Việt Nam khan hiếm nhân sự chuyên môn cao trong lĩnh vực CNTT

- in Tổng Hợp

Theo nhận định của CEO Navigos Group Việt Nam, ông Gaku Echizenya, Việt Nam đang rất khan hiếm nhân sự chuyên môn cao trong lĩnh vực CNTT, những người được gọi là chuyên gia. Nguyên nhân một phần do tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Trong các báo cáo về thị trường lao động trung và cao cấp tại Việt Nam đã được Navigos Group Việt Nam công bố thời gian vừa qua, tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự này đánh giá thị trường nhân sự ngành CNTT năng động và sôi động. Số liệu của Navigos Group Việt Nam cũng chỉ ra rằng, liên tục từ khoảng năm 2012 cho đến nay, CNTT luôn nằm trong Top 5, Top 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao tại Việt Nam. Báo cáo thị trường tuyển dụng nửa đầu năm 2017 cũng cho thấy,  CNTT đang là ngành dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến nguy cơ mất việc làm hàng loạt, nhất là ở những ngành sử dụng nhiều lao động và tại các nước đang phát triển.

Để hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển của thị trường nhân sự CNTT, những ảnh hưởng, tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Gaku Echizenya – CEO Navigos Group Việt Nam, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề nhân sự, từng làm việc tại những công ty nhân sự hàng đầu thế giới của châu Âu và châu Mỹ đặt tại Nhật Bản, trước khi đến Việt Nam đảm trách vai trò CEO Navigos Group.

Ông nhận định như thế nào về nhu cầu của thị trường nhân sự CNTT Việt Nam trong khoảng 5 năm tới và đặc biệt là với giai đoạn 2017 – 2018 trước mắt?

Theo tôi nhận định, ngành CNTT trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng cao về nhu cầu tuyển dụng. Nguyên nhân do hầu hết các doanh nghiệp họ đã nhìn thấy được lợi ích của việc kinh doanh trên nền tảng công nghệ đem lại sự tiện ích và tiết kiệm ngân sách về  nhân sự khá lớn, chính vì vậy nên họ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ là điều tất yếu, đơn cử như các lĩnh vực sử dụng công nghệ vào phương tiên giao thông, bất động sản, ví thanh toán trực tuyến… Thậm chí tôi thấy như các mô hình kinh doanh dịch vụ giúp việc hay đi siêu thị bây giờ cũng có ứng dụng dành cho di động.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công an ninh mạng những năm gần đây đang trở thành một mối đe dọa với tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến dữ liệu như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm… Các doanh nghiệp đã nhìn thấy rủi ro tiềm tàng này và có sự đầu tư nhiều hơn vào đội ngũ an toàn thông tin cho doanh nghiệp.

Nguồn đầu tư FDI ngày càng mạnh mẽ hơn vào Việt Nam cũng là một yếu tố khiến nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT ngày một tăng cao hơn. Vì hầu hết các công ty đều cần đến đội ngũ CNTT để duy trì hệ thống, bảo vệ an ninh thông tin mạng, lập trình và duy trì website công ty, duy trì các hệ thống mua bán trực tuyến (nếu có)…

Ngoài ra, làn sóng start-up chưa có dấu hiệu dừng lại khi chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài đã lên tiếng hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp ngày một nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa sẽ có rất nhiều dự án khởi nghiệp được rót vốn thành công để phát triển, chính vì vậy nhu cầu tuyển dụng cho những doanh nghiệp công nghệ trẻ cũng sẽ ngày càng cao hơn.

“Cách mạng công nghiệp 4.0” đang được nhắc đến nhiều tại Việt Nam. Ở góc độ của người làm về nhân sự, xin ông cho biết cuộc cách mạng này sẽ tác động như thế nào đến thị trường nhân sự CNTT tại Việt Nam?

Theo tôi ghi nhận, có một số thông tin cho rằng trí tuệ nhân tạo trong tương lai thậm chí có thể thay thế những lập trình viên. Tuy nhiên, đứng trên góc độ của một người làm nhân sự, tôi nghĩ con người rất linh hoạt trong việc tự phát triển để biết cách “vận dụng máy móc”.

