Chúng ta có cảm thấy Internet of Things sẽ mang lại lợi ích thực tế cho cuộc sống?
Mới đây, tay viết kỳ cựu Gary Ebersole trên trang Huffingtonpost đã chia sẻ góc nhìn của ổng về xu hướng phát triển Internet of Things (IoT) trong những năm qua. Điều đáng nói, Ebersole chính là đồng sáng lập của quỹ Open IoT, quỹ hỗ trợ phát triển và khai thác đúng hướng các giá trị của IoT trong cuộc sống con người.
Ông cho rằng bản thân có phần “cầu toàn” khi cảm thấy mối quan hệ giữa mình và mạng Internet đang ở mức “vừa đủ”. Các công cụ tìm kiếm như Google mang lại cho chúng ta nhiều thông tin vô cùng hữu ích chỉ bằng vài thao tác. Rõ ràng trong mọi thứ bạn luôn cần cho đi để nhận lại điều gì đó, ở trường hợp này, Google cung cấp cho bạn nhiều dịch vụ miễn phí, đồng thời thu thập các thông tin liên quan của khách hàng để hỗ trợ mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến của họ.
Cứ mỗi khi chúng ta tìm kiếm hay sử dụng các dịch vụ của Google, họ càng hiểu rõ hơn về chúng ta. Nhờ đó, các khách hàng khác của Google, những người trả tiền để đăng quảng cáo thông qua hệ thống AdWords, có thể sử dụng thông tin Google thu thập được để nhắm đúng đối tượng mục tiêu mà họ hướng tới. Dĩ nhiên chẳng ai bắt bạn sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo, có rất nhiều lựa chọn khác không hề theo dõi bạn, nhưng nó không thể tốt bằng các công cụ tìm kiếm nói trên. Như Ebersole đã nói, có đi thì có lại, không ai cho không bạn điều gì hết.
Hầu hết chúng ta đều sử dụng các dịch vụ email miễn phí, như Google hay Yahoo. Có không ít dịch vụ email trả tiền, những dịch vụ đảm bảo sự riêng tư của bạn, với việc bạn phải bỏ ra từ 5 – 10 USD mỗi tháng. Tất nhiên, không có lý gì để từ chối Gmail cả, và Google thu lợi từ việc “chỉ đường” cho các email quảng cáo tới đúng hòm mail của bạn. Một lần nữa cần phải nhắc lại, “không có ai cho không bạn điều gì hết”.
Internet of Thing sẽ tạo ra thềm hàng tỷ kết nối toàn cầu, với băng thông tiêu tốn không thể ước tính.
Một số người cảm giác đó là sự trao đổi công bằng, giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Google cho chúng ta dùng các dịch vụ từ công cụ tìm kiếm cho tới hòm mail miễn phí, và lấy đi 1 phần riêng tư của mỗi người. Facebook kết nối mọi người với nhau mà không hề tính phí, chúng ta cũng chỉ mất “một chút” riêng tư. Mọi thứ đều ổn cho tới khi ai cũng đòi hỏi “sự tự do” và “riêng tư” đồng thời lên án “những kẻ theo dõi họ”. Mô hình hoạt động này vẫn tỏ ra cân bằng về lợi ích dù nhìn từ bất cứ góc độ nào, nhờ đó mà các dịch vụ trực tuyến không ngừng phát triển. Bởi lẽ, “không ai cho không bạn điều gì hết”.
Dù sao đi nữa, phải nói rằng người được lợi nhiều hơn vẫn là các công ty, tập đoàn công nghệ như Google, Facebook hay Apple. Thông tin của bạn tạo ra hàng tỷ USD mỗi năm cho những “gã khổng lồ” này. Và dĩ nhiên, lợi nhuận đó sẽ tăng lên khi họ có nhiều hơn những thông tin về bạn, đây là lúc mà chúng ta nên nghĩ tới Internet of Things (IoT). Thường được gọi là Internet Vạn Vật, dễ hiểu hơn, mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta sẽ có khả năng kết nối Internet. Khi đó, từ tù lạnh, máy giặt cho tới bàn chải đánh răng của bạn cũng có thể trở thành chiếc cần câu “thông tin cá nhân” từ một bên thứ 3.
