Thị trường điện mặt trời tiếp tục “nóng” và sẽ tăng trưởng mạnh khi ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn xem đây hướng phát triển bền vững, rót hàng tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư.
Ngày càng nhiều dự án điện mặt trời tỉ đô
Nếu năm 2018, năng lượng tái tạo đứng thứ 10 trong các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư thì đến năm 2019 đã “bật” lên vị trí thứ 3, chỉ sau công nghệ tài chính và giáo dục. Trong đó, điện mặt trời phát triển mạnh mẽ với hàng loạt dự án mới cùng những khoản đầu tư “khủng”. Xu hướng này đang tiếp tục, đặc biệt khi có sự góp mặt của nhiều “tay chơi” mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Chẳng hạn như, mới đây, dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) công suất 330 MW đã được khởi công xây dựng. Dự án này có vốn đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng, nằm trên diện tích 380 ha, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, ước tính sẽ tạo ra 520 triệu kWh điện mỗi năm, giúp giảm phát thải 146.000 tấn CO2. Đây là dự án của Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch – một công ty thành viên của BCG Energy (thuộc Tập đoàn Công ty Bamboo Capital). BCG Energy là gương mặt khá mới trong thị trường ngành năng lượng tái tạo khi được thành lập năm 2017 nhưng đến nay đã rót hàng tỉ đô la vào lĩnh vực này với hàng loạt dự án lớn tại Long An, Bến Tre.
Một “siêu dự án” khác cũng đang được xúc tiến là Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận gồm 5 nhà máy với tổng công suất lên đến 1.000 MW, vốn đầu tư ban đầu dự kiến trên 2 tỉ đô la Mỹ. Nhà máy đầu tiên có công suất 50 MW đã được hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia hồi tháng 3/2020. Trong năm nay, Thiên Tân Group sẽ hoàn tất xây dựng cả 5 nhà máy, trong đó có 2 nhà máy công suất 300 MW. “Siêu dự án” này mới là dự án điện mặt trời thứ 2 của Thiên Tân Group sau dự án Nhà máy điện mặt trời Mộ Đức (Quảng Ngãi) công suất 19,2 MW.
Trước đó, thị trường ngành năng lượng tái tạo cũng ghi nhận nhiều dự án nhà máy điện mặt trời quy mô “khủng” như Dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam (Bình Thuận) công suất 450 MW kết hợp trạm biến áp 220/500kV và đường dây 500kV, 220kV với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng (dự kiến sẽ hoàn thành và kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia vào tháng 9/2020); cụm Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2 (Tây Ninh), tổng mức đầu tư khoảng 9,1 nghìn tỉ đồng…
Nhà máy Điện mặt trời Dầu Tiếng – thi công một phần bởi Vũ Phong Solar
“Cuộc đua” chiếm thị phần và hưởng ưu đãi chính sách
Sức hút từ điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung vẫn rất lớn trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang là hướng phát triển chủ lực của ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu và tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng tại Việt Nam trong thời gian tới do tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện cao hơn tốc độ tăng trưởng của nguồn cung mới. Trong năm nay, Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu hàng tỉ kWh điện từ Lào và Trung Quốc. Giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ thiếu khoảng 41,7 tỉ kWh điện. Dư địa thị trường rộng là động lực để nhiều doanh nghiệp mạnh dạn xuống tiền đầu tư nhằm chiếm lĩnh thị phần và xem năng lượng tái tạo là kế hoạch phát triển trọng điểm trong giai đoạn này. Một số doanh nghiệp xác định đầu tư năng lượng tái tạo hướng đến sự tăng trưởng ổn định chứ không phải là tìm kiếm lợi nhuận “nóng” và đã có những chiến lược cụ thể để chiếm thị phần, tạo chỗ đứng trong ngành.
Không chỉ để chiếm thị phần, các dự án tỉ đô được gấp rút triển khai còn được nhìn nhận như một “cuộc đua” với thời gian để hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ cho điện mặt trời, trước đây là Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với giá FIT, hiện tại là quyết định 13/2020/QĐ-TTg (thay thế Quyết định 11) với giá FIT 2. Tuy thời hạn áp dụng ưu đãi của Quyết định 13 quá ngắn (từ 22/5/2020 đến 31/12/2020) trong tình hình chuỗi cung ứng gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19 đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp đã quyết định dồn nguồn lực phát triển các dự án để kịp hưởng giá ưu đãi này.
Không chỉ các nhà máy điện mặt trời, các dự án điện mặt trời áp mái, điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao… cũng được doanh nghiệp gấp rút thực hiện để tận dụng chính sách giá FIT 2
Các dự án điện mặt trời tỉ đô liên tiếp được triển khai là tín hiệu tích cực không chỉ đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo mà cho cả ngành công nghiệp năng lượng nước nhà, nhất là khi nhiều nhà máy nhiệt điện đang chậm tiến độ và hầu hết các nhà máy thủy điện bị thiếu nước trầm trọng. Các dự án năng lượng sạch này chính là nguồn cung kịp thời giúp giảm áp lực cho ngành điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nguồn: Vuphong.vn