Đơn cử như, hiện nay có thông tin một số lập trình viên trên thế giới đã sáng tạo ra những công cụ “tự lập trình” và họ chỉ dành thời gian để kiểm soát và quản lý. Điều này chứng tỏ họ đã biết cách ứng dụng công nghệ để phục vụ công việc tốt hơn, không hẳn là sử dụng máy móc để thay thế con người. Ngoài ra, các hệ thống CNTT càng phát triển thì càng xuất hiện nhiều lỗ hổng, nếu không có sự tham gia kiểm soát và quản lý của con người thì rất khó để phát hiện và sửa các lỗi này.

Chúng ta đang chứng kiến ngày càng xuất hiện thêm nhiều ngôn ngữ lập trình mới như Ruby on Rails, Golang, JavaScrpit, các thư viện mã lệnh… Bên cạnh đó là những phương pháp lập trình phần mềm linh hoạt như Agile và Scrum… Tôi nghĩ lĩnh vực Machine Learning (Máy học) nếu phát triển hơn trong tương lai thì chỉ có thể tự học những cái sẵn có chứ chưa thể sáng tạo ra những phương thức mới.

Chính vì vậy, những ứng viên trong lĩnh vực CNTT nếu có khả năng quan sát, kỹ năng sáng tạo những phương pháp và có tinh thần cấp tiến thì sẽ không e ngại bị ảnh hưởng bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi nghĩ, nếu con người biết vận dụng công nghệ đúng cách thì họ sẽ giúp cuộc sống tốt hơn.

Từ kinh nghiệm của người hơn 20  năm làm nghề nhân sự, theo đánh giá của ông, đâu  là những điểm mạnh, điểm yếu của nhân sự CNTT Việt Nam?

Về thế mạnh, nhân sự trong ngành CNTT của Việt Nam được đánh giá là làm việc chăm chỉ, ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến, nắm bắt những công nghệ mới rất nhanh, kiến thức nền tảng tốt. Kỹ năng chuyên môn của nhân sự CNTT Việt Nam không hề thua kém các nước khác nên có thể thấy rất nhiều công ty nước ngoài đang đầu tư ồ ạt vào mảng công nghệ cao ở Việt Nam, thậm chí là thường xuyên sử dụng các lập trình viên ở Việt Nam để gia công phần mềm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, nhân lực Việt Nam đang còn thiếu những kỹ năng như: phong cách làm việc chuyên nghiệp, tư duy toàn cầu, kỹ năng quản lý công việc, khả năng làm việc theo nhóm, đặc biệt là tiếng Anh. Ngoài ra, việc không có ý định gắn bó lâu dài với công việc cũng là điểm còn hạn chế của nhân sự CNTT, theo khảo sát của VietnamWorks vào tháng 6 vừa qua, có đến 74% nhân sự CNTT tham gia khảo sát cho biết họ có ý định chuyển việc trong 6 tháng tiếp theo.

Đặc biệt là, Việt Nam đang rất khan hiếm nhân sự chuyên môn cao trong lĩnh vực CNTT, những người được gọi là chuyên gia. Nguyên nhân một phần do tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, các nhân sự CNTT sau 3 năm làm việc có xu hướng muốn trở thành cấp giám sát hoặc quản lý, thay vì phát triển sự nghiệp theo hướng là một chuyên gia. Tuy nhiên, các công việc về quản lý sẽ thiên về quản trị con người nhiều hơn, một khi ngưng thực thi công việc từ quá sớm, tay nghề về kỹ năng chuyên môn của họ sẽ bị giảm sút.

Đối với nhân sự cấp quản lý ngành CNTT hiện nay thì vẫn đang thiếu kỹ năng quản lý và lãnh đạo nhóm hiệu quả, như đã nói ở trên, nguyên nhân do họ chưa chú trọng nhiều đến kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, trách nhiệm của một người cấp quản lý phải biết cách khích lệ và gắn kết nhân viên nên “giao tiếp” là một kỹ năng tối cần thiết.

Theo ictnew.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với