Khi các thiết bị “bất đồng ngôn ngữ”

Doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để triển khai các giải pháp Internet của vạn vật (Internet of Things – IoT) nhưng họ gặp khó khăn về chuẩn chung để có thể tăng cường sức mạnh liên kết với nhau.
ImageHandlerLarge

Chiều tối, bạn về đến nhà và mở cửa, lập tức đèn hành lang bật sáng. Bước vào phòng khách, đèn và điều hòa được bật lên, rèm cửa mở ra. Bình nước nóng cũng tự động bật lên.

Những điều này đã được chủ nhà lên lịch sẵn trên ứng dụng điều khiển nhà thông minh ở điện thoại di động và “đến hẹn lại lên”, các thiết bị trong gia đình sẽ tự hoạt động. Hoặc nếu không, chủ nhà tự viết kịch bản “về nhà” và bất cứ khi nào và ở đâu, họ đều có thể bấm nút “về nhà” để các thiết bị hoạt động như trên.

Có điều gì đó không ổn ở đây. Không phải ngày nào lịch sinh hoạt của chủ nhà cũng như nhau. Nhà “thông minh” liệu có “hiểu” được rằng những ngày trời lạnh thì cần bật chế độ sưởi, những ngày trời nóng thì tắt bình nước nóng, những ngày trời mưa thì không nên mở rèm và hơn nữa là khi chủ nhà ốm thì đừng bật điều hòa?

“Tôi cảm giác nhà thông minh vẫn là cái gì đó phức tạp đối với người dùng trong khi lẽ ra nó phải là một cái gì rất tự nhiên. Đi vào nhà thì cửa mở, lúc mình nóng thì quạt bật… Coi như mình không biết đến sự hiện diện của những chương trình điều khiển đó nữa thì nó mới thông minh. Còn bây giờ thực sự nó mới chỉ là cái nhà điều khiển, mình ra lệnh làm gì thì nó làm nấy,” anh Vũ Xuân Linh, người sáng lập Green Leap – một startup có sản phẩm là bộ điều khiển tưới vườn từ xa, nói.

Nhà thông minh hiện nay là một trong những ứng dụng phổ biến nhất ở Việt Nam về IoT, theo đó, các thiết bị đều được kết nối và điều khiển qua mạng. Để có thể là “một cái gì rất tự nhiên”, các nhà phát triển giải pháp này cần phải thu thập được dữ liệu lớn về điều kiện sống và sinh hoạt của người dùng, từ đó phân tích, đưa ra mô hình xác định trình tự hoạt động của mỗi cá nhân để có cách thức điều khiển ngôi nhà theo thói quen người dùng, hạn chế nguy cơ cháy nổ và tiết kiệm năng lượng nhất… chẳng hạn.

Câu chuyện về nhà thông minh phản ánh khá rõ hiện trạng về IoT của Việt Nam: mọi thứ đã có thể điều khiển từ xa qua mạng nhưng ứng dụng vẫn rất hạn chế.


Năng lực có đủ


Các doanh nghiệp Việt Nam đến với IoT không phải vì nhìn thấy tiềm năng rộng lớn của nó mà vì muốn giải quyết một bài toán thực tế.

MimosaTEK là một trong số rất ít doanh nghiệp đã có sản phẩm IoT ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ khởi đầu một cách rất tự phát, như anh Nguyễn Khắc Minh Trí, người sáng lập và CEO của MimosaTEK, nói: “Thực ra ban đầu chúng tôi chỉ định dùng IoT để giám sát và điều khiển nhằm mang lại tiện ích cho người nông dân. Nhưng càng làm thì càng nhận thấy IoT là cơ hội rất tốt cho nông nghiệp chính xác.”

Các doanh nghiệp Việt Nam khá năng động trong việc tham gia “làn sóng” IoT mặc dù họ mới bước vào lĩnh vực này. “Thực ra lúc bọn tôi nghĩ ra nhà thông minh, nó chẳng liên quan gì đến IoT cả. Nó rất mới. Mình cũng chẳng nhìn thấy bài toán rộng lớn của IoT là làm những việc gì,” anh Nguyễn Tuấn Anh, người đồng sáng lập Lumi – doanh nghiệp phát triển giải pháp nhà thông minh, kể lại. “Mình ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên phải chấp nhận nếu sai thì đập đi làm lại. Cũng không có chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này vì nó quá mới, chẳng ai là chuyên gia cả. Thiếu công nghệ gì, bọn mình phải tự mày mò hết, tự học hết”.

