Khoảng 4 năm trước, Jeff Burnstein đã tham dự Triển lãm Robot Quốc tế Trung Quốc lần đầu tiên, triển lãm hàng năm ở Thượng Hải hiện đã tổ chức 7 lần. Vào thời điểm đó, Burnstein, Chủ tịch hiệp hội ngành công nghiệp robot, một tập đoàn thương mại ở Michigan, đã không cảm thấy ấn tượng. Ông nói ông đi quanh triển lãm và nghĩ rằng nhiều robot được trưng bày trông giống như bản sao của những gì các công ty Mỹ đã làm.
Cuộc đua nóng
Bây giờ ở Trung Quốc, một bức tranh hoàn toàn khác đang hình thành, nhờ một kế hoạch chi tiết Made in China 2025 (Xuất xứ từ Trung Quốc năm 2025). Công bố vào năm 2015, sáng kiến này là nỗ lực khổng lồ của chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy nước này trở thành nước dẫn đầu thế giới trong một số ngành công nghệ cao, như thiết bị y tế, thiết bị hàng không và robot – mấu chốt của mong muốn sẽ tự động hoá nền kinh tế trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, sản xuất thực phẩm, điện tử và nhiều hơn nữa.
Nhưng để làm được điều đó, Trung Quốc cần nhiều robot hơn. Ngoài kế hoạch Made in China 2025, chính phủ cũng đã công bố Kế hoạch Phát triển Ngành công nghiệp Robot, một kế hoạch 5 năm để nhanh chóng mở rộng lĩnh vực robot công nghiệp của nước này. Đến năm 2020, Trung Quốc muốn sản xuất ít nhất 100.000 robot công nghiệp hàng năm. Đất nước đang mở hết tốc lực hướng đến một tương lai tràn ngập robot để không chỉ làm mới lại nền kinh tế của mình mà còn chuyển đổi thành thủ đô robot của thế giới – vượt mặt Nhật, Đức và Mỹ trong quá trình này.
“Người Trung Quốc là người dùng robot lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất hiện nay”, Burnstein nói. “Kế hoạch Made in China 2025 sẽ chỉ đẩy nhanh điều này”.
Theo Hiệp hội Robot quốc tế (IFR), Trung Quốc đang có thị trường robot trị giá khoảng 30 tỷ USD, lớn nhất thế giới. Hiện tại, nước này cũng xếp thứ 1 về thị trường kinh doanh robot công nghiệp, với Mỹ đứng ở vị trí thứ 4 (Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là hai và ba).
Mặc dù Mỹ vẫn được coi là nước dẫn đầu thế giới về tự động hóa trong sản xuất ôtô, Trung Quốc đang nhanh chóng đạt được tiến bộ để vượt qua Mỹ và các đối thủ cạnh tranh toàn cầu khác. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã lắp đặt 90.000 robot công nghiệp, chiếm 1/3 tổng số robot công nghiệp lắp đặt trên thế giới, so với 80.000 robot được lắp đặt trong giai đoạn 2010-2015 ở các nước châu Á, châu Âu và Mỹ gộp lại.
Tham vọng “vượt” Mỹ
“Tôi chắc chắn có rất nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc đang tập trung vào việc vượt mặt Mỹ”, Matt Beane, một nhà nghiên cứu về robot và là thành viên của Sáng kiến MIT về Kinh tế Số. “Nhưng có vẻ như mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là trở nên tự túc”.
Một báo cáo mới của Liên đoàn Lao động Quốc tế cho thấy Trung Quốc sẽ nhiều khả năng chiếm 40% tổng doanh thu kinh doanh robot toàn cầu vào năm 2019, cao hơn nhiều mức 27% năm 2015.
Sự tăng trưởng đều đặn của Trung Quốc trong việc đầu tư cho robot thậm chí còn thu hút sự chú ý doanh nhân và ông chủ Dallas Mavericks Mark Cuban. Trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12 năm ngoái, ông nói Mỹ nên đầu tư 100 tỷ USD vào ngành công nghiệp robot để cạnh tranh với Trung Quốc.
