Kể từ khi Google ra mắt năm 1998, hãng đã làm thay đổi cách mà chúng ta sử dụng công nghệ bằng hàng loạt sản phẩm nổi bật: Google Search giúp mọi người tìm kiếm mọi thứ, Google Maps chỉ đường, Gmail phổ cập email tới cho mọi người, YouTube đem video online lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, cũng như nhiều công ty công nghệ khác Google vẫn có rất nhiều sản phẩm thất bại. Có những cái thất bại nhỏ, cũng có những thất bại lớn.
Google TV
Đây là nỗ lực đầu tiên của Google hòng chiếm lĩnh thị trường giải trí gia đình. Google TV là một nền tảng dựa trên Android nhưng với giao diện và cửa hàng Play Store được tùy biến để dùng trên màn hình lớn. Nó ra mắt lần đầu vào tháng 10 năm 2010. Sony, Logitech, LG, Samsung là những đối tác đầu tiên làm phần cứng Google TV nhưng cả hai đã nhanh chóng từ bỏ mảng sản phẩm này một thời ngắn sau đó. Google TV hiện đã được thay thế bằng Android TV.
Lý do Google TV thất bại đó là giải pháp của họ không khác biệt nhiều so với cơn sốt Smart TV đang nổi lên trong những năm 2010-2012. Những gì Google TV làm được thì các Smart TV khác cũng làm được, kể cả việc tích hợp những nội dung thuộc sở hữu Google như YouTube. Bản thân các hãng đối tác của Google cũng có giải pháp Smart TV riêng, vậy nên họ không tích cực quảng cáo cho dòng Google TV của mình vì chả khác nào “tự mình cắn đít mình”. Google TV cũng không được bán rộng rãi bằng Smart TV bình thường. Ngoài ra, Google TV cũng chịu sự cạnh tranh rất mạnh từ Apple TV, Roku và các thiết bị TV thông minh khác trong thời gian đó.
Google Glass
Một sản phẩm được hứa hẹn rất nhiều nhưng cũng thất vọng thật nhiều. Glass xuất hiện lần đầu tiên trong năm 2013 khi Google nhắc tới nó trong sự kiện lập trình viên I/O. Glass ra đời với vai trò là một thiết bị thông minh luôn nằm trên mặt của người dùng để ghi nhận hình ảnh và cung cấp thông tin thời gian thực. Tuy Glass không phải là chiếc kính mắt thông minh đầu tiên nhưng nó được chống lưng bởi ông lớn Google nên người ta đặt nhiều kỳ vọng vào nó hơn.
Thật đáng tiếc, Glass chưa bao giờ có thể trở thành thứ mà Google và cộng đồng công nghệ kỳ vọng. Thiết kế không giống kính mắt truyền thống, phân phối hạn chế, mức giá cao là những rào cản chính để Glass có thể trở nên phổ biến. Những chiếc Glass đầu tiên bán ra chủ yếu chỉ dành cho những người thích trải nghiệm công nghệ hay những người nổi tiếng mà thôi. Ngoài ra, nhiều người cũng than phiền rằng việc nhìn liên tục vào màn hình của Glass, vốn nằm ở trên bên phải, gây ra nhức mắt và không thoải mái.
Glass hiện tại chưa bị khai tử hoàn toàn, nó vẫn còn được Google nghiên cứu phát triển để dùng trong các công ty, nhà máy hoặc nhà kho, nói chung là ứng dụng trong mảnh doanh nghiệp. Chưa rõ tương lai của Glass có khá hơn không vì vẫn chưa nghe Google nói nhiều về kế hoạch mới của mình.
Project Ara
Có lẽ anh em Tinh tế chẳng xa lạ gì với dự án điện thoại lắp ghép này. Được ra mắt lần đầu trong năm 2013, Ara được Google lấy lại từ Motorola sau khi hãng mua lại công ty này. Ara có nhiệm vụ thay đổi cơ bản cách mà chúng ta mua và sử dụng điện thoại. Từ việc chỉ dùng một cái điện thoại cố định, bạn có thể tháo lắp nó giống như lắp ráp máy tính, bạn có thể đổi các linh kiện mà bạn muốn: thay màn hình độ phân giải cao hơn, thay chip xử lý mạnh hơn, thay pin to hơn, thay camera ngon hơn.
Ara được hứa hẹn sẽ ra mắt sản phẩm thương mại vào đầu năm 2016 nhưng Google đã phải hoãn kế hoạch lại vì lý do giải pháp kết nối giữa các module với khung sườn chưa hoàn chỉnh, dễ rớt. Tới tháng 9, trong một động thái hơi bất ngờ, Google tuyên bố ngừng phát triển Ara vì nó không mang lại lợi ích có thể nhìn thấy được. Suy cho cùng, Google vẫn là một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì phải làm những thứ có thể thu lại lợi nhuận nên chuyện Ara bị khai tử cũng không phải là quá khó hiểu. Ara là minh chứng cho việc ý tưởng hay nhưng không thành công.
Google+
Đây có lẽ là một trong những thất bại lớn nhất từng xảy ra với Google kể từ khi công ty đi vào hoạt động. Google+ là mạng xã hội được sinh ra để cạnh tranh với Facebook, Google cũng đã đẩy mạnh nó theo nhiều khía cạnh, trên nhiều kênh khác nhau hòng lấy được người dùng. Google+ có một giao diện hiện đại hơn, tính năng ảnh được chú trọng hơn so với Facebook, và tích hợp tốt với các dịch vụ của Google.
Tuy nhiên, hàng loạt sai lầm liên tiếp đã khiến Google+ thất bại. Đầu tiên, ngay từ buổi ra mắt, không phải ai cũng có thể xài Google+ mà phải có thư mời. Đây là một sai lầm chết người vì khi đó khách hàng còn đang sôi sục muốn thử nghiệm nhưng lại không có cơ hội xài, vậy nên họ từ bỏ ngay. Sau đó, Google thực thi hàng loạt chính sách tích hợp Google+ vào những trang web khác của họ mà đỉnh điểm là việc comment trên YouTube khiến người dùng cảm thấy khó chịu và phản đối gay gắt. Quan trọng hơn, những nội dung và cộng đồng Google+ không thể nào cạnh tranh được với Facebook và Twitter.
Google+ hiện vẫn còn sống “lay lắt” cho tới nay, còn mảng Photos được tách riêng ra thành Google Photos với lượng người dùng đông đảo. Trước Google+, Google cũng có mạng xã hội Buzz ra mắt năm 2010 nhưng bị đóng cửa năm 2011, và Google Friend Connect ra mắt 2008 đóng cửa 2012.
Google Wave
Wave là một nền tảng giao tiếp được Google ra mắt năm 2009. Nó có chức năng email, chat, wiki, web chat, mạng xã hội và cả quản lý dự án. Wave quá phức tạp để sử dụng và thậm chí còn làm rối người dùng, trong khi không thể cạnh tranh được với những giải pháp tương tự dành cho doanh nghiệp đến từ Microsoft, SAP và những đơn vị chuyên làm phần mềm doanh nghiệp. Năm 2010, Google tuyên bố dừng phát triển Wave và hai năm các server của Wave chính thức ngừng hoạt động.
Android@Home
Năm 2011, Google ra mắt nền tảng công nghệ nhà thông minh với tên gọi Android@Home. Kế hoạch sẽ là Google phát triển nền tảng phần mềm dùng cho các phần cứng smarthome, và như cái tên đã gợi ý, cốt lõi của nó sẽ là Android. Những thiết bị này có thể được điều khiển bởi bất kì điện thoại Android nào người dùng đang có trong tay.
Sau khi ra mắt, chúng ta không nghe nhiều về tiến độ của dự án, và nó cũng chưa bao giờ trở nên phổ biến với chỉ vài phần cứng Android@Home được giới thiệu. Trong khi đó, Google mua lại Nest và phát triển thiết bị smarthome theo một hướng khác hoàn toàn, hỗ trợ đa nền tảng và không còn lấy Android làm cốt lõi. Các đối thủ Apple HomeKit, Samsung SmartThing, LG Smart Home cũng nổi dậy mạnh mẽ cùng lợi thế phần cứng đã tiễn Android@Home vào dĩ vãng.
Google Lively
Đây là ví dụ của ý tưởng tốt nhưng cách thực thi không tốt và thời điểm cũng không thuận lợi. Google Lively sẽ cho phép người dùng tạo nên những hình tượng ảo (avatar) để tương tác trong không gian 3D với người khác trong các phòng chat. Không gian trong Lively cũng khá rộng rãi và theo hơi hướng Minecraft. Người ta thích ý tưởng này, nhất là khi những dịch vụ mô phỏng lại cuộc sống như Second Life vẫn còn đang sống tới tận ngày hôm nay. Lively ra đời năm 2008 và đóng cửa chỉ 8 tháng sau đó.
Tuy vậy, các vấn đề về server cùng sự phổ biến nhanh chóng của Facebook và các ứng dụng chat OTT đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Lively. Chúng ta không còn gặp người bạn mới qua những phòng chat nữa mà thông qua Facebook, Twitter và những dịch vụ tương tự. Chúng ta không còn quan niệm Internet là nơi để gặp gỡ, để ghé thăm nữa. Internet giờ là một phần tất yếu của cuộc sống thường ngày, nó hoàn nhập vào cuộc sống đó như một mảng không thể tách rời.
Theo Vtimes