Green Leap, MimosaTEK hay Lumi đều tự phát triển phần cứng và phần mềm cho giải pháp IoT của họ. Việc phát triển phần cứng bao gồm thiết kế bo mạch, thiết kế kiểu dáng công nghiệp. Về phần mềm, ngoài viết ứng dụng điều khiển trên các thiết bị di động, họ cũng lập trình trên các cổng kết nối (gateway), lập trình cho từng con chip trên các thiết bị và bảng điều khiển cho phép thu thập dữ liệu từ các cảm biến. Sau đó, họ thuê các công ty dán chip bề mặt (STM) ở Việt Nam hoặc các đối tác sản xuất ở Trung Quốc lắp ráp và sản xuất thiết bị. Lí do họ không sử dụng thiết kế mẫu của các đối tác sản xuất là vì họ muốn có các sản phẩm phù hợp với điều kiện và thói quen của người Việt Nam. Hơn nữa, họ có thể kiểm soát tối đa giá thành sản phẩm.

Dẫn ra ví dụ trong lĩnh vực smarthome, anh Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, hiện nay các công ty trong nước có đủ năng lực để thiết kế và triển khai một hệ thống IoT ở quy mô nhỏ: “Về smarthome thì Việt Nam có thể làm được hết, không có vấn đề gì cả. Bkav cũng có giải pháp đầy đủ rồi. Giải pháp của Lumi cũng sắp đầy đủ. Nó không có gì khó nữa”. “Đầy đủ” là kết nối và điều khiển được tất cả các hệ thống đèn, đồ gia dụng nước, camera an ninh và âm thanh.

Ngoài Bkav được cho là nghiên cứu về nhà thông minh từ năm 2005, các doanh nghiệp IoT khác ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này khoảng năm năm trở lại đây. Một số doanh nghiệp IoT khác đã bắt đầu có sản phẩm bao gồm Lumi, Acis (nhà thông minh), MimosaTEK (nông nghiệp), Green Leap (làm vườn) và V SYS (tự động hóa)…

Dữ liệu – mỏ dầu chưa được khai thác

Dĩ nhiên, kết nối mới chỉ là bước đầu của IoT. “IoT chỉ là cái cớ để tạo ra dữ liệu,” theo ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc công ty DTT, đối tác đầu tiên của Intel tại Việt Nam trong việc phát triển giao thông thông minh và thành phố thông minh ở Việt Nam.

Không phải là các doanh nghiệp IoT không biết điều đó. Lumi cũng mong muốn lắp thêm cảm biến vào các thiết bị của mình để có thể phân tích dữ liệu về hoạt động cũng như thói quen của chủ nhà vì có như vậy người dùng mới dần thoát khỏi việc điều khiển qua điện thoại. “Như thế họ mới thấy giải pháp của mình có ý nghĩa,” anh Tuấn Anh nói. Hiện giờ, Lumi đã thu thập và lưu lại dữ liệu về hoạt động của các thiết bị của người dùng nhưng chưa biết xử lí dữ liệu này ra sao.

MimosaTEK trong tương lai cũng tập trung vào phân tích dữ liệu lớn. “Dữ liệu luôn được lưu trữ như một mỏ dầu để sau này có thể giúp khách hàng khai thác các thông tin quý giá trên dữ liệu của mình,” anh Nguyễn Khắc Minh Trí cho biết. MimosaTEK đang lưu trữ các thông số liên quan đến môi trường như mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm, cường độ, bức xạ ánh sáng, độ ẩm đất và các thông tin chính khách hàng nhập thủ công như tốc độ tăng trưởng của cây, tình trạng sâu bệnh. Trong tương lai, những dữ liệu này được kỳ vọng có thể phân tích mối tương quan giữa lượng nước tưới hoặc các thông số về môi trường với năng suất và sâu bệnh của cây.

