Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực ngành điều dưỡng, yêu cầu hạn chế tiếp xúc trực tiếp do dịch bệnh COVID-19, Nhật Bản đang nỗ lực ứng dụng IoT và AI trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để các nhân viên có thể thực hiện từ xa.
Các thiết bị cảm biến sẽ chịu trách nhiệm theo dõi thói quen sinh hoạt của người cao tuổi, trong khi đó các cuộc gọi điện thoại bằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp kiểm tra tình trạng của người cần chăm sóc hằng ngày. Nhờ đó, điều dưỡng có thể trông coi những khách hàng cao tuổi mà không phải đến tận nhà hay tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với họ. Hơn nữa, với việc ứng dụng mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) và AI, điều dưỡng có thể cùng lúc nhận chăm sóc nhiều người cao tuổi hơn. Điều này đặc biệt cần thiết ở những quốc gia thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành điều dưỡng như ở Nhật Bản (do sự già hóa dân số).
Theo đó, người ta lắp các thiết bị cảm biến ở nhiều vị trí trong nhà người cao tuổi cần được chăm sóc, như nhà vệ sinh, phòng ngủ, tủ lạnh, cửa nhà, phòng ăn… Nhờ các thiết bị cảm biến này, điều dưỡng sẽ biết được các thông tin như người đó đã sử dụng nhà vệ sinh bao nhiêu lần trong ngày, vào các thời điểm nào, giấc ngủ kéo dài bao lâu, người đó có ăn uống được không… Các thiết bị này không hề phát ra âm thanh hay ánh sáng nên không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của gia chủ.
Một điều dưỡng tại tỉnh Miyazaki, Nhật Bản đang kiểm tra dữ liệu từ các thiết bị cảm biến lắp đặt ở nhà cao tuổi (Ảnh Kyodo News)
Năm 2019, các thiết bị cảm biến này đã được thử nghiệm tại Thành phố Miyakonojo (tỉnh Miyazaki, Tây Nam Nhật Bản), trong dự án “quản lý chăm sóc kỹ thuật số”. Họ đã sử dụng dữ liệu từ các thiết bị cảm biến để lên kế hoạch chi tiết về việc chăm sóc cho những người cao tuổi thuộc dự án. Sau khi phân tích kết quả trong vòng 3 tháng, các nhà nghiên cứu và nhóm điều dưỡng viên nhận thấy thói quen sinh hoạt của cả 4 người tham gia thử nghiệm trong dự án này đều được cải thiện.
Cũng ứng dụng IoT, một công ty công nghệ Nhật Bản có trụ sở tại Mỹ đã phát triển một thiết bị tên là Dfree. Thiết bị này được đeo lên người bệnh, thông qua cảm biến siêu âm theo dõi những thay đổi về kích thước bàng quang để nhận ra thời điểm người được theo dõi cần đi vệ sinh và báo cho người chăm sóc qua smartphone. Thiết bị này được đánh giá là cực kỳ hữu ích cho những người mắc chứng tiểu không kiểm soát, giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, có thể độc lập hơn, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho người chăm sóc.
AI và IoT ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe (Ảnh internet)
Dịch vụ gọi điện thoại AI cũng đã bắt đầu được đưa vào thử nghiệm tại tỉnh Nara, miền Tây Nhật Bản để kiểm tra tình trạng sức khỏe của những người cao tuổi mỗi ngày. Với dịch vụ này, AI sẽ hỏi người nhận điện thoại về tình trạng sức khỏe của họ, như họ có đang bị đau ở đâu không, triệu chứng này bắt đầu từ khi nào, đã kéo dài bao lâu, họ đã gặp bác sĩ chưa… Nếu người nhận điện thoại không nhận cuộc gọi hoặc trả lời rằng họ không khỏe, AI sẽ phát thông báo cho một thành viên trong gia đình người được chăm sóc. Theo nhóm phụ trách dự án này, việc thu thập dữ liệu bằng AI sẽ giúp họ phát hiện ngay lập tức thay đổi đột ngột về sức khỏe hoặc tình trạng sa sút trí nhớ của người được theo dõi.
IoT và AI ngày càng được nhiều công ty phần mềm ứng dụng phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ các ứng dụng giúp tự bảo vệ sức khỏe đến các ứng dụng trong chẩn đoán, ra quyết định, điều trị… Ví dụ như đai thông minh có thể cảnh báo khi người đeo ăn quá nhiều nhờ cảm biến từ tính theo dõi kích thước và độ căng của chất thải; sử dụng AI trong chụp nhũ ảnh phát hiện ung thư vú, giúp xem xét và dịch thuật chụp quang tuyến vú nhanh hơn 30 lần với độ chính xác 99%; AI trong thiết bị giám sát bệnh tim mạch giai đoạn đầu; AI trong chẩn đoán điều trị đột quỵ…
Nguồn: Tổng Hợp