Việt Nam có đầy đủ nền tảng để phát triến kinh tế trí tuệ nhân tạo siêu việt

Việt Nam có đầy đủ nền tảng để phát triến kinh tế trí tuệ nhân tạo siêu việt

Theo khảo sát của Vietnam Report,  62,5% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, đang thực hiện thay đổi từng bước từ công nghệ này sang công nghệ khác.

Phác họa bức tranh các doanh nghiệp lớn Việt Nam đang ứng phó thế nào với kỷ nguyên số, công nghệ Trí thông minh nhân tạo (AI) và Cách mạng công nghiệp 4.0, một khảo sát nhanh của Vietnam Report được công bố tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 với chủ đề “Kỷ nguyên Kinh tế trí tuệ nhân tạo: Bài học từ các điển cứu Harvard và tinh hoa thế giới” vừa diễn ra hôm 25/5 cho thấy, có 62,5% trong tổng số doanh nghiệp cho biết đang thực hiện thay đổi từng bước từ công nghệ này sang công nghệ khác.

Cụ thể, theo khảo sát này, trong Top 5 ứng dụng công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên lựa chọn để đầu tư đa số hướng đến Big Data và Điện toán đám mây.

Riêng về việc nghiên cứu áp dụng các ứng dụng AI, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều mong đợi AI sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành; tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa và có chất lượng cao hơn.

Tuy vậy, mới chỉ có 13,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết là đã đầu tư vào AI trong một số hoạt động của doanh nghiệp.

Với nền tảng tiền đề được đánh giá khá tích cực để tiếp cận với công nghệ cao, tri thức mới và cơ hội phát triển vượt bậc, ông Michael Dukakis, nguyên Thống đốc bang Massachusetts – một trong những bang thành công nhất về kinh tế tại Mỹ dựa trên những ứng dụng và cách tân của công nghệ, hiện là Chủ tịch Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sáng tạo khẳng định, Việt Nam có rất nhiều cơ hội, tiềm năng để có thể trở thành một đất nước mạnh về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Những yếu tố này bao gồm dân số trẻ, nhiều người có hứng thú với công nghệ mới, có tư duy cởi mở, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông phát triển mạnh mẽ, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới Internet, bước đầu tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế.

Trong khi đó, TS. Kazuo Yano, Kỹ sư trưởng Tập đoàn Hitachi, hãng tiên phong về công nghệ AI ở Nhật Bản đã đưa ra những ví dụ thực tế cho thấy khả năng vượt trội của AI trong nhiều phương diện kinh doanh đối với doanh nghiệp, từ tự động tối tưu hóa kho vận chuyển giúp tăng năng suất 8%, giúp tăng 15% doanh số trên mỗi khách hàng tại các cửa hàng bán lẻ, đến giảm lượng điện năng tiêu thụ trong ngành đường sắt…

Theo ông Yano, Việt Nam hoàn toàn có đủ mọi điều kiện về nguồn lực và nền tảng tiếp cận xu thế công nghệ mang tính cách mạng này để phát triển mạnh nền kinh tế AI, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên phát triển.

Còn Theo TS. Masahiro Fukuhara, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Viện IGS (Institution for a Global Society), xã hội đang phát triển với những bước tiến vượt bậc về công nghệ, trong đó AI và Big Data đang trở thành những “yếu tố thay đổi cuộc chơi”. Do đó, thách thức lớn nhất của các nhà quản lý trong thời đại ngày nay là “quản trị nhân sự”, tạo nguồn lao động có chất xám cao.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất, nên phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền AI và ứng dụng nó trong các ngành kinh tế Việt Nam, các tổ chức xã hội nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh, nhất là đầu tư giáo dục nguồn nhân lực cho chiến lược phát triển bền vững.

Chia sẻ quan điểm, định hướng chiến lược của Chính phủ Việt Nam về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế dựa trên AI hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh khẳng định, Chính phủ Việt Nam coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm bắt được sẽ tiếp tục bị tụt hậu; tranh thủ cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng; là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại hóa trong thời gian sớm nhất .

“Với lợi thế nước đi sau, nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam có thể tranh thủ đặc điểm của công nghệ mới, cốt lõi của trí tuệ nhân tạo để theo đuổi mục tiêu phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất năng động và có khả năng thích ứng nhạy bén với các thay đổi của thị trường và chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội phát triển đầy tiềm năng này”, Thứ trưởng Mạnh nhận định.

Ông cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, được Chính Phủ giao xây dựng chiến lược phát triển đất nước phù hợp với bối cảnh mới.

“Với vai trò và trọng trách này, chúng tôi cam kết sẽ đi tiên phong, là đối tác tin cậy của tất cả các bên để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Nguồn tinnhanhchungkhoan.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với