Ebersole so sánh IoT như “ma cà rồng hút dữ liệu”. Thực tế sẽ có hàng triệu con ma cà rồng như vậy trong tương lai, nếu IoT thực sự phát triển. Theo tính toán, các thiết bị sử dụng IoT sẽ tiêu tốn hàng tỷ bit dữ liệu, chúng đều là thông tin cá nhân và lịch sử hoạt động hàng ngày của người dùng. Dù các thiết bị IoT phần nào sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn, nhưng nó là điệp viên theo dõi mà bạn chẳng thể nào kiểm soát nổi.
Bạn sẽ nghĩ rằng mình bỏ tiền ra để mua công tắc đèn thông minh, hay thiết bị sưởi có khả năng “học tập”, nhưng thực chất bạn đang mua về những điệp viên theo dõi chính mình. Lúc đó, câu “không ai cho không bạn điều gì hết” chẳng còn đúng nữa, có lẽ nên thay bằng “tiền mất tật mang” thì hơn. Đây là thời điểm mà sự cân bằng về lợi ích giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ không còn nữa.
Đáng buồn thay, một Internet không công bằng và thiếu minh bạch đang được người ta tung hô và nhanh chóng trở thành một xu hướng mới, một tiêu chuẩn mới. Các công ty lớn đang dùng cái họ gọi là “lợi ích người dùng” để che đi sự thiếu minh bạch của họ. Họ dùng ngôn từ pháp lý để che giấu bản chất và mức độ thu thập thông tin “quá đáng” thông qua các “ma cà rồng dữ liệu” của mình. Thậm chí còn tệ hơn, các doanh nghiệp lớn tin rằng người dùng sẽ không ngần ngại chi tiền để rước “điệp viên” của họ về nhà. Như vậy, các doanh nghiệp thu lời 2 lần, còn người dùng phải trả giá 2 lần bằng tiền và sự riêng tư của họ.
Một lần nữa phải nhắc tới sự “Không công bằng” mà chúng ta đang hướng tới trên con đường phát triển của khoa học công nghệ. Dễ dàng thấy được một bộ phận người tiêu dùng đang mù quáng, chấp nhận thế giới Internet “vẩn đục” và làm giàu cho các đại gia công nghệ. Đó là lý do tại sao Ebersole thành lập nên quỹ OpenIoT với một nhiệm vụ định hướng lại cách nhìn của mọi người về Internet Vạn Vật, đồng thở chỉ ra cho họ đâu là những con ma cà rồng.
Niềm tin của người dùng đang bị xâm phạm bởi những kẻ thiếu ý thức xây dựng xã hội, đồng thời Ebersole cũng không nghĩ rằng Internet of Things sẽ sớm mang lại những giá trị thực sự cho cuộc sống, đơn thuần nó chỉ “hút” tiền và thông tin của chúng ta mà thôi.
Còn nhớ, TheVerge đã từng phải lên tiếng về một sản phẩm mang cái mác “Internet of Things” vô cùng lố lăng. Bàn chải “thông minh” của Philips có giá lên tới 350 USD chỉ với tác dụng mua vui cho những đứa trẻ, và quá nửa số tiền để để mua 1 ứng dụng ngộ nghĩnh trên iPad giúp dỗ dành trẻ em khi chúng đánh răng.
Qua đó, chúng ta thấy rõ được một số hãng công nghệ đang coi thường người dùng tới mức nào. Họ tự tạo ra thứ gọi là “xu hướng của tương lai”, sau đó bám vào để thu lợi 1 cách thiếu minh bạch. Hơn bao giờ hết, người dùng công nghệ cần tự nhận thức và khẳng định quyền sử dụng Internet một cách minh bạch, đó là 1 Internet cân bằng với những giá trị đích thực, có cho đi và cũng có nhận lại.
Internet of Things có thể trở thành tương lai của nhân loại hay không, hay đó chỉ là khái niệm ngông cuồng, thiếu thực tiễn và là mồi câu của các thế lực lớn?
Tham khảo Huffingtonpost