Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023

- in Năng lượng sạch, Tổng Hợp

Chiều ngày 14/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023 lần thứ 6 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức (BMWK) đồng chủ trì; Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ và Dự án CASE tổ chức. Diễn đàn có sự tham dự và tham gia thảo luận của ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, Giám đốc VP Carbon Solutions.

Sự tham gia đa dạng

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023 lần thứ 6 có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đông đảo các khách mời, gồm đại diện của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trên toàn quốc; đại diện các tổ chức, tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng; đại diện các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; các tổ chức, cá nhân quan tâm…

Chuyên đề thảo luận

Diễn đàn đã tập trung trao đổi về thực trạng, tiềm năng, những cơ hội, thách thức cũng như các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành năng lượng tái tạo (NLTT) Việt Nam. Đây là vấn đề rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển dịch năng lượng và là thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực NLTT.

Mục tiêu nội địa hóa

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) cũng nhấn mạnh sẽ phát triển mạnh các nguồn NLTT phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực sự; định hướng đến năm 2050, tỷ lệ NLTT lên đến 67,5-71,5%. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào việc cung cấp dịch vụ cho ngành điện gió, điện mặt trời còn thấp.

Nội dung diễn đàn

Diễn đàn bao gồm hai phiên, trong đó phiên đầu tập trung phân tích hiện trạng phát triển ngành NLTT Việt Nam, tiềm năng phát huy nội địa hóa trong ngành & kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các dịch vụ cho ngành từ các doanh nghiệp nội địa. Phiên thứ hai là tọa đàm thảo luận, trao đổi về thực trạng và giải pháp thúc đẩy nội địa hóa công nghệ trong phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam.

Sự tham gia của diễn giả

Ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, Giám đốc VP Carbon Solutions – là một trong các diễn giả tham gia thảo luận tại phiên 2, cùng các diễn giả khác gồm: bà Trần Thị Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Phạm Nguyên Hùng – Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận; bà Trương Chí Bình – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; bà Vũ Chi Mai – Giám đốc dự án CASE và ông Đinh Văn Tuân – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ba Son.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng năm 2023Ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, Giám đốc VP Carbon Solutions – tại phiên tọa đàm

Phân tích thách thức và giải pháp

Tại phiên tọa đàm, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ về thực trạng của ngành NLTT, thực tế tình hình nội địa hóa trong ngành hiện nay, những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp trong nước khi muốn tham gia chuỗi cung ứng. Theo đó, bên cạnh vấn đề là chính sách, khung pháp lý cho ngành NLTT – yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành, việc nội địa hóa trong ngành còn gặp một số thách thức liên quan đến nguồn lực công nghệ, nhân lực chất lượng cao…

Góc độ của các doanh nghiệp

Các đại biểu cũng lần lượt đưa ra các khuyến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành NLTT. Trong đó, đứng từ góc độ của một doanh nghiệp tiên phong trong ngành, ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group – đã chia sẻ về tính chủ động của các doanh nghiệp, không chỉ hướng tới thị trường nội địa mà còn có thể tận dụng xu hướng phát triển NLTT trên toàn cầu, hay trước hết là ở ngay trong khu vực. Ông Đăng An cũng gợi mở hướng liên kết chuỗi ung ứng năng lượng sạch – giao thông xanh để có thể vừa thúc đẩy sự phát triển của cả ngành NLTT, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và giao thông vừa có thể tiên phong trong chuỗi cung ứng này, cạnh tranh với các đơn vị quốc tế…

Năng lượng tái tạo cho tương lai

Trong bối cảnh khai thác, ứng dụng NLTT đang là xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững, việc tăng cường khả năng làm chủ công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa là rất cần thiết, không chỉ giúp kích thích ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, gia tăng khả năng tự chủ trong ngành mà còn hướng tới tăng nhận diện thương hiệu Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và để làm tốt “bài toán” này, rất cần sự chung tay phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng các tổ chức liên quan…

Vũ Phong Energy Group

Bạn có quan tâm tới

Đón đầu xu hướng: Hợp tác lắp đặt trạm sạc xe điện 0 đồng, lợi nhuận bền vững

Xe điện đang trở thành xu hướng toàn