4 tiên đoán đáng sợ nhất về Trí tuệ Nhân tạo
Khi nhắc tới Trí tuệ Nhân tạo, mọi người thường nghĩ tới những cố máy sát thủ tự hành hay một viễn cảnh con người trở thành nô lệ cho máy móc.
Những bộ phim đình đám của Hollywood đã reo rắc vào đầu chúng ta cảm giác sợ hãi khi nghĩ tới việc Trí tuệ Nhân tạo (AI) chiếm quyền kiểm soát và biến con người thành nô lệ. Tuy nhiên, đối với một ngành công nghiệp có thể tạo ra ngành kinh doanh trị hơn 1.000 tỷ USD trong năm nay và 4.000 tỷ USD vào năm 2022, những nghi ngờ có thể mang lại nhiều hậu quả đáng kể.
AI là từ thông dụng với giới kinh doanh và trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những hiệu ứng hữu hình mà nó tác động tới một loạt ngành công nghiệp khác, bao gồm cả những ngành công nghiệp vốn dựa chủ yếu vào các lao động thủ công. Khi AI tiến bộ hơn, các doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư vào nó, dẫn tới những lo lắng về vấn đề xã hội và đạo đức hơn là công nghệ.
Thất nghiệp hàng loạt
Robot cướp việc của con người thực sự là nỗi lo chung của các nhà phân tích cũng như giới công nhân. Khả năng của AI trong lĩnh vực tự động hóa sẽ khiến rất nhiều việc làm có tính chất lặp đi lặp lại bị thay thế, dẫn tới việc người lao động sẽ trở nên không còn cần thiết.
Alan Bundy, giáo sư tại trường tin học của trường Đại học Edinburgh, nhấn mạnh: “Mất việc làm có lẽ là mối lo lớn nhất”.
Theo ông Bundy, tỷ lệ thất nghiệp cao chính là lý do chính cho sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên toàn thế giới. Ông Bundy lấy ví dụ từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của ông Donald Trump cũng như việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, những người ủng hộ AI khẳng định việc làm mới sẽ được tạo ra nhưng đòi hỏi những kỹ năng cao hơn để phù hợp trong bối cảnh AI được áp dụng phổ biến khắp hành tinh. Theo Công ty Nghiên cứu Gartner dự đoán, AI sẽ tạo ra 2,3 triệu việc làm sau khi lấy đi 1,8 triệu việc làm. Điều đó đồng nghĩa với việc nó tạo ra 500.000 việc làm mới.
Dẫu vậy, nó cũng không làm giảm lo ngại về việc sa thải hàng loạt. Theo nghiên cứu của Oxford, những công việc dễ bị thay thế nhất là nhân viên môi giới, nhân viên ngân hàng, bảo hiểm, kế toán thuế… mặc dù không thể phủ nhận kỹ năng nghề nghiệp rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính.
Chiến tranh
Sự ra đời của cái gọi là robot sát thủ và việc ứng dụng AI vào lĩnh vực quân sự có thể khiến hậu quả của chiến tranh trở nên vô cùng thảm khốc. Nhà sáng lập Tesla Elon Musk được biết đến như là một người rất phản đối AI. Năm ngoái, vị tỷ phú nổi tiếng ngông cuồng này còn cảnh báo AI sẽ dẫn tới Thế chiến III.
Dù rõ ràng Elon Musk đã nhận định với đôi chút cường điệu nhưng nó vẫn đủ gây sợ hãi với nhiều người. Các nhà phân tích cũng như các nhà vận động lập luận rằng cho vũ khí quyền giết người hay áp dụng AI vào quyết định quân sự sẽ tạo ra vô số tình huống khó xử về đạo đức.
Thậm chí, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước cấm loại máy móc giết người. Từ năm 2013, người ta đã tổ chức các hoạt động kêu gọi ngừng phát triển robot sát thủ cũng như không áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực quân sự.
“Bất cứ hệ thống máy móc nào, dù là trí tuệ nhân tạo hay không, đều không được phép đưa ra những quyết định liên quan tới sự sống và cái chết, chẳng hạn như nổ súng hay phóng tên lửa. Ý nghĩ đó thực sự đáng sợ”, Frank van Harmelen, một nhà nghiên cứu AI tại Vrije Universiteit Amsterdam, nhấn mạnh.
Ngoài ra, người ta cũng tỏ ra lo ngại việc AI đưa ra những báo động nhầm, có thể gây ra những hậu quả thảm khốc trong bối cảnh vũ khí hạt nhân của các cường quốc luôn sẵn sàng nằm trên bệ phóng.
Bác sĩ robot
Khi các chuyên gia đều đồng ý về lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho lĩnh vực y tế, chẳng hạn như chuẩn đoán bệnh sớm hay có cái nhìn tổng thể về sức khỏe, một số bác sĩ lại cảnh báo về việc con người quá phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo trong việc đưa ra nhận định khám chữa bệnh. Đến thời điểm hiện tại, tất cả ứng dụng AI cho y tế đều rất thành công nhưng nó chỉ ở trong một phạm vi hẹp. Nếu rộng hơn, những ứng dụng này khó có thể đáp ứng các đòi hỏi.
Tuần trước, một báo cáo y tế dẫn số liệu nội bộ của IBM cho thấy siêu máy tính của Watson đã đưa ra những khuyến nghị không an toàn và thiếu chính xác về điều trị ung thư. Theo bài báo, phần mềm này chỉ được huấn luyện về một số ít trường hợp, không thể đa dạng như trong thực tế.
Giám sát hàng loạt
Các chuyên gia cũng sợ rằng AI sẽ được dùng để giám sát cuộc sống của mọi người liên tục trong cả ngày. Ở Trung Quốc, nỗi sợ này đang trở thành hiện thực khi tại nhiều thành phố khác nhau, công nghệ nhận diện khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo được nhà chức trách sử dụng nhằm giảm bớt tội phạm.
Trung Quốc hiện có khoảng 200 triệu máy quay giám sát. Nhà chức trách Trung Quốc cũng có khả năng truy cập các thông tin công dân. Hiện tại, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phấn đấu ngồi vào vị trí số 1 thế giới về AI vào năm 2030 cũng như muốn tăng giá trị của ngành công nghiệp này lên 1 nghìn tỷ tệ (146,6 tỷ USD) vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, chẳng ai muốn bị giám sát mọi lúc, mọi nơi.
Theo cafef.vn