Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, quản lý giao thông là lĩnh vực có thể đem lại hiệu quả cao nhất khi ứng dụng các giải pháp thành phố thông minh tại Việt Nam.
Mới đây, tại buổi chia sẻ với báo chí, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương đã khẳng định việc phát triển thành phố thông minh đã trở thành một xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng các đô thị theo hướng này còn nhiều mô hình khác nhau. Vì vậy, các quốc gia thường lựa chọn một số thành phố và ứng dụng thí điểm việc quản lý theo mô hình thành phố thông minh vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cao nhất. Với điều kiện của Việt Nam, ông Thiều Phương Nam tin rằng, việc quản lý giao thông bằng việc ứng dụng thành phố thông minh sẽ phù hợp. Bởi đây là vấn đề còn nhiều băn khoăn lớn cho các cấp quản lý tại nước ta.
Cụ thể, ông Thiều Phương Nam cho rằng, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên toàn cầu. Hiện nay, có khoảng 50% dân số thế giới sống trong các đô thị. Dự kiến đến năm 2030, số dân cư thành thị tăng lên 70%. Tại Việt Nam, số lượng người dân sống trong các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng tăng lên rất nhanh. Vì vậy, việc quản lý các nguồn tài nguyên trong các thành phố trở thành một thách thức lớn. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang xem xét việc xây dựng thành phố thông minh là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia.
Theo ông Thiều Phương Nam, quản lý giao thông là lĩnh vực phù hợp để Việt Nam sớm ứng dụng mô hình thành phố thông minh trong tương lai gần |
Về mặt kỹ thuật, ông Thiều Phương Nam khẳng định, công nghệ kết nối hiện tại đã có thể đáp ứng được nhu cầu quản lý các đô thị theo mô hình thành phố thông minh. Chính phủ nhiều nước đã ứng dụng công nghệ để nâng cao tính hiệu quả của các hoạt động như quản lý việc cung cấp nước và điện. Chúng ta đã chế tạo được những cảm biến có thể gửi thông tin về cho trung tâm điều khiển ở các thành phố với tần suất 1 tuần/lần để quản lý các nguồn tài nguyên. Mới đây, hãng Qualcomm đã chế tạo thành công hai loại modem mới là MDM9207-1 và MDM9206 sử dụng công nghệ LTE đặc thù cho những thành phố thông minh. Chỉ với 2 viên pin AA, các thiết bị này có thể hoạt động liên tục trong 10 năm mà không phải sạc lại.
Mạng viễn thông thế hệ thứ tư (4G) đã phát triển đến giai đoạn LTE-Advanced với tốc độ truyền dữ liệu lên đến mức 600 Mbps. Riêng Việt Nam, mới đây, VNPT đã thử nghiệm thành công mạng LTE-Advanced (4G) với tốc độ tải về dữ liệu lên đến 584 Mbps tại đảo Phú Quốc. Nhà mạng Viettel cũng thử nghiệm thành công mạng 4G tại Vũng Tàu với tốc độ đạt trung bình từ 40-80Mbs cao hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G. Tại một số điểm tốc độ có thể đạt đến 230Mbs gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết (công nghệ 4G LTE-A cao cấp hiện nay có thể đạt tốc độ download 300 Mbs, upload 150 Mbs)
Ông Thiều Phương Nam cho biết, trong tương lai gần mạng 5G ra đời sẽ đủ năng lực phục vụ nhiều loại hình kết nối. Những khái niệm về trạm phát sóng (base station) sẽ không còn khi các thiết bị có thể kết nối với nhau ở mọi vị trí. Nhiều loại hình kết nối như Wi-Fi và các kết nối không dây khác sẽ được hợp nhất trong nền tảng chung của mạng 5G.
Nhờ vào các mạng viễn thông thế hệ mới, các loại hình ô tô thông minh ra đời sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc quản lý thông minh. Hiện nay, tại Việt Nam, việc chỉ đường cho người lái ô tô phụ thuộc vào tất cả phần mềm, dữ liệu chứa đựng trong ứng dụng định vị toàn cầu (GPS) được cài đặt trong các thiết bị cá nhân như smartphone, máy tính bảng. Trong tương lai gần, với ưu điểm của kết nối 4G/5G, người lái xe có thể quan sát được hình ảnh 3D của chiếc xe của mình và dễ dàng hơn trong việc định hướng đường đi. Những thông tin về tình hình giao thông như khu vực đang tắc đường, tuyến phố nào đang được sửa, có chướng ngại… sẽ liên tục được cập nhật vào ứng dụng chỉ đường được kết nối với các máy chủ dựa trên nền tảng điện toán đám mây.
Ông Thiều Phương Nam cũng cho biết thêm rằng, hiện nay Qualcomm đã sản xuất được chip Snapdragon 820A dành cho ô tô, vốn dựa trên nguyên mẫu chip Snapdragon 820 dành cho smartphone. Đây là bộ vi xử lý được tích hợp công nghệ kết nối modem với tốc độ lên tới 600mb/s và khả năng xử lý đồ họa GPU cũng tăng 40% so với các thế hệ cũ. Bộ vi xử lý này sẽ sớm được trang bị trên mẫu ô tô A5 hạng sang của hãng Audi được ra mắt vào cuối năm nay và sau đó được mở rộng đến các dòng xe phổ thông hơn. Việc tích hợp các con chip có khả năng kết nối mạng dữ liệu tốc độ cao như Snapdragon 820A càng cho thấy ô tô sẽ sớm trở thành một thiết bị thông minh, hỗ trợ tốt cho việc quản lý giao thông theo mô hình thành phố thông minh trên thế giới cũng như Việt Nam trong thời gian tới.
Lê Hoàng