Tuy nhiên, vừa mới bước chân vào IoT, việc phân tích dữ liệu lớn vẫn là điều ngoài tầm với đối với các doanh nghiệp nhỏ. “Trước hết, số lượng người dùng phải đủ lớn. Hàng nghìn người mới lấy được dữ liệu chuẩn chứ. Sau đó chúng tôi mới mời các chuyên gia về dữ liệu lớn”, anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết. Hiện giờ số lượng khách hàng của Lumi dưới hai mươi người và Mimosa TEK mới có sáu nông trại áp dụng giải pháp của họ.
Để tăng số lượng người sử dụng giải pháp IoT không dễ. “Khó khăn lớn nhất là việc tính chi phí mang lại từ IoT. Có những thứ chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao, nhưng hiệu quả mang lại về sau lớn. Nếu nhận thức rõ điều này thì họ sẽ không ngại đầu tư vào IoT. Quan trọng là giải pháp đó phải hiệu quả và đủ thuyết phục để thay đổi suy nghĩ của họ,” theo anh Nguyễn Khắc Minh Trí.

Không mở rộng được quy mô vì thiếu chuẩn

Bên cạnh đó, để thu thập dữ liệu, các thiết bị phải kết nối được với nhau. Điều đó đã rõ. Nếu là sản phẩm của một công ty thì không thành vấn đề, nhưng các thiết bị của các công ty khác nhau sẽ không “nói chuyện” được với nhau. Nếu một gia đình sử dụng đồng thời giải pháp nhà thông minh của Lumi và thiết bị tưới vườn thông minh của Green Leap, họ sẽ phải sử dụng hai bộ điều khiển và hai ứng dụng di động điều khiển khác nhau. Điều gì sẽ xảy ra khi gia đình này muốn sử dụng thiết bị của mười hãng?

Nguyên do là chưa hình thành một chuẩn chung để kết nối tất cả các thiết bị IoT. Nếu Green Leap muốn kết nối với bộ điều khiển của Lumi và ngược lại, ít nhất là họ sẽ phải chỉnh sửa phần mềm trên thiết bị của họ. Nói cách khác là cho thiết bị của mình có thể “nói nhiều hơn một ngôn ngữ”. Giả sử, có vài chục thiết bị thông minh của các hãng khác nhau trong một hộ gia đình muốn kết nối với một trung tâm điều khiển của Lumi, đồng nghĩa với việc Lumi phải chỉnh sửa vài chục lần phần mềm của mình. Và đó mới chỉ là bài toán cho một hộ gia đình.

Chính vì thế, các doanh nghiệp nhỏ bây giờ đang “chờ” các tập đoàn lớn trên thế giới thống nhất đưa ra một chuẩn chung. Nhưng bản thân những tập đoàn này cũng “chia” thành nhiều liên minh IoT với mỗi liên minh hướng đến một chuẩn riêng. “Mỗi tiêu chuẩn không phải làm một lần là xong mà có có khi mất đến năm năm,” theo ông Nguyễn Thế Trung. Hiện nay, DTT đang tham dự vào cộng đồng OIC do Intel sáng lập, gồm hơn 80 tập đoàn công nghệ trên thế giới để đưa ra một chuẩn về IoT.

“Chúng tôi phải làm đủ nhanh để bắt kịp với chuẩn của thế giới. Bởi nếu không, có khi hoàn thành xong thiết bị của mình theo chuẩn này thì người ta đã chạy sang chuẩn khác. Đó cũng là một rủi ro”, anh Vũ Xuân Linh nhận định.

Anh Nguyễn Tuấn Anh cũng đồng tình với ý kiến đó: “Mỗi chuẩn đều muốn mình là số một nên rất khó. Nói chung là khi chưa có chuẩn gì thì mình cứ làm cách nào để có thể giao tiếp với những người khác đã. Phải có cách thôi.” Một trong các cách của Lumi là bán một phần giải pháp cho khách hàng của các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Chẳng hạn, hệ thống nút điều khiển cảm ứng của họ đã tương thích với bộ điều khiển nhà thông minh Smarthings của Samsung. Họ cũng thiết kế hệ thống của mình sao cho dễ dàng nâng cấp, chỉ cần cắm thêm phần cứng và cập nhật phần mềm.

