dữ, tôn trọng, sợ hãi hoặc các yếu tố chủ quan khác. “Nó thậm chí còn không xem xét các yếu tố đạo đức có xung đột với các mục tiêu chiến lược hay không”, Feng nói thêm.

Các quốc gia khác được cho là đang tiến hành nghiên cứu tương tự về sử dụng AI trong các lĩnh vực hoạch định chính sách, mặc dù chi tiết không được tiết lộ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng họ cũng gặp phải những vấn đề thách thức. Sử dụng công nghệ AI đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu mà có thể Trung Quốc không có được ở một số quốc gia hoặc khu vực nhất định.

Nhưng Feng cho rằng, Trung Quốc sẽ phải nhanh chân để “mở rộng hơn nữa khả năng ứng phó của mình với các quốc gia”, Feng nói.

“Nếu một bên của trò chơi chiến lược có công nghệ trí tuệ nhân tạo, và phía bên kia thì không, thì loại trò chơi chiến lược này gần như là một cuộc đối đầu một chiều, kết quả thì ai cũng rõ”, ông nói.

“Bên nào thiếu sự hỗ trợ của AI sẽ gặp bất lợi gần như tuyệt đối trong nhiều khía cạnh như rủi ro trong phán đoán, lựa chọn chiến lược, đưa ra quyết định và hiệu quả thực hiện, cũng như độ tin cậy khi đưa ra quyết định”, ông nói. “Toàn bộ cấu trúc trò chơi chiến lược sẽ hoàn toàn mất cân bằng.”

Một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ từng cho biết cơ quan này có “nhiều công cụ công nghệ” để giúp họ đưa ra quyết định. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể nào về kế hoạch sử dụng AI được chia sẻ với công chúng, theo Liu Yu, nhà nghiên cứu từ Viện Tự động hóa tại Học viện Khoa học Trung Quốc.

Fu Jingying, một nhà nghiên cứu liên kết với viện Khoa học Địa lý và Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên, thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết một phiên bản của hệ thống AI được phát triển bởi viện này đã được sử dụng trong bộ Ngoại giao.

Hệ thống này được điều hành bởi bộ phận các vấn đề an ninh quốc tế và đã được sử dụng để “loại bỏ hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài” trong những năm gần đây.

Hệ thống có quyền truy cập vào nhiều cơ sở dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc. Fu cho biết nó được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo, bao gồm khả năng học tập dữ liệu để đánh giá rủi ro hoặc dự đoán các sự kiện như các cuộc tấn công chính trị hoặc khủng bố, và đưa ra những “kết quả khá tốt”.

AI của Trung Quốc vẫn không thể đưa ra quyết định chiến lược, nhưng thế hệ tiếp theo của hệ thống sẽ được hỗ trợ khả năng này. Tuy nhiên, Fu cũng nhấn mạnh: “Máy móc sẽ không bao giờ thay thế các nhà ngoại giao con người. Nó chỉ cung cấp sự hỗ trợ”.

Một thách thức đối với sự phát triển của hệ thống hoạch định chính sách AI là chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Chính phủ Trung Quốc. Trong đó bộ Ngoại giao nước này đã không thể nhận được một số bộ dữ liệu cần thiết vì các rào cản hành chính, Fu nói.

Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh AI vào nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là  một hệ thống giám sát toàn quốc có khả năng xác định bất kỳ công dân nào bằng khuôn mặt chỉ trong vài giây.

Nghiên cứu cũng đang được tiến hành để giới thiệu AI trong các tàu ngầm hạt nhân để giúp các chỉ huy đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn trong các tình huống thực chiến.

Nhưng ở Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác, quyết định cuối cùng về các vấn đề ngoại giao quan trọng luôn được đưa ra ở mức cao nhất. Mức độ nào mà AI có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định phụ thuộc vào sự tin tưởng và chấp nhận công nghệ mới của giới chính trị gia cao cấp.

Theo nguoiduatin.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với