Nhưng rất nhiều trong số những robot này là những robot được sản xuất ở nơi khác mà các công ty Trung Quốc mua về. Bắc Kinh giờ muốn đảo ngược điều này và sản xuất robot công nghiệp trong nước nhằm phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế. Đến năm 2020, chính phủ muốn hơn 50% doanh thu kinh doanh robot đến từ các robot sản xuất ở Trung Quốc bởi các công ty Trung Quốc.
Sản xuất robot trong nước là lĩnh vực mà Trung Quốc đang tìm cách vượt qua Mỹ. Beane lưu ý rằng Trung Quốc “chưa bao giờ có đặc điểm chủ ý đối đầu với một cường quốc khác như vậy”. Nhưng những gì họ có là mong muốn hướng về tương lai bằng cách đầu tư hàng tỷ USD vào robot và các công nghệ bổ sung, như trí thông minh nhân tạo (AI), nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trong việc trang bị cho các nhà máy của họ.
Robot và tự động hóa là những ưu tiên ở Trung Quốc, nơi tiền lương đã tăng hơn 100% trong 10 năm qua trong khi lực lượng lao động quốc gia đang thu hẹp lại. Với robot công nghiệp, các công ty Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp tục đổi mới đồng thời cắt giảm chi phí. Dấu hiệu của sự thay đổi này đã hiển hiện. Foxconn, nhà cung cấp hàng đầu cho iPhone của Apple, đã thay thế 60.000 công nhân bằng robot trong một nhà máy ở Trung Quốc vào năm ngoái.
“Mục tiêu lâu dài ở Trung Quốc là biến nền kinh tế từ nguồn lao động chi phí thấp thành nguồn lao động công nghệ cao”, Frank Tobe, người xuất bản Báo cáo Robot ở California cho biết. “Đó là một sự chuyển đổi công nghệ lớn, và họ đang làm điều đó”.
Tobe cũng cho biết Trung Quốc muốn “vượt Đức, Nhật Bản và Mỹ về mặt sản xuất tinh vi vào năm 2049”. Kế hoạch Made in China 2025 trợ giúp điều này bằng cách cung cấp trợ cấp, vay lãi suất thấp và đất miễn phí cho các công ty Trung Quốc. Quảng Đông, một tỉnh của Trung Quốc, đang cung cấp gần 140 tỷ USD trợ cấp cho khoảng 2.000 công ty địa phương, bao gồm cả các công ty về robot.
“Để giảm gánh nặng cho khởi nghiệp sáng tạo, chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp tài chính cho việc truy cập băng thông rộng và phần mềm công cộng cho các công ty mới”, John Rhee, giám đốc văn phòng Los Angeles của UBTECH, một công ty robot của Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, chuyên chế tạo robot hình người cho các ngôi nhà, cho biết.
Một số công ty Trung Quốc đang tích cực mua lại chuyên môn về robot được phát triển ở các nước khác. Một công ty như vậy, Midea, đã ký một thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD vào đầu năm nay để mua lại Kuka AG, một nhà cung cấp robot hàng đầu thế giới cho các nhà máy và robot ô tô với một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Austin, Texas.
Mặc dù ông John thừa nhận đây là một dấu hiệu của một sự dịch chuyển từ số lượng sang chất lượng, ông cũng nói rằng các công ty robot của Trung Quốc “không thể mua được sự lãnh đạo ngành công nghiệp. Họ phải đổi mới, và đó là trở ngại khó khăn nhất để vượt qua, vì những hạn chế là về mặt cấu trúc”.
Có những dấu hiệu cho thấy điều đó đang bắt đầu xảy ra. Tháng 7 vừa qua, RIA Burnstein đã trở lại CIROS ở Thượng Hải. Ông nói rằng ông đã rời đi với một ấn tượng hoàn toàn khác sau khi nhìn thấy nhiều công ty mới và nhiều công ty cũ 4 năm trước.
“Chúng phức tạp hơn rất nhiều, bạn sẽ không nói tất cả chỉ là bản sao nữa”, ông nói. “Về cơ bản, Trung Quốc muốn cạnh tranh ở mọi nơi, và họ muốn trở thành một nhà cung cấp robot lớn, toàn cầu, và họ đang tích cực làm điều đó”.