Nhưng rủi ro không chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa phần mềm nhiều lần. “Một số công ty nghĩ mình có thể làm mà không cần theo chuẩn. Nhưng sau này nếu có ai khác làm theo chuẩn, với số lượng lớn và bán rất rẻ thì cạnh tranh thế nào? Phần cứng luôn phải chạy theo số lượng,” ông Nguyễn Thế Trung bày tỏ quan điểm.

Thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp làm IoT ở Việt Nam là ở chỗ việc phân tích dữ liệu lớn vẫn nằm ngoài tầm với do số người dùng còn ít và chưa có một chuẩn chung nên các thiết bị của các hãng khác nhau không kết nối được với nhau. Mà để tăng số người sử dụng giải pháp IoT không dễ vì chi phí đầu tư ban đầu cao.

Nhà nước tạo một nền tảng chung?

Các doanh nghiệp IoT không dễ gì trở thành thành viên của các liên minh IoT để được chia sẻ chuẩn chung bởi chi phí không hề rẻ, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn USD/năm. Chính vì vậy, “Nhà nước nên bắt tay với các hãng công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng một nền tảng chung dựa trên chuẩn toàn cầu. Chỗ nào cũng cần cái đó cả. Thay vì bây giờ, mỗi người chỉnh sửa phần mềm để kết nối với từng thiết bị khác hãng thì chỉ cần viết cho nó chạy trên nền tảng đấy thôi. Thế có phải là đẹp không?” ông Trung đề xuất. Nền tảng chung này đóng vai trò một hệ điều hành giống như Windows. Và những gì các doanh nghiệp làm giống như là viết các chương trình Microsoft Offices.

Điều này tạo ra một hệ sinh thái IoT để nhiều người có thể cùng tham gia ở nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, khi đó, vì cùng sử dụng một “tiếng nói chung” nên các doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực và các địa phương đều có thể chia sẻ thông tin với nhau.

Nền tảng này cũng dễ dàng kết hợp các doanh nghiệp cùng làm một dự án lớn như thành phố thông minh. “[Những dự án đó] nó rộng lớn. Mỗi công ty làm một phần thôi và nếu cần thì có thể liên minh với nhau,” theo anh Tuấn Anh.

Tháng Chín vừa qua, tại hội thảo về giải pháp IoT của Intel, ông Trần Đức Trung, đại diện của Intel tại Việt Nam, chia sẻ với báo chí rằng, trong Chính phủ chỗ nào cũng có máy tính, server nên cần nghĩ tới việc kết nối chúng với nhau để tạo ra một cơ sở dữ liệu chung vì ngày nay càng sở hữu dữ liệu thì càng giàu có. Vấn đề là làm sao thuyết phục được Chính phủ thấy rằng khoản đầu tư cho IoT là hợp lí và đây không phải là hành động làm “chuột bạch”, ông Trần Đức Trung nói thêm.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên tạp chí Tia Sáng, ông Đào Ngọc Chiến, Vụ phó Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN, cho biết, Nhà nước chưa có chiến lược gì trong việc phát triển IoT ở Việt Nam. “Vấn đề là cơ sở dữ liệu rất lớn, ai nắm trong tay và khai thác như thế nào, phải đầu tư lớn về mặt máy chủ, hệ thống xử lý, kể cả nhân lực. Không thể ngay được. Không thể rẻ được. Theo tôi là phải tìm cách xã hội hóa chứ Nhà nước không đủ nguồn lực.”

Về phía doanh nghiệp, họ cũng ngại đầu tư. “Rất là khó. Tốn rất nhiều thời gian, nhân lực mà mình cũng chưa có bài toán áp dụng, chưa biết có ra được cái gì hay không, không biết khách hàng có bỏ thêm chi phí cho dịch vụ mới của mình không,” anh Nguyễn Tuấn Anh tỏ ra dè dặt.

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị