Năm 2016 sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) của Việt Nam cùng với xu thế chuyển đổi số hóa (digital transformation) của thế giới. Những điều này không chỉ diễn ra đối với các công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp CNTT-TT mà ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam khác có liên quan cũng sẽ chịu tác động.
Doanh nghiệp nào thích ứng nhanh với những thay đổi này sẽ nắm bắt được cơ hội cũng như gặp thuận lợi trong quá trình kinh doanh, phục vụ khách hàng. Sau đây là một số dự đoán cho năm 2016:
Thứ nhất, doanh thu ngành CNTT-TT sẽ tăng hơn 35% trong năm 2016 sau khi tăng mạnh trong năm 2015. Dự đoán này dựa trên cơ sở các doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trong cả thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời các hiệp định quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ càng tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam tìm kiếm cơ hội phát triển ở các thị trường mới. Nếu dự báo này của Frost & Sullivan thành hiện thực thì doanh thu ngành CNTT-TT Việt Nam sẽ kỳ vọng đạt hơn 55 tỉ đô la Mỹ.
Thứ hai, thị trường viễn thông của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tích cực với sự cạnh tranh khốc liệt hơn của ba nhà mạng hàng đầu Viettel, Vinaphone và MobiFone khi thị trường đã bước vào giai đoạn bão hòa. Năm 2016, cuộc chơi 4G LTE (băng thông rộng dành cho di động thế hệ mới) sẽ chính thức bắt đầu, và thời điểm này hoàn toàn khác với năm 2009 khi Việt Nam lần đầu tiếp xúc với dịch vụ 3G. Người tiêu dùng hiện nay có nhiều kiến thức hơn về dịch vụ cũng như nhiều nhà phân phối hơn thời điểm 2009 để lựa chọn.
Vì thế các nhà mạng cũng hiểu được là năm 2016 sẽ là năm bản lề hết sức quan trọng để phát triển dịch vụ 4G, nhà mạng nào thu hút được nhiều khách hàng hơn vào năm 2016 sẽ có lợi thế để phát triển mạng lưới khách hàng và dịch vụ 4G LTE về lâu về dài. Tùy vào giá thành của các nhà mạng cho gói dịch vụ mới mà số lượng người chuyển sang 4G LTE sẽ thay đổi, nhưng nếu giá của dịch vụ mới không đắt hơn quá nhiều so với dịch vụ 3G, Frost & Sullivan dự đoán sẽ có từ 10-15% người sử dụng dịch vụ 3G hiện tại chuyển sang dùng 4G LTE, tương ứng với khoảng 3-5 triệu người dùng mới.
Nền tảng dịch vụ công nghệ Internet của vạn vật (Internet of Things – IoT) sẽ là điểm đột phá mới của lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam. |
Thứ ba, vào năm 2016, tổng số lượng điện thoại thông minh (smartphone) sẽ lần đầu tiên chiếm thị phần nhiều hơn so với dòng điện thoại phổ thông (feature phone). Sự tăng trưởng của dòng điện thoại thông minh tại Việt Nam trong thời gian qua được giải thích bởi lý do giá thành của dòng sản phẩm này ngày càng giảm với sự tham gia của các thương hiệu không chỉ của Việt Nam như Viettel, Mobiistar mà còn của quốc tế như Xiaomi, Lenovo, Samsung.
Theo Frost & Sullivan, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng của người sử dụng điện thoại thông minh. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp bán lẻ cần chú ý điều này và tập trung đầu tư vào việc kinh doanh qua nền tảng điện thoại di động. Doanh nghiệp nào sớm nắm bắt được sự thay đổi này sẽ có cơ hội rất tốt cho việc tiếp cận, chào bán và chăm sóc khách hàng, thay vì chỉ tập trung vào các kênh kinh doanh truyền thống.
Thứ tư, thị trường thương mại điện tử (eCommerce) Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh vào năm 2016. Có khả năng sẽ có thêm những thương hiệu thương mại điện tử quốc tế thâm nhập vào Việt Nam và cũng sẽ không ít doanh nghiệp đang hoạt động sẽ từ bỏ cuộc chơi khốc liệt này.
Năm 2015, thị trường thương mại điện tử Việt Nam kết thúc bằng sự ra đi của những tên tuổi lừng lẫy một thời như beyeu (đóng cửa) hoặc Foodpanda (được bán lại cho đối thủ là Vietnammm). Bên cạnh đó còn có thông tin về các đối thủ của Uber (công ty cung cấp dịch vụ phần mềm kinh doanh taxi) gồm có Ola, Didi, Lyft, và GrabTaxi sẽ liên minh với nhau trên mạng lưới toàn cầu để cạnh tranh với Uber. Hiện tại ở Việt Nam, có sự hiện diện của Uber, GrabTaxi và một số công ty khác, và năm 2016 sẽ là một năm cạnh tranh thực sự khốc liệt cho các công ty này. Nhiều khả năng công ty nào không chịu nổi sự dài hơi về đầu tư tài chính sẽ lặng lẽ ra đi như trường hợp Easy Taxi hồi đầu năm 2015.
Song song với sự tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải chú ý và hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng mạng xã hội (social network) như Facebook, Instagram và các công cụ quảng cáo số (digital marketing) trong việc khuyến mãi, tiếp cận khách hàng cũng như quảng bá thương hiệu.
Một ví dụ điển hình trong khu vực là mạng xã hội Line đã tiến hành chương trình bán hàng giảm giá “Flash Sale” ngay trên nền tảng ứng dụng (app) của chính Line, kết quả đã thu hút được hơn 5 triệu khách hàng trong chương trình bán hàng lần đó. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm và sáng tạo hơn nữa trong việc tối ưu hóa các công cụ này nhằm khai thác những cơ hội tiềm năng cũng như tạo dựng được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Thứ năm, ứng dụng trên nền công nghệ Internet của vạn vật (Internet of Things – IoT) sẽ tiếp tục tạo những dấu ấn nhất định trên thị trường CNTT-TT Việt Nam. Trên nền tảng hỗ trợ của bốn trụ cột công nghệ là mạng xã hội (Social), công nghệ di động (Mobility), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) và điện toán đám mây (Cloud), IoT được dự báo sẽ đem lại một kỷ nguyên số mới bùng nổ cả về số lượng kết nối cũng như các dịch vụ, ứng dụng trên nền Internet, tạo động lực mạnh mẽ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
So với các thị trường láng giềng như Singapore và Malaysia, thị trường IoT Việt Nam hiện đang vẫn là một con số khá khiêm tốn, ví dụ so với thị trường Malaysia hiện đang hơn 40 triệu đô la Mỹ thì chắc chắn kích cỡ của IoT Việt Nam sẽ thấp hơn khá nhiều. Tuy nhiên không vì thế mà các doang nghiệp Việt Nam bỏ ngỏ cơ hội nghiên cứu đưa ra các sản phẩm, dịch vụ giúp họ quản lý, khai thác và kết nối với người tiêu dùng một cách tốt hơn.
Hiện nay ở Việt Nam đã manh nha xuất hiện những sản phẩm IoT tiêu biểu như sản phẩm nhà thông minh, giao thông thông minh, bệnh viện thông minh. Nền tảng dịch vụ công nghệ Internet của vạn vật (Internet of Things – IoT) sẽ là điểm đột phá mới của lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT-TT nên dành sự quan tâm nhất định cho việc phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng mới này.